06:14 11/06/2015

Cử tri đề nghị có chính sách đồng bộ phát triển bền vững nông nghiệp

Phóng viên tại Hà Nội, Cần Thơ và Quảng Nam đã ghi lại ý kiến cử tri về phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Thực hiện chương trình kỳ họp, sáng 11/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát là vị bộ trưởng đầu tiên trong 5 thành viên Chính phủ đăng đàn trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.

Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi. Phóng viên tại Hà Nội, Cần Thơ và Quảng Nam đã ghi lại ý kiến cử tri về phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Máy tuốt lúa phục vụ tận đồng giúp nông dân giảm sức lao động, chi phí khuân chuyển. Ảnh: Huỳnh Sử-TTXVN


Đẩy mạnh liên kết "4 nhà”, ổn định đầu ra cho nông sản


Cử tri Võ Hường (số nhà 69 Lý Thường Kiệt, Tam Kỳ, Quảng Nam) cho rằng: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có những đầu tư mang tính chiến lược, dài hơi đối với thị trường trong nước và quốc tế để phối hợp tiêu thụ nông sản cho người dân, tránh tình trạng bị động, lúng túng về thị trường.

Việc liên kết “4 nhà” đã có từ lâu nhưng chưa “nhà” nào thể hiện được rõ ràng vai trò của mình. Vì vậy, Nhà nước cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ hơn nữa đối với doanh nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có kế hoạch cụ thể hơn, đẩy nhanh tiến độ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp để nâng cao giá trị, hạ giá thành, tăng cao tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Bộ cũng cần linh động, nhạy bén hơn nữa trong việc nắm bắt tình hình thị trường, giá cả các loại nông sản để có thể hoạch định chiến lược sản xuất, chế biến cho người dân cũng như doanh nghiệp.

Cử tri Phạm Văn Quỳnh (Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ) thì cho rằng: Sản xuất nông sản ở nước ta nói chung cũng như thành phố Cần Thơ nói riêng hiện nay, vẫn còn theo mùa vụ nên dẫn đến tình trạng thu hoạch rộ thì giá xuống thấp, hết vụ giá tăng cao.

Giải pháp để khắc phục tình trạng này, trước hết là phải có hệ thống kho dự trữ, hệ thống tạm trữ để điều hòa sản lượng hàng hóa cả năm và nhiều năm. Có như vậy mới điều hòa được giá cả cũng như mang lại lợi nhuận ổn định cho nông dân.

Về vấn đề này, trong thời gian qua, Chính phủ đã có chủ trương nhưng việc tiếp cận vốn vay để xây dựng kho, hệ thống chế biến hay tạm trữ, dự trữ vẫn còn nhiều điều cần giải quyết. Bên cạnh đó, nhà nước cần phát triển thêm các hợp đồng vay tín dụng theo khế ước hợp đồng sản xuất hoặc hợp đồng tín dụng theo từng ngành hàng để hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa nông sản cho nông dân.

Trong điều tiết tiêu thụ nội địa, các địa phương cần nắm tình hình để thực hiện chiến lược sản xuất rải vụ và đa dạng hóa ngành hàng, tránh tình trạng nhiều địa phương, nhiều vùng trồng một loại nông sản dẫn tới vào vụ thu hoạch rộ lại không cách nào để tiêu thụ hết, cũng không có kho để chứa.

Về chiến lược lâu dài, cần hướng cho nông dân sản xuất theo các hợp đồng xuất khẩu với hệ thống kho ổn định của các doanh nghiệp sẽ giúp cho nông dân ổn định sản xuất, giữ được giá bán cũng như đạt được lợi nhuận cao.

Cử tri Phạm Thái Bình (Giám đốc Công ty TNHH Trung An - thành phố Cần Thơ) nêu ý kiến, trong mối liên kết "4 nhà", doanh nghiệp và nông dân là hai đối tượng chính; trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo vì doanh nghiệp là người đứng ra ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm đầu vào và bao tiêu, tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hiện chưa nhiều, bởi thời gian qua, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho các doanh nghiệp còn quá ít và thậm chí không đến được các doanh nghiệp. Mặt khác, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn gặp nhiều rủi ro.

