12:08 27/12/2014

Công nghiệp Việt Nam: Chờ những cú hích để tiến xa hơn

Năm 2014, ngành công nghiệp dù chưa có nhiều thành tựu nổi bật và cũng chưa thực sự khởi sắc như kỳ vọng, song được ghi nhận là đã vượt qua nhiều thách thức để giữ vững ổn định và tăng trưởng nhẹ, xứng đáng là trụ đỡ cho nền kinh tế đang vượt qua cửa ải khó khăn.

Năm 2014, ngành công nghiệp dù chưa có nhiều thành tựu nổi bật và cũng chưa thực sự khởi sắc như kỳ vọng, song được ghi nhận là đã vượt qua nhiều thách thức để giữ vững ổn định và tăng trưởng nhẹ, xứng đáng là trụ đỡ cho nền kinh tế đang vượt qua cửa ải khó khăn. 


Dây chuyền sản xuất bánh của Công ty Cổ phần Bánh kẹo Tràng An mới hoàn thành và đi vào hoạt động. Ảnh: Danh Lam – TTXVN.


*Trụ đỡ của nền kinh tế 


So với mục tiêu gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng bình quân từ 6,1% đến 6,3%/năm theo Kế hoạch phát triển của ngành Công Thương giai đoạn 2014-2015, thì tình hình sản xuất công nghiệp tháng 11 vừa qua đã đạt mức tăng trưởng 7,5% , cao hơn so với mức 6,9% của tháng 10 và mức 5,8% cùng kỳ năm 2013. Như vậy, với xu hướng tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước và năm sau cao hơn năm trước như hiện nay thì có thể lạc quan vào sự ổn định và bước phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam từ nay cho tới giai đoạn tiếp sau. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định. 


Theo Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 11 tháng năm 2014 của Bộ Công Thương thì nổi bật nhất là ngành sản xuất và phân phối điện với mức tăng trưởng bình quân 11,7%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng đạt mức tăng trưởng khá 8,6%, cao hơn so với mức tăng bình quân 7,5% của toàn ngành. Riêng ngành công nghiệp khai khoáng chỉ đạt mức tăng trưởng nhẹ 2,7% với khai thác than đạt 0,9%, khai thác dầu thô, khí đốt đạt 2,6%... 


Sản xuất công nghiệp là ngành đòi hỏi tích lũy lâu dài, đầu tư rất lớn, tỷ suất lợi nhuận lại thấp do lãi suất tín dụng cao. Trong thời gian dài vừa qua, một số lĩnh vực kinh doanh thương mại dịch vụ như chứng khoán, bất động sản… do đem lại lợi nhuận cao hơn đã thu hút ngày càng nhiều nguồn lực đầu tư từ xã hội. Điều đó dẫn tới tình trạng sản xuất công nghiệp bị “bỏ bê”, ít được quan tâm đầu tư nên có xu hướng tụt hậu và kém phát triển. Khó khăn thêm chồng chất và kéo dài trong 3 năm qua, khi tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục “đè nặng” lên đôi vai của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đồng thời cản trở rất lớn tới năng lực cạnh tranh của ngành trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. 


Dù ghi nhận sự ổn định và tăng trưởng nhẹ của ngành công nghiệp trong năm 2014, song ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cho rằng còn nhiều điều cần phải thay đổi như sản xuất công nghiệp chưa khắc phục được tình trạng phát triển theo chiều rộng tập trung hướng đến gia công, lắp ráp. Sức cạnh tranh của một số sản phẩm công nghiệp tuy đã được cải thiện, thậm chí nhiều sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường quốc tế nhưng nhìn chung tỷ lệ còn thấp. Hoạt động đầu tư vào sản xuất công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng chưa thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong khi tiến độ hoàn thành của một số dự án đầu tư sản xuất công nghiệp còn chậm thì nhiều lĩnh vực đòi hỏi sự đầu tư lớn từ phía Nhà nước vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ thích đáng, nên chưa tạo được động lực cũng như sức bật trong sản xuất công nghiệp… 


Từ đây có thể lý giải, vì sao trong thời gian dài vừa qua, ngành công nghiệp Việt Nam chưa thực sự có những đột phá. Tốc độ tăng trưởng của sản xuất công nghiệp chưa cao. Các sản phẩm công nghiệp tuy đã gia tăng hàm lượng công nghệ nhưng vẫn còn đơn giản và kém thu hút. Đôi khi thấy rõ sự bấp bênh trước những tác động và cạnh tranh của các nền kinh tế đối thủ trong khu vực và trên thế giới.
Để ngành công nghiệp Việt Nam thực sự ổn định và phát triển bền vững trong lâu dài, cần tập trung định hướng vào những lĩnh vực đem lại giá trị gia tăng cao, có đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp vào nền kinh tế, giảm tình trạng nhập siêu và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động… Ông Trương Thanh Hoài gợi ý. 


*Sản xuất thép là điểm tựa 


Công trường thi công ống thép của Công ty Sumitomo Mitsui (Nhật Bản). Ảnh: Huy Hùng – TTXVN.


Theo số liệu tổng hợp từ Vụ Công nghiệp nặng, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 14,5 triệu tấn thép các loại. Trong đó, 400 nghìn tấn là phôi thép; 3,1 triệu tấn là thép phế liệu và 10,5 triệu tấn thép còn lại là thép chế tạo. Tổng kim ngạch nhập khẩu thép của Việt Nam ước đạt 9 tỷ đô la Mỹ (USD)/năm, tương đương với mức thu về từ xuất khẩu gạo và các mặt hàng thủy, hải sản. Như vậy, nếu chủ động được nguồn nguyên liệu và Việt Nam sẵn sàng tập trung đầu tư cho sản xuất thép chế tạo không những sẽ giải được bài toán giảm nhập siêu, mà còn đóng góp to lớn vào sự ổn định và phát triển của nền kinh tế. 


