09:06 10/09/2016

Công trình thủy điện chuyển nước là “sai lầm thế kỷ”

Chuyên đề “Hệ lụy khai thác nước bất hợp lý ở Tây Nguyên” đăng trên báo Tin tức Cuối tuần số 35 đã chỉ ra những bất cập trong sử dụng nguồn nước và chuyển nước do thủy điện ở Tây Nguyên.

 

 Để làm rõ hơn việc đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, TS Đào Trọng Tứ (ảnh), Trung tâm Phát triển bền vững Tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về vấn đề này.


Thưa ông, vùng Tây Nguyên đang là địa bàn có rất nhiều công trình thủy điện được xây dựng. Việc xây dựng các công trình thủy điện có tác động như thế nào đối với các điều kiện tự nhiên cũng như việc sinh thủy?

Không chỉ ở Tây Nguyên, các sông lớn ở Việt Nam đã và đang xây dựng hệ thống các công trình thủy điện lớn. Tây Nguyên có 4 con sông lớn, là sông Ba, sông Sê San, sông Sêrêpốc và sông Đồng Nai. Đây là bốn con sông lớn và có tầm quan trọng cung cấp nguồn nước bảo đảm cuộc sống và phát triển kinh tế - xã hội đối với người dân.

Qua báo cáo, nghiên cứu của các nhà khoa học chúng ta đều thấy hệ thống thủy điện đã và đang phát triển dày đặc trên cả 4 con sông. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, toàn vùng có đến 190 công trình thủy điện lớn nhỏ đã và đang được xây dựng trên tất cả các sông, suối Tây Nguyên với tổng công suất thiết kế 7.923MW. Các công trình thủy điện là công trình khai thác tài nguyên nước đem đến nguồn lợi về mặt kinh tế là năng lượng điện giúp tăng cường cho mạng lưới điện quốc gia. Tuy nhiên vì vấn đề kinh tế - xã hội và nhu cầu nước của con người, việc xây dựng các công trình thủy điện lớn trên những dòng sông chính như vậy đã làm cho các dòng sông bị chia cắt và làm cho hệ thống sinh thái thay đổi hoàn toàn.

5 năm qua, từ khi thủy điện An Khê - Ka Nak tích nước và chuyển dòng về sông Côn của tỉnh Bình Định, sông Ba luôn rơi vào tình cảnh khô cạn, ô nhiễm nặng vùng hạ du; đặc biệt, thời gian gần đây, đoạn sông chảy qua địa phận huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai lại xuất hiện tình trạng nước nổi váng, rêu xanh phủ kín do chất thải hữu cơ và bốc mùi hôi tanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Trong ảnh: Người dân phải đào những hố cát hai bên bờ sông để lắng lọc nước rồi lấy để sử dụng. Ảnh: Hoài Nam – TTXVN

Hiện nay đã có những giải pháp xây dựng những quy trình vận hành liên hồ. Bản thân các công trình này nếu được vận hành tốt sẽ giảm được tác động của các công trình thủy điện tới môi trường. Như chúng ta đã biết khi xây dựng những công trình thủy điện, đặc biệt là hồ thủy điện Dầu Tiếng đã làm ngập một diện tích lớn đất nông nghiệp và đất rừng. Đi đôi với việc xây dựng các hồ chứa như vậy là việc phá rừng cũng tạo nên tác động. Như vậy câu chuyện về lợi ích kinh tế và những tác động môi trường của thủy điện chúng ta cần có đánh giá tác động và phải tìm mọi cách giảm những tác động tiêu cực tới lợi ích người dân. Hiện nay sông suối là nguồn nước chung của cộng đồng, phục vụ phát triển kinh tế, không thể vì lợi ích của một ngành nào đó mà làm mất đi lợi ích của cộng đồng, gây sự bất ổn.


Theo ông, việc phát triển thủy điện và chuyển gần như toàn bộ nước từ dòng sông Ba xuống dòng sông Côn gây hệ lụy gì đối với môi trường và cuộc sống người dân?

Chúng ta nhìn lại hệ thống sông Sê San đã có một công trình thủy điện là Thượng Kon Tum chuyển nước sang tỉnh Quảng Ngãi qua sông Trà Khúc, đây là công trình đang được xây dựng. Tiếp đến công trình thủy điện An Khê - Ka Nak gây nhiều bức xúc do tác động tiêu cực của nó đến môi trường, cuộc sống người dân đó là bậc thang thủy điện đầu tiên trên sông Ba. An Khê - Ka Nak là công trình chuyển nước lưu vực từ sông Ba sang sông Côn, công trình nằm ở thượng lưu sông Ba tại địa phận của các huyện Kbang, An Khê thuộc tỉnh Gia Lai và huyện Tây Sơn của tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, do việc quy hoạch và quá trình vận hành đã không tuân thủ việc xả dòng chảy môi trường xuống hạ du đập, đã gây nên tác động rất lớn đến môi trường và sinh kế, cuộc sống của người dân ở hạ lưu đập của tỉnh Gia Lai. Đã có Đại biểu Quốc hội gọi đây là “sai lầm thế kỷ”.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Đứng trước sự biến đổi ngày càng bất thường của khí hậu, sự gia tăng các hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đòi hỏi vùng Tây Nguyên phải xây dựng một quy hoạch tổng thể thủy lợi đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 vừa là cơ sở để giải quyết những bài toán phức tạp về vĩ mô trong tương lai, vừa đảm bảo cho sự phát triển kinh tế xã hội luôn đi đúng hướng, ổn định và bền vững.

Ông Dương Ngọc Đức, Trưởng Phòng Tổng hợp, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên


Viết Tôn (thực hiện)