11:08 16/11/2011

Cú hích cho tái cơ cấu đầu tư công

Khoảng 2/3 dự án, công trình đã được phê duyệt đầu tư sẽ không được bố trí vốn Nhà nước sau khi Chỉ thị 1792 ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách và vốn trái phiếu Chính phủ có hiệu lực.

Khoảng 2/3 dự án, công trình đã được phê duyệt đầu tư sẽ không được bố trí vốn Nhà nước sau khi Chỉ thị 1792 ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách và vốn trái phiếu Chính phủ có hiệu lực. Bên lề Hội nghị hướng dẫn triển khai Chỉ thị này ngày 15/11, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh (ảnh) về tác động của cú hích này với tái cơ cấu đầu tư công cũng như các giải pháp trong thời gian tới. 

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng đã nói việc triển khai Chỉ thị 1792 chắc chắn sẽ không tránh khỏi tạo ra cú sốc với các địa phương, nhất là các địa phương khó khăn, địa phương miền núi. Xin Bộ trưởng nói rõ hơn về tác động này cũng như hướng giải quyết?

Để hoàn thành số dự án đang thi công dở dang mà Quốc hội đã thông qua ở Nghị quyết 881 và Quyết định 184 của Thủ tướng Chính phủ cho giai đoạn 2011-2015 đã cần trên 500.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 2 này chỉ cho phép bố trí không quá 225.000 tỷ đồng, tương đương với đáp ứng được 36% nhu cầu của các công trình dở dang. Như vậy, sẽ có 2/3 khối lượng dự án, công trình sẽ không có vốn bố trí. Trong khi đó, đây là các dự án đường giao thông, thủy lợi, bệnh viện, trường học. Do vậy, các bức xúc nảy sinh từ việc không có vốn và phải chuyển đổi hình thức đầu tư là việc khó tránh khỏi. Đây là việc cực chẳng đã nhưng đã đến lúc chúng ta không thể không làm bởi siết chặt việc bố trí vốn đầu tư là để dồn lực hoàn thành dứt điểm một số công trình nhằm phát huy hiệu quả.

Sau cú chuyển đổi mạnh mẽ này, bên cạnh mặt được là hiệu quả đầu tư mang lại, tác động bất lợi không mong muốn đi kèm là sự bức xúc và lãng phí nhất định. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết giải quyết tốt theo 2 hướng: Dùng cả vốn Nhà nước để hỗ trợ việc chuyển đổi các công trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và dùng cơ chế mở ra đối với các công trình để doanh nghiệp có thể tham gia vào đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thì cơ bản sẽ không tạo ra lãng phí, bức xúc mà còn tạo ra tiền lệ để huy động các doanh nghiệp. Hơn thế, Chỉ thị 1792 là tín hiệu tốt cho thấy Chính phủ đã sẵn sàng mở ra một kênh đầu tư mới cho các nhà đầu tư trong nước, quốc tế có thể tham gia vào một số dự án mà trước đây chỉ có Nhà nước đầu tư.

Chỉ thị 1792 lần đầu tiên đưa ra cơ chế quy trách nhiệm cá nhân trong việc phê duyệt dự án, thẩm định dự án cũng như bố trí vốn cho dự án. Vậy tính khả thi của quy định này sẽ như thế nào?

Chỉ thị đã nói rõ, cá nhân nào có quyền ký phê duyệt dự án đầu tư mà không xác định rõ được nguồn vốn, để dự án triển khai kéo dài gây lãng phí thì cá nhân đó sẽ phải chịu trách nhiệm về cả hành chính và kinh tế. Cụ thể, việc bố trí vốn cho các dự án mới năm 2012 phải đảm bảo tổng số vốn bố trí cho từng dự án (gồm vốn ngân sách trung ương, vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác) tối thiểu bằng 15% đối với dự án nhóm A; 20% đối với dự án nhóm B; 35% với dự án nhóm C so với tổng vốn đầu tư được phê duyệt; trong đó, dự án nhóm B phải hoàn thành trong 5 năm và dự án nhóm C phải hoàn thành trong 3 năm. Tôi tin rằng, với chế tài rõ ràng, kiên quyết như vậy, chắc chắn trong thời gian tới, các vi phạm sẽ phải được xử lý.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Nguyễn Kim Anh (thực hiện)