01:23 10/01/2012

Cử tri Mỹ chọn ôn hòa hay hiếu chiến?

Đáng ra việc chính quyền của Tổng thống Barack Obama tuyên bố cắt giảm ngân sách quốc phòng lên tới hơn 500 tỉ USD trong 10 năm tới phải là một tín hiệu tốt cho cả nước Mỹ...

Đáng ra việc chính quyền của Tổng thống Barack Obama tuyên bố cắt giảm ngân sách quốc phòng lên tới hơn 500 tỉ USD trong 10 năm tới phải là một tín hiệu tốt cho cả nước Mỹ, thì sự thực là vẫn có rất nhiều người Mỹ cho rằng nước Mỹ hiện tại và trong tương lai phải đổ thật nhiều tiền vào quân đội và luôn sẵn sàng biến những điểm nóng trên thế giới thành chiến trường.

Sáng 9/1/2012, tại thành phố Manchester, bang New Hamphsire, nhân vật đang tìm kiếm vị trí ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa, Mitt Romney vung tay tuyên bố: "Sẽ không giảm một xu tiền ngân sách quốc phòng nếu tôi là tổng thống". Cử tọa ngồi dưới rần rần vỗ tay.

Đó không phải lần đầu tiên Mitt Romney bày tỏ quan điểm rằng tiền cho quốc phòng và an ninh thì không thể động tới. Ở bang Iowa - nơi diễn ra cuộc bỏ phiếu kín đầu tiên - Romney cũng đã thuyết phục được không ít trong số hơn 3 vạn người đã bỏ phiếu cho ông cũng bằng lập luận này.

Và Mitt Romney tự nhận mình là một người bảo thủ.

Người Mỹ bảo thủ

Ở Mỹ, có khoảng 55 triệu người đăng ký là đảng viên đảng Cộng hòa. Và nếu nhìn vào kết quả bỏ phiếu ở bang Iowa mới đây, hầu hết trong số họ là những người bảo thủ, bởi ứng viên Ron Paul, một người kịch liệt phản đối chiến tranh, chỉ nhận được 21% số phiếu trong tổng số phiếu bầu cho 6 ứng viên.

Vì có thiên hướng bảo thủ, nên nhiều người Mỹ coi việc hầu hết các ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa đều tới Ixraen trước khi cuộc bỏ phiếu sơ bộ bắt đầu là điều bình thường. Thậm chí, ông Romney còn tuyên bố, nếu đắc cử tổng thống, ông sẽ đi thăm Ixraen đầu tiên. Đó không chỉ là một động thái nhằm kiếm phiếu của cộng đồng người Do Thái đông đảo và có sức ảnh hưởng lớn trên chính trường Mỹ, mà còn là củng cố quan hệ với một đồng minh cũng luôn sẵn sàng cho bất cứ cuộc chiến nào với thế giới Arập.

Nếu như quan điểm của những người bảo thủ ở Mỹ hàm chứa những điểm tích cực, thì tại sao họ cứ nhất thiết phải đổ thật nhiều tiền vào quân đội và lấy tiếng súng để giải quyết bất ổn?

Gây chiến tranh để bảo vệ nước Mỹ?

Bài viết mới đây trên tờ Bưu điện New York chỉ trích lập luận của Tổng thống Obama là thế giới giờ đây đã an toàn hơn, các mối đe dọa từ bên ngoài với nước Mỹ đã giảm bớt, nên việc cắt giảm hơn nửa ngàn tỉ USD ngân sách quốc phòng trong một thập niên không ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.

Tác giả của bài báo, một chuyên gia quốc phòng của Quỹ Di sản (Heritage Foundation) cho rằng đó là lập luận ngây thơ, bởi khi Mỹ vừa rút toàn bộ quân khỏi Irắc, thì chính quyền liên minh của nước này có dấu hiệu đổ vỡ, những nỗ lực trong 10 năm qua của nước Mỹ sẽ trở thành công cốc, và những nguy cơ đe dọa Mỹ có thể hồi sinh trở lại. Một kịch bản tương tự có thể chờ đợi ở Ápganixtan khi Mỹ rút quân khỏi vũng lầy này trước năm 2014. Tác giả này cũng cho rằng tiêu diệt được trùm khủng bố Osama bin Laden thực ra chỉ là giết được một thủ lĩnh chỉ còn giá trị trên giấy tờ và tuyên truyền của mạng lưới khủng bố Al Qeada, không đủ cơ sở để cắt giảm ngân sách quốc phòng.

Tướng về hưu, Robert H. Scales, trên tờ Washington Post mới đây cũng đã phản đối kịch liệt quyết định cắt giảm ngân sách và tinh giảm lực lượng bộ binh và thủy quân lục chiến. Ông này cho rằng, lịch sử 70 năm qua đã cho thấy bất cứ quyết định cắt giảm quân số nào của bất kỳ đời tổng thống nào cũng khiến nước Mỹ phải trả giá như thất bại chiến lược trong chiến tranh Triều Tiên những năm 1050, thất bại trong cuộc xâm lược Việt Nam những năm 1970, vụ giải cứu bất thành con tin ở Iran cuối những năm 1990, vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ...

Thế nhưng, không phải mọi người Mỹ đều thích đánh đấm. Cuộc biểu tình “Chiếm Phố Wall” được cho là đại diện 99% người Mỹ có một trong những nội dung chủ yếu là phản chiến. Và trên hết, hãy chờ cho tới ngày 6/11 tới, khi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ được công bố, chính quyền của ông Obama với xu hướng ôn hòa hơn hay phe Cộng hòa hiếu chiến sẽ giành chiến thắng, chúng ta sẽ biết những người Mỹ chán đánh đấm hay giới hiếu chiến ai nhiều hơn ai.

Tuấn Đạt (P/v TTXVN tại Mỹ)