Do đó, muốn tái cơ cấu để ngành nông nghiệp phát triển, Nhà nước cần có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp để ngày càng có nhiều doanh nghiệp mở rộng liên kết với nông dân.

Cần có cơ chế, chính sách đồng bộ

Theo cử tri Nguyễn Văn Cường (Tiến sĩ khoa học, Bộ Khoa học và Công nghệ): Hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản đang mất giá, đồng thời mất thị trường do xu thế cạnh tranh khốc liệt như các mặt hàng gạo, hành tím, muối, dưa hấu... Sản xuất nông sản tăng trưởng thấp có phải do thị trường tiêu thụ bị hạn chế hay chất lượng nông sản thấp?

Nông dân sản xuất thường làm theo phong trào tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp dẫn đến hàng hóa ế ẩm, hoặc được mùa nhưng lại rớt giá. Người dân đang rất ngóng chờ những cú hích về chính sách, đầu tư thỏa đáng của Nhà nước để tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Trong tiêu thụ nông sản, hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi hoạt động liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, bước đầu đem lại hiệu quả cao cho người sản xuất và người tiêu dùng. Đặc biệt, chuỗi hoạt động liên kết này được các nhà quản lý đánh giá là có vai trò quan trọng quyết định tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

Nhưng vẫn còn nhiều tồn tại trong quá trình liên kết, đó là sự chia sẻ lợi nhuận, rủi ro giữa doanh nghiệp và người sản xuất. Đây là bài toán mà các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà khoa học, doanh nghiệp và người sản xuất cần trao đổi, tháo gỡ nút thắt trong liên kết giữa các tác nhân. Ở đây vai trò của doanh nghiệp làm trung tâm phân phối là chủ đạo để chuỗi giá trị nông sản phát triển bền vững.

Cử tri Nguyễn Văn Cường cũng cho rằng, các giải pháp mà Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đưa ra trong tình hình hiện nay vẫn còn mang tính vĩ mô chưa thấy giải pháp thiết thực mang tính đột phá, khắc phục khó khăn, nhất là chưa thấy rõ vai trò chỉ đạo chuyên sâu về lĩnh vực nông nghiệp của Bộ đối với những khó khăn của người nông dân.

Nếu không có biện pháp giải quyết bài toán định hướng cho người nông dân cần làm gì một cách bài bản, lâu dài và bền vững thì việc hội nhập kinh tế sẽ là gánh nặng lớn. Chính phủ cần vạch ra những chính sách dài hơi hơn như dự báo, đưa công nghệ vào để có những sản phẩm chất lượng cao, ứng dụng công nghệ hiện đại, thành lập chuỗi liên kết trong tiêu thụ bao tiêu sản phẩm nông sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đề cập về giải pháp hỗ trợ ngư dân khai thác nguồn lợi thủy sản, bảo vệ phát triển ngư trường, cử tri Bùi Minh Phụng (khối phố 8, Phường An Sơn, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam) nêu ý kiến: Cần rà soát, làm rõ vai trò của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc đầu tư và phối hợp quản lý các âu thuyền, nơi neo đậu tàu cá, cảng cá, tránh tình trạng xây dựng rồi bỏ hoang, gây lãng phí.

Việc hỗ trợ đóng tàu lớn để đánh bắt xa bờ cần triển khai có trọng điểm, tránh đầu tư tràn lan; tích cực hỗ trợ ngư dân hơn nữa trong quá trình đánh bắt xa bờ, nhất là ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Nhà nước xem xét thực hiện mạnh mẽ hơn nữa dịch vụ hậu cần nghề cá, đặc biệt là có những tàu lớn thu mua sản phẩm đánh bắt được ngay trên biển và cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm thiết yếu để ngư dân có thể liên tục đánh bắt trên biển, vừa nâng cao hiệu quả vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.


Phóng viên TTXVN tại các địa phương