11:00 07/11/2012

Cử tri Mỹ bầu tổng thống

Ngày 6/11, nước Mỹ bước vào Ngày Bầu cử, với khoảng 215 triệu cử tri của 50 bang, thủ đô Oasinhtơn và các vùng lãnh thổ thuộc Mỹ bầu lại tổng thống, toàn bộ 345 ghế Hạ viện, 33 trong 100 ghế Thượng viện, 11 trong 50 ghế thống đốc bang và cơ quan lập pháp các bang.

Ngày 6/11, nước Mỹ bước vào Ngày Bầu cử, với khoảng 215 triệu cử tri của 50 bang, thủ đô Oasinhtơn và các vùng lãnh thổ thuộc Mỹ bầu lại tổng thống, toàn bộ 345 ghế Hạ viện, 33 trong 100 ghế Thượng viện, 11 trong 50 ghế thống đốc bang và cơ quan lập pháp các bang.


 

Cử tri Mỹ đi bầu tại thủ đô Oasinhtơn ngày 6/11/2012. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Vào lúc 12 giờ (giờ VN), những cử tri thị trấn Dixville Notch nhỏ bé ở bang New Hampshire đã trở thành những người đầu tiên đi bỏ phiếu trong Ngày Bầu cử. Theo hãng tin AFP, 10 cử tri đầu tiên trong ngày đã tới điểm bỏ phiếu và kết quả cho thấy Tổng thống đương nhiệm Barack Obama và đối thủ đảng Cộng hòa, cựu Thống đốc Mitt Romney, tiếp tục duy trì thế cân bằng, đều nhận được 5 phiếu bầu.


Dixville Notch nằm ở cực bắc New Hampshire vốn nổi tiếng khắp nước Mỹ là địa phương luôn đi bầu tổng thống sau nửa đêm. Trong khi đó, các điểm bỏ phiếu trên toàn quốc thường mở cửa vào buổi sáng trong Ngày Bầu cử.

 

Thế cân bằng vào phút chót


Tính chất giằng co tới phút chót của cuộc tranh cử năm 2012 là một lý do khiến Tổng thống Obama và đối thủ Romney trong 24 giờ còn lại cuối cùng phải tiến hành các chuyến thăm vận động tranh cử phút chót tại hàng loạt bang dao động mà cả hai bên đều xác định là có tính quyết định tới số lượng phiếu đại cử tri tối thiểu 270 cần phải đạt được vào tối 6/11 nếu muốn đắc cử tổng thống, trong đó có Virginia, Ohio, Florida, Wisconsin, New Hampshire, Iowa và Pennsylvania, với độ dài tổng cộng hàng chục nghìn km.


Theo thống kê trung bình tại các điểm bỏ phiếu do trang web RealClearPolitics thực hiện cho tới 23 giờ ngày 6/11 (giờ VN), Tổng thống Obama đã dẫn trước đối thủ về số phiếu bầu tại các bang Iowa (nhiều hơn 2% so với ông Romney), Ohio (2,9%), Wisconsin (4,2%), Virginia (0,3%), New Hampshire (2,0%) và Colorado (1,5%). Cùng lúc, ứng cử viên Romney lại dẫn trước 1,5% ở bang luôn dao động nhất là Florida và ở bang Bắc Carolina, chính tại nơi ông Obama đã giành chiến thắng với tỷ lệ 3% (14.000 số phiếu) trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008.


Với thế giằng co trên đây cộng với múi giờ khác nhau, các chuyên gia cho rằng kết quả ban đầu của cuộc bỏ phiếu tối 6/11 rất dễ bị đảo lộn vì một trong những bang dao động quan trọng nhất là Virginia ở bờ phía đông sẽ kết thúc bỏ phiếu vào 7 giờ tối 6/11 (tức 7 giờ sáng 7/11, giờ VN) trong khi bang Nevada ở bờ phía tây mãi đến 10 giờ tối 6/11 (10 giờ sáng 7/11, giờ VN) mới đóng hòm phiếu.

 

Obama hay Romney đều không thể bỏ qua châu Á


Bàn về chính sách và ảnh hưởng chính sách của chính quyền mới ở Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 6/11 đối với châu Á, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Inđônêxia, Rizal Sukma, cho rằng dù ông Obama hay ông Romney đắc cử tổng thống Mỹ, thì Nhà Trắng cũng không thể bỏ qua châu Á.


Trong bài viết đăng trên báo “Bưu điện Giacácta”, học giả Sukma nhận xét vào thời điểm bầu cử diễn ra ở Mỹ, đã có rất nhiều suy đoán về tác động của kết quả đối với châu Á. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng nếu Tổng thống Obama tái đắc cử nhiệm kỳ hai, thì gần như chắc chắn chính sách của Mỹ đối với châu Á sẽ không thay đổi. Nếu ứng cử viên Romney chiến thắng, có suy đoán rằng chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ sớm thay đổi; tuy nhiên, bài viết cho rằng vẫn quá sớm để đánh giá rằng một tổng thống Romney sẽ chuyển hướng đáng kể chính sách đối với châu Á.


Tác giả lập luận, dù sắp tới ông chủ Nhà Trắng sẽ là Obama hay Romney, Mỹ không thể rời khỏi châu Á, thậm chí ngay cả khi chính quyền nước này muốn làm điều đó. Châu Á quá quan trọng để Mỹ không thể bỏ qua, ngay cả khi Mỹ đang đối mặt với những thách thức ở nơi này nơi khác trên toàn thế giới. Bởi vậy, đối với châu Á, câu hỏi thật sự chính là bản chất của vai trò và sự hiện diện của Mỹ ở châu Á.


Tác giả kết luận, dù người nào thắng cuộc bầu cử ngày 6/11 tại Mỹ, châu Á sẽ tiếp tục phải đối mặt với một thách thức chiến lược mà châu lục đã phải đối mặt trong suốt bốn năm qua. Đối với Mỹ, bỏ qua châu Á không còn là một lựa chọn. Cả Mỹ và châu Á đều bị ràng buộc bởi lợi ích chung trong việc đảm bảo rằng một thế kỷ châu Á sẽ được đánh dấu bởi sự thịnh vượng và ổn định hơn là bởi sự cạnh tranh.

 

Thái Hùng (P/v TTXVN tại Mỹ) - H.H - T.L