02:18 08/02/2015

Công cuộc 'đại tu' các lực lượng vũ trang Nga - Kỳ 1

Hàng triệu quân nhân, hàng nghìn xe tăng và chiến đấu cơ mới, hàng trăm vệ tinh mới được phóng lên quỹ đạo, cùng những thế hệ vũ khí của tương lai. Tham vọng lột xác cho Quân đội Nga đang được Tổng thống Putin chuẩn bị như thế nào?

THỰC TRẠNG NĂNG LỰC QUÂN SỰ

Nghiên cứu của Viện nghiên cứu xã hội KASS dựa trên 5 yếu tố cấu thành trực tiếp (lãnh thổ, tài nguyên thiên nhiên, dân số, kinh tế, quân sự) và 4 yếu tố ảnh hưởng (phát triển xã hội, tính bền vững, an ninh và chính trị trong nước) xếp hạng chỉ số sức mạnh quân sự quân đội Mỹ 90,08/100 trong khi Nga chỉ có 31,08 điểm, thấp hơn cả Trung Quốc (33,3 điểm).

Ước tính của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), Nga có khoảng 1,2 triệu quân thường trực và hơn 2 triệu quân dự bị, còn số quân nhân được trả lương thực tế là 766.000 người (thống kê tháng 10/2013 của Cơ quan kiểm toán Nga).

So sánh chi tiêu quân sự Nga với các nước giai đoạn 2000 - 2013.


Giới phân tích cho rằng Chiến tranh Gruzia năm 2008, cuộc chiến gần nhất mà Nga tham gia, đã bộc lộ nhiều vấn đề trong các lực lượng vũ trang, với các trang thiết bị lạc hậu và cách triển khai quân không phù hợp. Dù lực lượng quân đội hùng hậu của Nga dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc chiến này nhưng theo các chuyên gia quân sự, nhiều cuộc giao tranh trên thực địa đã nhanh chóng để lộ các khiếm khuyết trong việc luyện tập, vũ khí và trang thiết bị của Nga.

Để hiện đại hóa được quân đội, công nghiệp quốc phòng là lực lượng chủ lực song ngành công nghiệp này của Nga thời hậu Chiến tranh Lạnh đã bước sang giai đoạn lạc hậu, kém hiệu quả và bị các đối thủ chính yếu vượt mặt. Chẳng hạn tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Bulava vốn đang được Nga phát triển để thay thế loại vũ khí có từ thời Liên Xô nhưng nó đã thất bại trong 7 trên tổng số 12 lần thử nghiệm.

Điều này buộc Nga phải tính tới việc mua sắm trang thiết bị quân sự hiện đại từ nước ngoài, thậm chí từ chính các thành viên NATO, như ý định mua tàu vận tải thủy bộ từ Hà Lan, máy bay do thám không người lái của Israel, hay tàu chở trực thăng Mistral của Pháp. Người đứng đầu Hải quân Nga từng phát biểu nếu Hải quân Nga sở hữu một chiếc Mistral trong cuộc chiến với Gruzia năm 2008 thì "các binh sĩ đã có thể đổ bộ vào bờ biển Gruzia chỉ trong 40 phút thay vì 26 tiếng đồng hồ như thực tế".

