04:09 24/04/2015

Công viên Thống Nhất - biểu trưng khát vọng

Công viên Thống Nhất (Hà Nội) được xây dựng từ những năm đất nước còn bị chia cắt. Hai từ “Thống Nhất” nói lên khát vọng của cả dân tộc. Đó còn là thành quả của lao động xã hội chủ nghĩa (XHCN) và sự đoàn kết một lòng của người dân Hà Nội.

Công viên Thống Nhất (Hà Nội) được xây dựng từ những năm đất nước còn bị chia cắt. Hai từ “Thống Nhất” nói lên khát vọng của cả dân tộc. Đó còn là thành quả của lao động xã hội chủ nghĩa (XHCN) và sự đoàn kết một lòng của người dân Hà Nội.

Một buổi chiều, tôi đến công viên Thống Nhất và đi một vòng quanh hồ Bảy Mẫu, xem những nhóm bạn trẻ tập trung tại các bãi trống, tổ chức các hoạt động văn hóa, sinh hoạt câu lạc bộ,... xem người dân ở gần công viên đến chạy bộ, tập thể thao, đánh Thái Cực Quyền,… xem các câu lạc bộ câu cá thi đua thả câu trên hồ, xem các em thiếu niên mới lớn chơi xiếc xe đạp, nhảy Hip-hop, trượt pa-tanh,… không khí thật bình yên lại thật náo nhiệt.

Bán đảo dừa, biểu tượng tình cảm của nhân dân miền Bắc đối với miền Nam thương nhớ.



Mệt mỏi, tôi ngồi xuống băng ghế đá dưới một gốc cây sanh, rễ xùm xòa đổ xuống bên hồ, bên cạnh tôi là một người dân sống gần công viên đến đi bộ thể dục - ông Nguyễn Tấn Minh, 65 tuổi (Trần Nhân Tông, Hà Nội). Sau một lúc trò chuyện, ông nhìn quanh và cảm thán: “Khi còn nhỏ, những đứa trẻ thuộc thế hệ chúng tôi chỉ biết đến thiên đường duy nhất, ấy là công viên Thống Nhất. Thời bấy giờ không có nhiều nơi vui chơi giải trí như bây giờ đâu. Nơi này không gian rộng lớn, có bãi cỏ xanh mượt phủ khắp, cây thì nhiều lại phong phú, hồi đó cũng đã có một ít trò chơi như đu quay, cầu trượt rồi.

Năm 1958, công viên Thống Nhất được khởi công xây dựng, với thiết kế và kỳ vọng nơi đây sẽ là công viên hòa bình và mong muốn thống nhất.

Lớn hơn một chút, chúng tôi cũng từng hỏi tại sao công viên có tên Thống Nhất. Cha mẹ chúng tôi kể: Những năm sau 1954, đất nước vẫn còn chia cắt. Nơi miền Bắc XHCN có Thủ đô là Hà Nội, nửa miền Nam đau thương do chưa được giải phóng. Thế là khi công viên được xây bằng lao động tự nguyện của người Hà Nội, công viên cũng được đặt tên là Công viên Thống Nhất. Công viên xây bên con đường quốc lộ số 1, nơi hàng ngày có các chuyến tầu đưa những đoàn quân chiến đấu giải phóng miền Nam đi qua, nên con đường ấy có tên là đường Nam Bộ.

Từ cổng công viên đi vào có cái cầu cong nối với hòn đảo nhỏ. Cây cầu ấy như một hình ảnh tượng trưng nối hai miền chia cắt nên gọi là cầu Thống Nhất. Còn hòn đảo trong công viên thì gọi là đảo Thống Nhất, trong công viên còn có đảo (bán đảo) Dừa - tượng trưng cho mảnh đất miền Nam ruột thịt yêu thương và (bán) đảo Gió, có cái quán gọi là Quán Gió, bây giờ thành nhà hàng Gió Mới - ấy là khát vọng Tự do…

Để tìm hiểu thêm câu chuyện về khát vọng thống nhất đất nước từ việc xây dựng Công viên Thống nhất ấy, tôi tìm đến ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội. Ông Đào Ngọc Nghiêm cho biết:

