12:13 10/12/2011

COP-17: Nỗ lực phút chót để cứu trái đất

Theo các nguồn tin từ hội nghị, các cuộc thảo luận tại phiên họp cấp cao của hội nghị COP-17 đã kéo dài suốt đêm 9 tới sáng 10/12, ngõ hầu có thể đi tới thỏa thuận cuối cùng về tương lai của Nghị định thư Kiôtô...

Sau 12 ngày tích cực thảo luận nhưng không đi đến kết quả, ban tổ chức Hội nghị lần thứ 17 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-17) tại thành phố Đơban (Durban), Nam Phi, đã phải quyết định kéo dài hội nghị thêm một ngày so với dự kiến để giúp các đại biểu có thêm thời gian thảo luận về thỏa thuận chung chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Các đại biểu dự Hội nghị COP 17 tại Durban ngày 28/11. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo các nguồn tin từ hội nghị, các cuộc thảo luận tại phiên họp cấp cao của hội nghị COP-17 đã kéo dài suốt đêm 9 tới sáng 10/12, ngõ hầu có thể đi tới thỏa thuận cuối cùng về tương lai của Nghị định thư Kiôtô cũng như bản đề xuất của Liên minh châu (EU), trong đó nói rõ đến năm 2015 sẽ cho ra đời một thỏa thuận cắt giảm khí thải mới với sự tham gia của tất cả các nước phát thải lớn trên thế giới và thỏa thuận này sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2020.


Trong bối cảnh các cuộc đàm phán đang rơi vào bế tắc, đề xuất của EU được kỳ vọng như giải pháp cuối cùng nhằm tránh cho các đại biểu phải ra về "tay trắng". Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều nhà phân tích, cơ hội thành công của bản đề xuất này hiện rất thấp vì vẫn chưa nhận được sự chấp thuận của Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.

Cho đến nay, Mỹ vẫn bám giữ quan điểm cho rằng chỉ cam kết cắt giảm khí thải bắt buộc khi những nước có lượng khí thải lớn khác cũng đưa ra cam kết tương tự. Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ cho rằng sẽ là không công bằng nếu những nước đang phát triển cũng phải cắt giảm bằng với mức của Mỹ và phương Tây - những nước gây ra tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.

Cho đến nay, Nghị định thư Kiôtô là văn bản ràng buộc pháp lý duy nhất quy định trách nhiệm cắt giảm khí thải của 37 nước công nghiệp, trừ Mỹ. Theo quy định, giai đoạn I của văn kiện này sẽ hết hạn vào cuối năm 2012, nhưng nhiều khả năng giai đoạn II sẽ khó có thể được tiếp nối ngay sau đó do vấp phải sự phản đối của một số nước phát triển như Nhật Bản, Nga và Canađa.


TTXVN/Tin Tức