11:09 30/11/2012

CPI có khả năng kiểm soát ở mức 7,5%

Lạm phát đang có xu hướng giảm sẽ là điều kiện quan trọng để Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành giảm lãi suất trong thời gian tới.

Lạm phát đang có xu hướng giảm sẽ là điều kiện quan trọng để Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành giảm lãi suất trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung giải quyết các vấn đề nợ xấu, hàng tồn kho. Đó là thông tin được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam (ảnh) đưa ra tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra hôm qua (29/11), tại Hà Nội.


 

Lạm phát giảm là điều kiện để cân nhắc hạ lãi suất


Theo thông cáo báo chí từ Văn phòng Chính phủ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 6,52% so với tháng 12/2011 và tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng giá tiêu dùng của các năm trước. Lạm phát giảm là điều kiện quan trọng để điều hành giảm lãi suất.


Liên quan đến việc thực hiện Nghị định 71/2012/NĐ-CP về đăng ký chính chủ và chuyển quyền sở hữu đối với phương tiện giao thông, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết: Các quy định pháp luật về vấn đề này không phải là mới. Tại phiên họp hôm nay, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải đánh giá về vấn đề này. Trong đó, Bộ Tư pháp đã báo cáo Chính phủ việc quy định xử phạt hành vi này là cần thiết. Tuy nhiên, khi tổ chức thực hiện nhân dân chưa thông là do công tác tuyên truyền chưa tốt. Thứ nhất, việc xử phạt hành vi không chuyển đổi sở hữu được phổ biến thành truy cứu người điều khiển phương tiện có phải là chủ phương tiện hay không. Về vấn đề này, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an soạn thảo Thông tư để hướng dẫn thực hiện Nghị định này cho đúng bản chất sự việc. Thứ hai, phí sang tên đổi chủ hiện nay cao quá, cộng với thủ tục phiền hà, nên nhiều phương tiện, nhất là xe máy được mua bán nhiều lần nhưng lại không làm thủ tục sang tên. Do đó, Chính phủ đã giao cho bộ Tài chính đánh giá lại, kiến nghị một mức phí phù hợp.

Trả lời câu hỏi của báo chí về khả năng sẽ giảm trần lãi suất từ 9% hiện tại xuống 8% vào cuối năm nay, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ dự báo cả năm CPI tăng khoảng 7,5%. Định hướng điều hành kinh tế vĩ mô năm 2013 mà Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua thì năm tới, lạm phát sẽ thấp hơn năm nay và tăng trưởng cao hơn. Với định hướng này, cũng như xem xét thực tế diễn biến lạm phát liên tục giảm trong thời gian gần đây thì về logic việc xem xét giảm lãi suất sẽ được cân nhắc.


“Chính phủ đã giao cho NHNN có phương án cụ thể để kéo lãi suất xuống phù hợp với tình hình lạm phát. Bởi xét về quy luật, thì khi lạm phát thấp, lãi suất phải giảm”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định.


Tiếp tục xử lý nợ xấu


Về vấn đề xử lý nợ xấu, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định, vấn đề này phải được xử lý theo quy trình, phù hợp và đồng bộ. Chính phủ lưu ý, nợ xấu hiện nay liên quan tới hàng tồn kho, bất động sản nên xử lý nợ xấu phải có giải pháp tổng thể, chứ rất khó nói rằng chỉ một vài giải pháp là xử lý được nợ xấu. “Trước hết các ngân hàng phải dùng nguồn lực của mình để xử lý. Như trích lập dự phòng rủi ro (cỡ khoảng 60 - 70 nghìn tỷ đồng) nhưng số tiền này thường biến động.


Tuy nhiên, phải dùng nguồn trích lập dự phòng rủi ro này giải quyết từng doanh nghiệp (DN), từng khoản nợ. Xét cho cùng thì ngân hàng cũng là DN, khi DN khó khăn thì ngân hàng sẽ bị hệ luỵ”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.


Với nợ xấu liên quan tới nợ đọng xây dựng cơ bản, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, do khối lượng công việc nhiều, kinh phí xây dựng các công trình vượt quá ngân sách địa phương. Con số nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 90 nghìn tỷ đồng, nếu giải quyết được thì sẽ xử lý được một phần nợ xấu. Để giải quyết tồn kho bất động sản, Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan tính toán triển khai một loạt giải pháp, trong đó có tính tới chuyển đổi công năng sử dụng của các dự án, qua đó tạo cơ hội cho những người có thu nhập trung bình và thấp mua được nhà...


Liên quan đến xử lý hàng tồn kho, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, tồn kho các mặt hàng công nghiệp đã trở về mức bình thường. Đây là kết quả của việc thực hiện một loạt các giải pháp như nới đầu tư công, các điều kiện lãi suất và tín dụng gần đây cũng đã tốt hơn trước. Bên cạnh đó, các giải pháp về tiếp cận thị trường xuất khẩu cũng như thị trường nội địa được quan tâm đẩy mạnh. Do đó, hiện nay, tồn kho các mặt hàng bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát thì còn cao vì để phục vụ nhu cầu tiêu thụ dịp Tết, còn mức tồn kho các mặt hàng công nghiệp khác như phân bón, sắt thép, xe ô tô đã về gần như mức năm 2011.


Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng cho biết, từ nay đến cuối năm, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành tập trung vào một số giải pháp: Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô; xem xét việc áp dụng trần lãi suất cho vay và giảm lãi suất cho vay giúp DN tiếp cận được nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, nhưng không để lạm phát tăng trở lại. Tăng cường dự trữ ngoại tệ, đáp ứng kịp thời nhu cầu về ngoại tệ phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhân dân trong dịp cuối năm… Tiếp tục thực hiện các giải pháp kích cầu để giảm hàng tồn kho.



Thu Hường - Minh Phương