Tỷ lệ sinh thấp và tình trạng sức khỏe kém của người dân cũng là một vấn đề đau đầu khi Nga có quá ít những thanh niên trẻ có cơ thể khỏe mạnh, không bị béo phì. Theo kế hoạch cải cách quân đội, Bộ Quốc phòng Nga đặt ra mục tiêu giảm quân số thường trực xuống còn 1 triệu người, nhưng con số thanh niên đạt tiêu chí chỉ khoảng 700.000 và cũng rất khó để tuyển đủ 60.000 binh lính chuyên nghiệp mỗi năm. Theo thông báo từ Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, trong đợt tuyển quân năm 2013, vì lý do sức khỏe chỉ gọi được 65% lính nghĩa vụ đáp ứng được tiêu chuẩn (con số này của năm 2012 là 69,9% và 2011 là 57,7%), và trên 12% được yêu cầu phải đi kiểm tra y tế bổ sung.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, lực lượng Hải quân hùng mạnh thời Xô Viết nay chỉ còn là một lực lượng bảo vệ bờ biển khi tất cả các tàu chiến lớn của hải quân, trong đó cả soái hạm và tàu sân bay duy nhất của nước này (không chạy bằng năng lượng hạt nhân), Kuznetsov, đều có từ thời Chiến tranh Lạnh. Trong khi đó, Mỹ đang sở hữu 10 tàu sân bay năng lượng hạt nhân và đang chế tạo vài tàu chiến mới mỗi năm.

Sức mạnh không quân Nga cũng rất hạn chế, ít nhất là trong ngắn hạn. Hãng sản xuất máy bay chiến đấu Sukhoi đang phát triển một số chiến đấu cơ hiện đại, trong đó có máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, T-50, nhưng việc sản xuất cũng kéo dài khá lâu, trong khi đa số các máy bay hiện nay của Nga đều ra đời từ những năm 1980.

Các loại trực thăng tốt như Ka-Black Shark và Mi-26 cũng chỉ chiếm khoảng 10% tổng số trực thăng của Không quân Nga, 90% tổng số trực thăng còn lại đa số đều là các thế hệ đã cũ như Mi-8 và Mi-24. Điều này khiến cho tỷ lệ trực thăng có khả năng tác chiến thực sự chỉ chiếm khoảng 35%. Để trang bị vũ khí mới cho quân đội, thường các nước có nền quân sự tiên tiến dùng đến 60% ngân sách quốc phòng nhưng hiện tỷ lệ này ở Nga chỉ có 30%. Ước tính các phương tiện chiến đấu trên không của Nga đang xuống cấp đến 80%.

Lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga, hiện tiêu tốn 1/3 ngân sách quốc phòng và nắm trong tay số lượng đầu đạn hạt nhân nhiều nhất thế giới 8.500 (so với 7.700 của Mỹ), vẫn được xác định là con bài chủ lực của quân đội. Học thuyết quân sự Nga coi các tên lửa hạt nhân sẽ giúp bù đắp cho sức mạnh lực lượng quân sự thông thường còn nhiều hạn chế của nước này.

Ngoài lĩnh vực tấn công hạt nhân kể trên, có thể nói, mảng sáng nhất trong sức mạnh quân sự Nga hiện nay, là việc hiện đại hóa thành công vũ khí phòng không với các tên lửa tấn công đất đối không tầm trung và tầm xa S-400. Gần đây, Nga đã triển khai nhiều trung đoàn tên lửa này gần Moskva và các vị trí trọng yếu ở vùng ngoại vi của Nga. Hệ thống tên lửa S-500 với nhiều tính  năng ưu việt hơn cũng đang được Nga triển khai hiệu quả.

Theo tạp chí quốc phòng HIS Jane’s, chi tiêu quân sự của Nga gần như đã tăng gấp đôi kể từ năm 2007 và riêng năm 2014 tăng thêm 18,4%. Mặc dù đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua song con số 90 tỷ USD vẫn thấp hơn rất nhiều so với đầu tư cho quốc phòng của Liên Xô trong những năm 1990. Hơn nữa, tính trên số tiền chi cho mỗi binh sĩ nước này vẫn thấp hơn so với ngân sách mà Mỹ và nhiều đồng minh đầu tư cho quân nhân của họ.

Dự báo sắp tới, ngân sách quốc phòng của Nga sẽ bị thắt chặt hơn do sự biến động bất lợi của giá dầu thế giới. Điều này chắc chắn khiến kế hoạch hiện đại hóa quân đội của Nga gặp nhiều khó khăn.

Kỳ 2: Sự trở lại của gấu Nga


Thái Nguyễn