05:08 15/05/2012

Công nhân chật vật với chỗ ở chật chội, bữa ăn thiếu thốn

Khổ sở vì nhà trọ tăng giá, bữa ăn đạm bạc, phải “nói không” với các loại hình vui chơi, giải trí… chính là cảnh sống của nhiều công nhân khu công nghiệp trong thời buổi khó khăn hiện nay.

Đời sống công nhân ở các khu công nghiệp hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, cùng với việc cơ quan quản lý tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật lao động của các doanh nghiệp, trong Tháng Công nhân 2012, liên đoàn lao động và tổ chức đoàn thanh niên các cấp, các địa phương đang có nhiều hoạt động quan tâm thiết thực đến công nhân.

 

Khổ sở vì nhà trọ tăng giá, bữa ăn đạm bạc, phải “nói không” với các loại hình vui chơi, giải trí… chính là cảnh sống của nhiều công nhân khu công nghiệp trong thời buổi khó khăn hiện nay.

 

Có mặt tại xóm trọ công nhân xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội), nơi có hàng chục nghìn công nhân thuê trọ quanh Khu công nghiệp Bắc Thăng Long vào một ngày đầu tháng 5/2012, chúng tôi mới thấm thía sự vất vả của những người công nhân.


Tại xã Kim Chung, nếu vài năm trước, giá thuê phòng trọ chỉ khoảng 300 đến 400 nghìn đồng/tháng cho khoảng 8 - 10 m2, thì từ trước Tết năm 2012 đến nay, cứ vài tháng, chủ nhà trọ lại tăng giá một lần. Chị Lương Thị Thỏa và Lương Thị Lịch (quê ở Phú Xuyên, Hà Nội) thuê một căn phòng trọ ở đội 4 (thôn Bầu, xã Kim Chung). Chị Thỏa kể: “Tháng 4/2012 vừa rồi giá phòng mới chỉ 500.000 đồng/phòng nhưng từ tháng 5, chủ nhà đã tăng lên 600.000 đồng/tháng. Công ty cũng hỗ trợ tiền nhà 150.000 đồng/người/tháng nhưng không thấm vào đâu”.


 

Một góc bếp trong căn phòng trọ chật chội chưa đầy 14 m2 ở thôn Bầu, xã Kim Chung của công nhân KCN Bắc Thăng Long.

 

Điều đáng nói, giá tăng nhưng chất lượng phòng trọ thì rất tệ. Căn phòng rộng chưa tới 14 m2 - chỗ ở của chị Thỏa và chị Lịch, tường bị nứt nẻ, phải dán lên đó nhiều lớp giấy, báo để cho đỡ ẩm mốc quần áo, chăn màn. Cái giường nằm chỉ là những miếng gỗ ghép lại với nhau rồi đặt mảnh chiếu lên trên. Cả xóm trọ 20 phòng nhưng chỉ có chung một khu vực tắm giặt, vệ sinh với vẻn vẹn 2 phòng tắm và 2 phòng vệ sinh chật chội, xập xệ.


Tiền nhà tăng đã đành, tiền nước cũng được chủ trọ nâng lên gấp đôi. “Năm ngoái chỉ 30.000 đồng/người/tháng, năm nay, chủ nhà trọ thu 60.000 đồng/người. Họ bảo nếu không đồng ý giá đó thì chuyển đi chỗ khác”, chị Lịch nói.


Trong tình cảnh ấy, công nhân ở các khu công nghiệp chẳng có cách nào khác là phải cắt giảm chi tiêu càng nhiều càng tốt. Lê Thị Huyền, một công nhân làm ở Công ty Matsuo chia sẻ: “Trước đây, thỉnh thoảng mình còn mua bộ quần áo mới cho tươm tất. Nay thì việc mua sắm này phải cắt giảm đầu tiên. Ăn uống cũng phải tằn tiện hơn rất nhiều”.


Đến phòng trọ của chị Thỏa vào đúng bữa trưa, thấy mâm cơm chỉ có đĩa rau muống luộc với đĩa đậu kho. Làm việc không dưới 12 tiếng/ngày, tuy nhiên, những bữa ăn của công nhân quá đỗi đạm bạc. “Thông thường ở công ty em nếu làm 8 tiếng thì sẽ được công ty phát cho một phiếu ăn bữa phụ. Nếu làm thêm 4 tiếng thì sẽ được ăn một bữa chính có thịt, cá. Thế nên bây giờ bữa ăn ở nhà với bọn em món chủ đạo là trứng hoặc đậu phụ và rau. Đằng nào thì ở công ty cũng có thịt, cá rồi mà”, chị Thỏa cười bẽn lẽn kể.


Cuộc sống công nhân độc thân đã khó khăn, đối với đôi vợ chồng công nhân có thêm con nhỏ lại càng eo hẹp. Vợ chồng chị Ngọc Linh quê ở Thanh Hóa. Vợ làm cho một công ty tư nhân sản xuất nhựa nhiệt dẻo, chồng làm phụ hồ. Hai vợ chồng làm quần quật, thu nhập cũng chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, lại phải nuôi con nhỏ nên chuyện chi tiêu chị phải tính toán chi ly từng tí. “Nhà có cái xe máy cũ mèm anh trai cho, nhưng vợ chồng chị ít khi dùng vì sợ tốn tiền xăng. Tất cả tiền kiếm được, đều để vun vén cho đứa con”.


Vợ chồng Nguyễn Thị Hoa (Ba Vì, Hà Tây) làm công nhân cho Công ty Hoya. Làm được 4 năm rồi nên thu nhập của chị Hoa được 3,6 triệu đồng/tháng, cộng với thu nhập 3 triệu đồng/tháng của chồng nên hiện nay tằn tiện thì vẫn đủ chi tiêu. Nhưng, chị Hoa lo lắng, khi tiền phòng trọ từ tháng 5 sẽ tăng lên 700.000 đồng/tháng và sắp tới sinh thêm em bé thì cuộc sống sẽ khó khăn hơn.


Đã phải cân nhắc, đắn đo đến cả từng bữa ăn nên việc giải trí gần như là không tưởng với những công nhân này. Tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, những công nhân được sống tại các khu nhà do doanh nghiệp xây dựng còn có nhà ăn tập thể, có ti vi chung nhưng vẫn còn hàng ngàn công nhân phải trọ tại nhà dân phải chịu cảnh thiếu thốn đủ thứ. Cả dãy nhà trọ mới có 1 hoặc 2 cái ti vi để mọi người xem chung. Với thu nhập thấp, đời sống người công nhân bị ảnh hưởng lớn trong thời buổi kinh tế khó khăn.

 

Mạnh Minh