07:07 23/07/2012

“Cookin’ NANTA” - khi sân khấu cuốn hút nhờ dao, thớt

Trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, Nhà hát Tuổi trẻ và Công ty TNHH Sejung-pia đã phối hợp tổ chức chương trình âm nhạc truyền thống Hàn Quốc với tên gọi “Cookin’ NANTA”.

Trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, Nhà hát Tuổi trẻ và Công ty TNHH Sejung-pia đã phối hợp tổ chức chương trình âm nhạc truyền thống Hàn Quốc với tên gọi “Cookin’ NANTA”.


Chương trình đã diễn ra rất thành công tại Hà Nội trong các ngày từ 20 - 22/7, và sau đó là tại Nhà hát Hòa Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) trong các ngày 27 - 29/7.


 

Màn tung bắp cải độc đáo trong đêm diễn “Cookin’ NANTA”.

 

Câu chuyện của vở diễn không có gì là cao trào hay bất ngờ. Bối cảnh là một nhà bếp, với bốn đầu bếp đang bận rộn làm cỗ phục vụ cho một đám cưới. Áp lực của bữa tiệc phải hoàn thành trước 6 giờ tối, trong khi nhóm đầu bếp vừa được bổ sung một "đầu bếp" mới tinh: cháu trai của người quản lý tới học việc; khiến cho ban đầu không khí "dao thớt" có phần chuệch choạc: Chàng trai học việc không bắt kịp nhịp độ hối hả, cũng không quen việc nên hết vứt rác nhầm xuống... khán giả, xay hạt tiêu vào mắt... bếp trưởng, tới việc băm chặt... nhầm khiến các đầu bếp chính hết hồn. Nhưng rất nhanh chóng, nhịp điệu của dao thớt đã trở lại, những âm thanh leng keng của nồi, của đũa, của bát... đã giúp chàng trai học nghề quen việc, và bữa tiệc cưới cũng như bữa tiệc âm thanh đều đã hoàn hảo vào phút cuối...


Câu chuyện chỉ có vậy, nhưng với sự tương tác được tạo ra ngay từ những phút đầu tiên giữa nhóm làm chương trình và khán giả; với việc "diễn mà không diễn" của các nghệ sĩ, khiến cuộc sống như được tái hiện với đầy đủ sự chân thực nhưng không kém phần hấp dẫn của nó; với những tính cách khá độc đáo và rất riêng của mỗi nhân vật- dù cùng là những đầu bếp... trên sân khấu; đã khiến vở diễn rộn ràng từ phút đầu tới phút cuối.


Những tràng pháo tay không ngớt vang lên với những màn tung hứng bát đĩa thật điệu nghệ, với những màn băm chặt chỉ có dao và thớt mà tạo nên cả một bản nhạc vui nhộn và đầy cung bậc; với những màn "tung hoa" bằng bắp cải khiến không khí nhà bếp đầy "hương vị" Hàn Quốc. Rồi cả những màn... solo của nữ đầu bếp duy nhất trong chương trình, với độ "phiêu" không kém gì một ca sĩ nhạc rock...


Bởi vậy, dù 90 phút chỉ có trong một căn bếp, với số lượng nhân vật vỏn vẹn chưa tới 10 người, với chỉ có bàn bếp, bếp, rổ rá, âu bát... nhưng không một phút nào khán giả có thể rời mắt khỏi sân khấu; khi mà căn bếp ấy cứ biến ảo theo từng phút, và chứa đựng trong nó cả một câu chuyện dài về đời sống của người dân xứ Hàn, và quan trọng hơn, chứa đựng trong đó cả một truyền thống văn hóa Hàn Quốc - điều mà chương trình muốn gửi gắm tới với những khán giả Việt Nam.


Có xem trực tiếp thế này, mới thực sự hiểu vì sao “Cookin’ NANTA” lại được chọn là “Một trong những trải nghiệm không thể bỏ qua khi đến Seoul” là vì sao ngay sau khi ra đời (năm 1997), "Cookin’ NANTA" đã được khán giả Hàn Quốc nhiệt tình đón nhận và gặt hái được nhiều thành công vang dội.


Đến nay, tầm ảnh hưởng của "Cookin’ NANTA" đã thật sự rộng lớn khi chương trình đã được trình diễn tại 141 thành phố của 17 quốc gia trên khắp các châu lục. Một nhà hát riêng mang tên "NANTA" cũng đã được thành lập tại Xơun từ năm 2000, với những suất diễn chưa lần nào không "cháy vé".

 

Nói như đại diện của đoàn: "NANTA không chỉ trình diễn sự linh hoạt, điệu múa, màn nhào lộn và sự đồng bộ mà còn hơn thế nữa, nó thể hiện tín ngưỡng, các truyền thống và văn hóa cổ xưa Hàn Quốc. Các tiết mục trình diễn của “Cookin’ NANTA” vốn dựa trên nhịp điệu biểu diễn của hình thức biểu diễn âm nhạc tứ tấu truyền thống của Hàn Quốc Samullori, một nét đặc trưng rất riêng của văn hóa xứ sở kim chi.


Đến khi Samullori được kết hợp với “Cookin’ NANTA” , bộ tứ tấu được thay bằng đa dạng các loại trống và nhịp điệu âm thanh được tạo nên từ các dụng cụ trong bếp. Các đầu bếp, trong vai trò những người nghệ sĩ mang đến cho khán giả những màn trình diễn âm thanh lẫn cảm xúc, có sự giận hờn, đùa cợt và kéo người xem hòa vào với không gian, nhịp điệu của màn trình diễn. Sau khi màn trình diễn kết thúc là lúc bữa cơm trên sân khấu cũng thực hiện xong để mời khán giả thưởng thức. Đây chính là nét đặc biệt của “Cookin’ NANTA” và là nét đặc trưng trong biểu diễn Samullori khi tính kết nối cộng đồng được thắt chặt".


Quả thực, có rất nhiều con đường để giới thiệu văn hóa của dân tộc mình. Và với các nghệ sĩ Hàn Quốc của đoàn NANTA, đây là cách họ chọn, một cách làm không đơn giản - nhưng bù lại, hiệu quả thật lớn lao.


P.V