Đây là một công viên thể hiện sự lao động xã hội chủ nghĩa và đồng thời là biểu trưng mong muốn thống nhất đất nước. Công viên Thống Nhất được xây dựng bởi tất cả cộng đồng dân cư, mọi người dân của xã hội Hà Nội thời bấy giờ, đặc biệt là giới học sinh sinh viên, với mục đích nhằm phát triển Thủ đô, bảo vệ môi trường. Khi đó không có công xá gì cả, họ nạo vét hồ, đắp đất để hình thành bờ hồ như hiện nay, sau đó trồng cây, lát đường, xây tường, xây cổng,… tất cả đều là công sức tự nguyện của những người dân.

“Trước khi hòa bình lập lại, ở Hà Nội, khu vực này là một bãi rác và vùng đầm lầy của hai làng Vân Hồ và Thể Giao, ngay sau khi hòa bình được lập lại, cùng với yêu cầu về cải thiện môi trường, dự án xây dựng công viên đã được phê duyệt. Lúc bấy giờ, chúng ta mong muốn nhất là có một đất nước thống nhất, thế nên sau khi hòa bình lập lại, từ năm 1955 học sinh sinh viên các trường đại học, công nhân viên chức đã thực hiện phong trào lao động xã hội chủ nghĩa, gánh đất, nạo vét hồ, san đất, trồng cây,…

Năm 1958, công viên Thống Nhất được khởi công xây dựng, với thiết kế và kỳ vọng nơi đây sẽ là công viên hòa bình và mong muốn thống nhất. Biểu trưng cho điều đó, người ta chia công viên thành những khu đất nhưng lại tập trung trồng cây của cả 3 miền và ở giữa có một con đường lớn mang biểu lộ tập trung, thống nhất đất nước và tập trung nhìn về phía hồ, nơi có đảo Hòa Bình và đảo Thống Nhất. Cuối năm 1960, công viên được hoàn thành.

Tháng Giêng năm 1960, nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Bác Hồ trồng một cây đa tại công viên này. Ngay từ đầu, công viên đã có tên là “Công viên Thống Nhất.”
Vừa qua, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, tượng Bác Hồ và Bác Tôn được đặt lên đảo Thống Nhất.

Đảo Hòa Bình từng có tên là đảo Cò, thể hiện cho khu dân cư cũ. Đảo có rất nhiều cây và vô cùng rậm rạp. Theo những người dân ở khu vực này, trước đây cò bay về hòn đảo này rất nhiều, tuy nhiên qua thời gian, có lẽ do dân cư ở Hà Nội ngày càng đông, xung quanh công viên nhà cửa san sát mọc lên, những đàn cò cũng không dám bay qua thành phố để về hòn đảo nhỏ giữa hồ này nữa. Đến nay, muốn lên đảo, người dân và du khách chỉ có thể dùng thuyền nhỏ để lên vì không có cầu bắc ra đảo.

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, công viên thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân về việc thống nhất đất nước, thể hiện ở cả cách bố trí cảnh quan và sự vật cũng như những thiết kế.
Con đường chính đi qua những khu vực trồng các loại cây của 3 miền đất nước, thể hiện ý tưởng: Đất nước ta có 3 miền nhưng cuối cùng chúng ta đều đi trên một con đường thống nhất đất nước và cuối cùng con đường này sẽ nở hoa (những dàn hoa bám theo giàn cây bê-tông và những vạt hoa dọc theo con đường.

Kể từ bắt đầu xây dựng, công viên đã trải qua 4 lần quy hoạch, cả 4 lần đều hướng tới mục tiêu đây là công viên văn hóa, thể hiện ý chí thống nhất đất nước. Trong rất nhiều quá trình xây dựng Thủ đô Hà Nội, có rất nhiều dự án xây dựng liên quan đến công viên này, bởi đây là một khu đất rất lớn, người ta muốn khai thác lợi thế này, tuy nhiên đã không được chấp nhận bởi những ý kiến phản đối của người dân.

