05:23 17/05/2012

Công Cuộc chiến chống vi phạm bản quyền tại Việt Nam: Những tín hiệu tích cực

Đó là điều được ông Tarun Sawney, Giám đốc cao cấp phụ trách Phòng chống vi phạm bản quyền khu vực châu Á – Thái Bình Dương của BSA, khẳng định trong cuộc họp báo công bố kết quả nghiên cứu toàn cầu về vi phạm bản quyền phần mềm 2011 của BSA (Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp).

Đó là điều được ông Tarun Sawney, Giám đốc cao cấp phụ trách Phòng chống vi phạm bản quyền khu vực châu Á – Thái Bình Dương của BSA, khẳng định trong cuộc họp báo công bố kết quả nghiên cứu toàn cầu về vi phạm bản quyền phần mềm 2011 của BSA (Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp). Theo đó, năm 2011, tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính của Việt Nam là 81%, giảm 2% so với năm 2010; giá trị thương mại của phần mềm bị vi phạm bản quyền là 395 triệu USD, giảm 4% so với năm 2010.

 

Đã có chuyển biến


Trong khi tổng giá trị thương mại toàn cầu của các phần mềm bị vi phạm bản quyền năm 2011 lên tới 63,4 tỉ USD (tăng 4,6 tỉ so với năm 2010), thì giá trị thương mại của phần mềm bị vi phạm bản quyền của Việt Nam lại giảm khá tích cực (giảm tới 4%).


 

Công bố tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm năm 2011 tại Hà Nội.

 

Bên cạnh đó, tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam cũng đã giảm tới 2%, và đây là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam đạt tỉ lệ giảm này (năm 2010, tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cũng giảm 2% so với năm 2009).


Điều này cho thấy cuộc chiến chống vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam đã bước đầu đạt hiệu quả. "Những kết quả tích cực của việc giảm tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm này là bằng chứng cho thấy những nỗ lực to lớn của Chính phủ Việt Nam. Dù vậy, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm, và vẫn đối mặt với những khó khăn rất lớn trong việc giảm tỉ lệ vi phạm bản quyền xuống ngang bằng với tỉ lệ của khu vực hay thế giới là 60% và 42%. Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng Việt Nam đang đi đúng hướng”, ông Tarun Sawney khẳng định.


Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã vào cuộc khá mạnh mẽ trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền, với việc ban hành những quy định mới về xử phạt các hành vi vi phạm bản quyền phần mềm; tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra liên tục trong cả nước; các đợt tuyên truyền giáo dục về trách nhiệm doanh nghiệp, công dân trong việc thực thi bản quyền..."Chương trình Hợp tác bảo vệ bản quyền phần mềm giữa các cơ quan chức năng ở Việt Nam và BSA cũng đã được triển khai từ năm 2008, nhằm giảm tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm. Nhiều chiến dịch tuyên truyền và hội thảo về quản lý tài sản phần mềm (QLTSPM) đã được tổ chức cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có cả các doanh nghiệp bán lẻ các sản phẩm công nghệ thông tin và các cơ sở giáo dục. Các chiến dịch tuyên truyền và xử lý vi phạm cũng là điểm nhấn trong số những sáng kiến được thực hiện nhằm giảm tỉ lệ vi phạm bản quyền tại Việt Nam" - đại diện Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cho biết.


Chính bởi vậy, dù muốn hay không, những người dùng máy tính ở Việt Nam, những doanh nghiệp kinh doanh máy tính ở Việt Nam cũng đã có ý thức hơn về vấn đề bản quyền của các phần mềm mình vẫn sử dụng. Và kết quả là những con số đáng khích lệ nói trên.

 

Hành trình vẫn còn dài...


Tuy đã có chuyển biến, nhưng trên thực tế, cuộc chiến chống vi phạm bản quyền tại Việt Nam vẫn còn vô cùng gian nan. "Không phải doanh nghiệp nào cũng hợp tác với chúng tôi. Có những doanh nghiệp nhất định không thừa nhận sai phạm và không chịu ký vào biên bản thanh tra khi bị phát hiện vi phạm bản quyền phần mềm. Họ đưa ra lý do rằng việc vi phạm bản quyền phần mềm hiện nay là gần như 100% các công ty máy tính đều mắc, vậy tại sao lại chỉ kiểm tra doanh nghiệp của họ?", đại diện Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cho biết. Bên cạnh đó, cũng còn nhiều doanh nghiệp đưa ra lý do: Đây là do nhân viên tự ý làm sai, chứ không phải chủ trương của doanh nghiệp, bởi vậy doanh nghiệp không phải chịu trách nhiệm về vấn đề vi phạm bản quyền này.


Trao đổi về vấn đề này, ông Từ Văn Nhữ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, cho biết: Khi có vi phạm, thì đầu tiên sẽ phải xem xét trách nhiệm của người đại diện hợp pháp theo giấy phép của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng sẽ xem xét trách nhiệm của những người có liên quan. Bởi vậy, doanh nghiệp không thể đứng ngoài khi những nhân viên của mình làm sai. Cũng theo ông Nhữ, mọi sai phạm trong lĩnh vực bản quyền phần mềm đều được xử lý theo quy định của pháp luật, tùy theo mức độ vi phạm, có thể là xử lý hành chính, có thể là xử lý dân sự.


Tuy nhiên, cũng theo ông Nhữ, để việc xử lý những vi phạm trong lĩnh vực bản quyền phần mềm được nghiêm minh và "đúng người đúng tội" hơn, thì cần xây dựng một khung hình phạt cho hoàn chỉnh, chứ lâu nay chúng ta còn "lúng túng và hạn chế trong xử lý" bởi chưa có khung hình phạt cụ thể.


Được biết, theo kết quả của nghiên cứu toàn cầu về vi phạm bản quyền phần mềm 2011 của BSA, tình trạng vi phạm bản quyền trên thế giới vẫn còn rất nghiêm trọng. Khá đông người được điều tra cho biết, họ có sử dụng các phần mềm không bản quyền, trong đó có 36% là "thường xuyên" sử dụng, 27% là “ít khi” sử dụng. Trong đó, chủ yếu là nam giới, với 32% ở độ tuổi 18 - 24. Cũng theo kết quả này, tỉ lệ vi phạm bản quyền ở các thị trường mới nổi cao hơn nhiều so với các thị trường cũ...


P.V