03:20 24/03/2015

CPI tháng 3 chưa bị tác động nhiều bởi giá xăng, điện

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2015 tăng 0,15% so với tháng trước. Dự báo CPI tháng 4 sẽ tăng nhẹ do ảnh hưởng của giá điện tăng.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê (TCTK) ngày 24/3, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2015 tăng 0,15% so với tháng trước. Dự báo CPI tháng 4 sẽ tăng nhẹ do ảnh hưởng của giá điện tăng.

Nguồn cung dồi dào nên giá thực phẩm chỉ tăng nhẹ. Ảnh: Lê Phú


Tăng nhẹ một phần do tháng của “lễ hội”


Nghỉ Tết kéo dài cộng thêm tâm lý “tháng giêng là tháng ăn chơi” khiến nhu cầu vui chơi, ăn uống ngoài gia đình tăng cao nên giá cả nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 3 tăng 0,36% so với tháng trước, trong đó giá lương thực giảm 0,24%, giá thực phẩm tăng 0,31%, ăn uống ngoài gia đình tăng tới 1,07%. Cũng vì giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng cao nên CPI tháng 3 ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng tăng nhẹ so với tháng trước.

Đại diện TCTK nhận định, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 3 nhóm tăng là: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng; và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch. Một điều bất ngờ là dù giá xăng tăng hơn 1.600 đồng/lít vào ngày 11/3 nhưng dường như chưa tác động nhiều tới giá cả thị trường. Thậm chí tháng 3 này, CPI nhóm giao thông vẫn giảm 0,31% so với tháng trước.

Bà Đỗ Thị Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá - TCTK cho biết, CPI tháng 3 tăng chủ yếu do chu kỳ tính CPI của tháng này còn ảnh hưởng bởi nhu cầu của Tết Nguyên đán nên giá mặt hàng thực phẩm tăng cao. Bên cạnh đó, sau Tết thường có nhiều lễ hội nên giá dịch vụ ăn uống, nhu cầu văn hóa, giải trí và du lịch tăng theo. Giá gas thế giới tăng làm cho giá gas trong nước tăng 5.000 đồng/bình 12kg từ ngày 1/3 càng góp phần vào mức tăng chung của CPI tháng 3. “Giá xăng, dầu trong nước tăng mới đây chỉ góp phần tăng CPI chung của tháng 3 khoảng 0,04%”, bà Ngọc nói.

Theo ông Huỳnh Ngọc Thương - Trưởng phòng Phân tích Công ty chứng khoán Nhất Việt, CPI tháng 3 đã chấm dứt chuỗi giảm liên tiếp. Giá điện tăng 7,5% vào ngày 16/3 chưa ảnh hưởng đến chỉ số CPI của tháng này vì giá được điều chỉnh sau ngày chốt giá để tính chỉ số của tháng 3.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế nhận định, mặc dù giá điện tăng chưa tính vào CPI tháng 3 nhưng việc tăng giá điện đã làm một số nhóm hàng tăng đón đầu nên cũng có tác động nhẹ đến CPI tháng 3. Dự báo về CPI tháng 4, bà Ngọc cho biết, sẽ có mức tăng nhẹ do giá điện tăng từ ngày 16/3.

Góp phần kiểm soát lạm phát

Theo TCTK, CPI bình quân quý I/2015 so cùng kỳ năm trước tăng 0,74%, có tốc độ tăng tương đối thấp trong khoảng 10 năm gần đây do giá xăng, dầu liên tiếp giảm. Mặc dù 3 tháng đầu năm (có dịp Tết Nguyên đán), nhu cầu của các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng nhưng do giá xăng dầu và giá cước vận tải giảm, nguồn cung hàng hóa dồi dào đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của người dân nên giá lương thực, thực phẩm không tăng cao. “Trong tháng 3, cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ trong nước tiếp tục được giữ vững, chương trình bình ổn thị trường tiếp tục được thực hiện tại các địa phương đã góp phần bình ổn giá cả thị trường”, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng TCTK nói.

Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng của người dân trong dịp Tết những năm gần đây thay đổi so với những năm trước, người dân không mua dồn dập hàng hóa vào những ngày giáp Tết, không mua tích trữ vì ngày mồng 2 Tết đã có chợ, do đó không tạo áp lực lên giá cả vào tháng Tết.

Theo ông Lâm, CPI quý I đang ở mức thấp sẽ góp phần đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đặt ra là 5% trong năm nay. Yếu tố chi phí đẩy (tăng chi phí đầu vào) tiếp tục giữ lạm phát ở mức thấp nhưng những rủi ro tiềm ẩn về giá xăng dầu, giá điện tăng lại là áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát. Vì vậy, lãnh đạo TCTK cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu. Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật hiện hành trong kinh doanh xăng dầu, nhất là đối với hệ thống tổng đại lý, đại lý. Tiếp tục phối hợp xây dựng các kịch bản chính sách, đánh giá tác động của các kịch bản như thời gian vừa qua trước khi thực hiện. Bên cạnh đó, thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu cũng rất quan trọng để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.

Đề cập về việc dư luận e ngại giá nhiều mặt hàng khác sẽ “tát nước theo mưa” - tăng lên sau khi giá xăng dầu, điện tăng, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Ngay khi giá xăng dầu điều chỉnh theo thị trường, cũng như tăng giá điện, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố, bám sát mục tiêu theo Nghị quyết 01 của Chính phủ.

Trong đó các giải pháp đưa ra gồm: Thứ nhất, theo dõi sát tình hình diễn biến giá cả một số mặt hàng mà Nhà nước xem xét định giá; thứ hai, các mặt hàng thiết yếu có sự biến động tăng thì có tham mưu bình ổn giá theo quy định; thứ ba, chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất có ảnh hưởng bởi tăng giá cần có cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, tiết giảm chi phí, giảm thiểu tác động. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt các phương án kê khai giá, kiên quyết không cho việc điều chỉnh giá tăng theo giá điện và xăng dầu. Các cơ quan cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi tăng giá bất hợp lý thực hiện bình ổn giá trên địa bàn.


Minh Phương