07:10 23/07/2011

Cộng đồng quốc tế lên án các vụ tấn công tại Na Uy - Thủ tướng Na Uy triệu tập họp nội các khẩn cấp

Nhiều nước trên thế giới đã lên án mạnh mẽ hai vụ tấn công đẫm máu ở Na Uy ngày 22/7 khiến ít nhất 17 người thiệt mạng. Chính phủ các nước khẳng định những thủ phạm đã hoàn toàn mất nhân tính trong hành động bạo lực "hèn hạ" này...

Nhiều nước trên thế giới đã lên án mạnh mẽ hai vụ tấn công đẫm máu ở Na Uy ngày 22/7 khiến ít nhất 17 người thiệt mạng. Chính phủ các nước khẳng định những thủ phạm đã hoàn toàn mất nhân tính trong hành động bạo lực "hèn hạ" này, đồng thời cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tình báo nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai.

Trong một tuyên bố, Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU), ông Herman Van Rompuy cho biết ông đã gửi thông điệp chia buồn và đoàn kết của 27 nước trong liên minh tới chính phủ và nhân dân Na Uy. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso khẳng định ông choáng váng trước "những hình ảnh ghê rợn" của vụ đánh bom ở thủ đô Oslo và vụ xả súng sau đó vài giờ. Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Na Uy vượt qua tình cảnh khó khăn hiện nay và EU sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình.

Khung cảnh hỗn loạn sau vụ đánh bom. (Nguồn: Internet)


Trong khi đó, ông Anders Fogh Rasmussen, Tổng Thư kí Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mà Na Uy là một thành viên, cùng lãnh đạo nhiều quốc gia châu Âu khác như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan cũng cam kết sát cánh với nhân dân và chính phủ Na Uy sau các vụ tấn công này.

Phát biểu sau cuộc hội đàm tại Washington với Thủ tướng Niu Dilân, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hối thúc cộng đồng quốc tế đẩy mạnh hợp tác chống khủng bố, sau vụ tấn công kép tại Na Uy. Theo ông, đây là lời nhắc nhở rằng toàn thể cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ ngăn chặn hành động khủng bố như thế này xảy ra và rằng các nước cần phải hợp tác trong lĩnh vực tình báo để ngăn chặn những vụ tấn công đó.

Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày đã gọi các vụ tấn công tại Oslo là "hèn hạ" đồng thời cho hay đã đề nghị giúp đỡ nhà chức trách Na Uy.

Trong khi đó, Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg tuyên bố nước này đang ở trong tình thế "nghiêm trọng" sau vụ tấn công kép ở thủ đô, đồng thời cho biết đã triệu tập một cuộc họp nội các khẩn cấp cũng như sẽ gặp lãnh đạo các chính đảng lớn trong ngày 23/7.

Thủ tướng Xtôntenbớc nêu rõ tình hình rất nghiêm trọng sau khi xảy ra vụ đánh bom ở khu nhà chính phủ cũng như sau vụ xả súng ở đảo Utoeya. Các nhân viên y tế và lực lượng an ninh đang khẩn trương thực hiện công tác cứu hộ.

Hiện chưa có cá nhân hay tổ chức nào tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tấn công kép ở Na Uy. Theo các nhà phân tích, dù mang đặc trưng của những vụ tấn công kiểu Hồi giáo cực đoan, song hiện nay còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào về lực lượng đứng đằng sau hai vụ tấn công trên.

TTXVN