Đầu tiên, ta và Pháp có kế hoạch hợp tác xây dựng nhà Vũ trụ nhưng sau đó, do có ý kiến của nhân dân nên kế hoạch này thất bại. Sau đó, nước ta và Thụy Điển có mối quan hệ hữu nghị, cụ thể là công trình bệnh viện hữu nghị do Thụy Điển tài trợ, thế nên ta cũng muốn tạo điều kiện để họ xây dựng công trình công cộng - khách sạn SAS. Nhưng sau đó, do những lý do chủ quan khách quan, dự án không phải của nhà nước nữa mà do những doanh nghiệp thực hiện. Năm 2009, dự án xây dựng khách sạn SAS đã phải dừng lại.

Ngoài ra, vào khoảng năm 2004 -2007, hai công ty Tân Hoàng Minh và công ty Vincom đều có dự án cải tạo khu vực công viên này, nhưng đặc biệt là thành bãi đỗ xe và khu nghỉ ngơi giải trí nhưng không thực hiện được.

Mới đây, UBND thành phố định giao cho Công ty khai thác bến xe và công ty TNHH cây xanh kết hợp sửa chữa công viên nhưng lại làm thêm bãi đỗ xe ở khu vực đường đê Nguyễn Đình Chiểu nhưng cũng không thực hiện được do vấp phải sự phản đối của người dân.

“Đây là một công viên thân thiện với thủ đô, công viên vì mọi người, dự án nào phù hợp với nguyện vọng của nhân dân thì được thực hiện mà dự án nào mang mục đích kinh doanh thì đều không được thực hiện bởi sự phản đối của nhân dân. Tôi luôn luôn mong muốn điều này sẽ luôn được giữ vững”, ông Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ.

Khi đất nước còn bị chia cắt, nhân dân, đặc biệt là những người cán bộ viên chức miền Nam đang làm việc ở miền Bắc thường tập kết, tụ họp và tổ chức sinh hoạt hàng tháng hàng tuần ở những khu vực công cộng của công viên này. Nơi đây, họ gặp gỡ và cùng nhau chia sẻ những tin tức về miền Nam, tưởng nhớ về miền Nam.

Ông Đào Ngọc Nghiêm cũng cho biết: Ngay cả những công trình kiến trúc ở đây, ví dụ như cổng công viên, tường rào công viên ở phía Đại Cồ Việt, là kết quả của những cuộc thi kiến trúc, đây là những giải pháp kiến trúc được đánh giá là phù hợp với yêu cầu của cảnh quan. Công viên Thống Nhất còn thể hiện những giá trị về quy hoạch và kiến trúc.

Năm 1980, Công viên Thống Nhất đổi tên thành Công viên Lê-nin, sau khi Công viên Lê-nin tại Ba Đình được xây dựng thì công viên này lại trở lại với cái tên nguyên bản là Công viên Thống Nhất.

Cả nội thành Hà Nội chỉ có 320 ha diện tích là công viên, thì trong đó công viên Thống Nhất đã có 60 ha, tuy nhiên bây giờ cũng chỉ còn 51ha.

Với những ý nghĩa sâu sắc như thế, Công viên Thống Nhất có địa vị và vai trò rất lớn đối với người dân Việt Nam nói chung và người dân Hà Nội nói riêng. Tuy nhiên, hiện nay, công viên này vẫn chưa hoàn toàn xứng đáng với ý nghĩa, tên gọi và lợi thế mà công viên này có được.

Ông Đào Ngọc Nghiêm cũng chia sẻ: Công viên Thống Nhất cần phải được nâng cấp chất lượng, đặc biệt là các tiện ích đô thị và cần khẳng định đây là công viên của mọi người (hiện nay việc thu vé ở công viên này đã bị dẹp bỏ, hiện nay chỉ những khách tham quan mới bị thu vé còn người dân quanh đó vào tập thể dục hay chơi đùa là không mất vé).

Với một công viên đầy ý nghĩa như thế, chúng ta nên gìn giữ, và việc nâng tầm lên để nó là rất cần thiết, để công viên mãi mãi là biểu trưng xứng đáng về sự thống nhất đất nước, xứng đáng với ý nghĩa “miền Nam trong lòng Hà Nội”.

Thu Hồng