Lâu nay, ngành thép Việt Nam mới chỉ sản xuất được thép xây dựng cùng một số sản phẩm khác có liên quan. Hoạt động đầu tư cho ngành sản xuất thép chưa thực sự được quan tâm nên chưa có nhiều doanh nghiệp đủ tiềm lực tài chính để triển khai các dự án sản xuất quy mô lớn. Nguyên nhân chính là do suất đầu tư 1 tấn thép quá cao. Điển hình như nhà máy thép Hòa Phát với công suất 500 nghìn tấn/năm phải đầu tư 160 triệu USD, tương đương trên 300 USD/tấn thép xây dựng. Trong khi đó, thép chế tạo đòi hỏi đầu tư cao hơn từ 800 USD đến 1.000 USD/tấn. 


Điều kiện để triển khai sản xuất thép chế tạo, đòi hỏi phải có những mỏ quặng trữ lượng lớn và nhà máy có công suất tối thiểu đạt từ 3 đến 4 triệu tấn thép/năm. Hiện đang có 2 mỏ quặng sắt lớn là Quý Xa (Lào Cai) và Thạch Khê (Hà Tĩnh) với tổng trữ lượng hàng trăm triệu tấn, đủ năng lực đáp ứng nguyên liệu đầu vào cho dự án sản xuất thép chế tạo. Vấn đề còn lại là kêu gọi các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư dự án này. 


Ông Hoài cho biết thêm, nếu triển khai được dự án sản xuất thép chế tạo với công suất khoảng 6 triệu tấn thép/năm, thì doanh thu có thể đạt 4 tỷ USD/năm. Sau khi trừ mọi chi phí, sẽ đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp vào GDP khoảng 2 tỷ USD, tương đương với cộng thêm 1 điểm phần trăm vào GDP cả nước nếu so với số liệu hiện tại. Bộ Công Thương đang báo cáo trình và tham mưu với Chính phủ để nghiên cứu về dự án này, đây là thời điểm có thể thực hiện khi đã hội tụ các điều kiện cần và đủ. 


Khi tự chủ được nguồn thép chế tạo, ngành công nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ có nhiều lợi thế hơn vì dự báo nhu cầu tiêu thụ thép ở thị trường trong nước và trên thế giới sẽ tăng cao trong năm 2015. Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, nền kinh tế đang trên đà hồi phục và phát triển tốt, tăng trưởng GDP năm 2015 dự tính khoảng 6,2% thì nhu cầu tiêu thụ thép trong nước dự kiến khoảng 13,6 triệu tấn. Trong khi đó, Hiệp hội Thép thế giới cũng dự báo, tiêu thụ thép thành phẩm của thế giới sẽ tăng 2% vào năm 2015. Đó là chưa kể các dự án sản xuất thép có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang có mặt ở Việt Nam hiện cũng đang cần nguồn nguyên liệu do phải nhập khẩu đầu vào từ nước thứ 3. 


Như vậy, dư địa để phát triển ngành thép Việt Nam là tương đối lớn và cơ hội xuất khẩu thép hoặc làm nhà cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp thép ngoại hoàn toàn nằm trong tầm tay. Nhất là khi Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 và Hiệp định Thương mại tự do ASEAN (AFTA) chính thức có hiệu lực vào năm 2018, thì ngành thép khi đã hội tụ đủ tiềm lực và không còn phụ thuộc vào nhập khẩu sẽ thực sự là điểm tựa để ngành công nghiệp Việt Nam bứt lên.


*Tạo cú hích bằng phát triển công nghiệp hỗ trợ 


Cùng với ngành thép, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cũng được đặt nhiều kỳ vọng không chỉ góp phần giảm tình trạng nhập siêu mà còn giúp thay đổi diện mạo cho ngành công nghiệp Việt Nam trong giai đoạn tới. 


Vấn đề đặt ra là tới khi nào các doanh nghiệp nội địa và ngành CNHT trong nước mới đảm đương được vai trò cung ứng, của thị trường nội địa và các doanh nghiệp FDI về các sản phẩm CNHT đạt tiêu chuẩn toàn cầu. 


Nhà nước và các địa phương đã có những chính sách khuyến khích, cơ chế ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa nhằm thúc đẩy sản xuất và tạo cú hích phát triển ngành CNHT. Thậm chí, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã chọn Việt Nam như điểm đến để đầu tư và phát triển mạng lưới sản xuất vệ tinh. Vấn đề còn lại chỉ là chuẩn bị và sẵn sàng nhập cuộc của các doanh nghiệp và của toàn ngành công nghiệp. 


Sự thay đổi và tiến xa của nền công nghiệp Việt Nam hẳn nhiên không chỉ trông chờ vào những chuyển biến của riêng ngành thép hay ngành CNHT. Về măt bằng chung, Nhà nước cần quan tâm và đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào những ngành, lĩnh vực chủ chốt, mũi nhọn để nhanh chóng đem lại hiệu quả kinh tế cao, tránh tình trạng dàn trải và lãng phí các nguồn lực đầu tư từ mọi thành phần kinh tế.



Thạch Huê (TTXVN)