04:22 04/04/2012

Cổng chính vào Khu di tích lịch sử Đền Hùng: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bác phương án đề xuất

Báo Tin tức ra ngày 22/2, trang 10 có bài viết "Thiết kế cổng chính vào Khu di tích lịch sử Đền Hùng: Chưa ổn", đề cập đến Dự án "Cổng chính thuộc dự án Trung tâm lễ hội (giai đoạn 2) Khu di tích lịch sử Đền Hùng"...

Báo Tin tức ra ngày 22/2, trang 10 có bài viết "Thiết kế cổng chính vào Khu di tích lịch sử Đền Hùng: Chưa ổn", đề cập đến Dự án "Cổng chính thuộc dự án Trung tâm lễ hội (giai đoạn 2) Khu di tích lịch sử Đền Hùng" do Khu di tích lịch sử Đền Hùng làm chủ đầu tư, đã được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt ngày 31/3/2011 và sẽ được triển khai trong thời gian tới...

Phối cảnh “Cổng chính thuộc dự án Trung tâm lễ hội (giai đoạn 2) Khu di tích lịch sử Đền Hùng".


Tuy nhiên, bản "Thiết kế kỹ thuật thi công hạng mục: Cổng chính vào Khu di tích lịch sử Đền Hùng" do Công ty TNHH tư vấn và xây dựng T.A.T thực hiện, thì vẫn còn nhiều vấn đề chưa ổn như thiết kế cổng quá nặng nề, quá lớn, không cân xứng với các công trình khác của Khu di tích lịch sử Đền Hùng; thiết kế cổng giống cổng thành của Trung Quốc hơn là cổng vào một khu di tích linh thiêng của cả dân tộc Việt Nam; thiết kế thiếu hoàn toàn "bóng dáng của văn hóa Văn Lang là nét chủ đạo của Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Nếu có "chút gì đó" của văn hóa Việt Nam thì cũng là mang nét kiến trúc của thời Nguyễn"; kinh phí xây dựng quá lớn (hơn 60 tỉ đồng)...

Sau khi bài báo ra đời, đông đảo dư luận, trong đó có khá nhiều kiến trúc sư (KTS) đã lên tiếng đồng tình với quan điểm trong bài báo. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã tổ chức lấy ý kiến về vấn đề này, và ngày 20/3/2012, Bộ đã có Văn bản số 793/BVHTTDL-DSVH về việc "thẩm định Dự án xây dựng cổng chính vào Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ" gửi UBND tỉnh Phú Thọ, do Thứ trưởng Lê Khánh Hải ký, bác phương án thiết kế cổng mà UBND tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt.

Theo đó, tại văn bản này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) nêu rõ: Bộ đã nhận được Công văn số 15/ĐH-DA ngày 16/2/2012 của Khu di tích lịch sử Đền Hùng đề nghị có ý kiến về việc xây dựng cổng chính vào Khu di tích lịch sử Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ), kèm theo hồ sơ dự án. Sau khi xem xét dự án và ý kiến của Hội đồng Khoa học về bảo tồn di tích, Bộ có ý kiến như sau: "Phương án thiết kế cổng chính vào Khu di tích lịch sử Đền Hùng được đề xuất trong dự án có hình thức kiến trúc dạng cổng thành là không phù hợp với tính chất của khu di tích; quy mô cổng quá lớn không hài hòa với cảnh quan thiên nhiên khu vực xây dựng".

Do đó, Bộ đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo Khu di tích lịch sử Đền Hùng nghiên cứu những ý kiến góp ý của Hội đồng Khoa học về bảo tồn di tích để phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế "đề xuất các phương án mới, phù hợp với di tích và khả năng đầu tư hiện nay".

Là một trong số những nhà khoa học có mặt trong cuộc thẩm định dự án này của Bộ VH,TT&DL, PGS-TS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống, chuyên viên Cục Di sản (Bộ VH,TT&DL) bày tỏ quan điểm khá rõ ràng. Theo ông Biền, thiết kế cổng không nên quá to, sẽ "át" mất khu di tích; cổng cũng phải được thiết kế đồng bộ với cả khu di tích, không được đi chệch dòng chảy văn hóa truyền thống của người Việt Nam, để mọi người khi đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng "không thấy bị vướng mắt".

Cùng chung quan điểm này, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (cũ), nguyên Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia, ông Lưu Trần Tiêu cho biết, kết luận của Bộ VH,TT &DL trong vấn đề cổng khu di tích là chính xác; trong công văn của Bộ cũng đã đưa ra những gợi ý cho UBND tỉnh Phú Thọ về việc sửa đổi thiết kế. Theo ông Lưu Trần Tiêu, vấn đề là "chờ xem UBND tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp thu và sửa đổi như thế nào".

Như Báo Tin tức đã phản ánh, ngay sau khi bản "Thiết kế kỹ thuật thi công hạng mục: Cổng chính vào Khu di tích lịch sử Đền Hùng" do Công ty TNHH tư vấn và xây dựng T.A.T thực hiện, được Khu di tích lịch sử Đền Hùng chọn gửi Bộ VH, TT&DL để xin ý kiến, đã có rất nhiều những người trong giới, đặc biệt là các KTS lên tiếng không đồng tình. Đánh giá chung của các KTS là với kiến trúc "dựa trên hình thức kiến trúc dân gian truyền thống, cổng chính vào Khu di tích lịch sử Đền Hùng mang lối kiến trúc cổng tam quan, mái dốc được thiết kế có quy mô bề thế (dài 66 m, rộng 13,8 m, cao 25,5 m)..." mà bản thiết kế đưa ra là hoàn toàn không phù hợp với kiến trúc chung của cả Khu di tích lịch sử Đền Hùng, cũng không hài hòa với cảnh quan thiên nhiên và các công trình kiến trúc khác. Một KTS đã bức xúc cho biết: "Trên thực tế, do đền Hạ, đền Trung, đền Thượng đều khá nhỏ, gọn (dài khoảng 10 -12 m, rộng khoảng từ 4 - 6 m) nên các công trình thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng đều được thiết kế theo hướng nhỏ, gọn, phù hợp với cảnh quan chung. Đặc biệt, các công trình đều theo hướng kiến trúc gợi nhớ về văn hóa Văn Lang bằng cách khai thác những hoa văn và biểu tượng của trống đồng Đông Sơn. Tuy nhiên, thiết kế cổng chính này lại rất nặng nề, quá đồ sộ và không có dáng dấp của văn hóa Văn Lang, thậm chí còn không có dáng dấp của văn hóa Việt Nam, mà giống như một cổng thành của... Trung Hoa nhiều hơn".

"Nếu đã là cổng vào một khu di tích lịch sử, mang ý nghĩa tâm linh, thì kiến trúc nên thanh thoát, tốt nhất là nên dùng những trụ biểu, chứ không nên tạo cảm giác nặng nề, đồ sộ của cổng thành như vậy; cũng không nên có những tòa tháp giống như "tháp canh". Thiết kế này có lẽ chỉ phù hợp với thiết kế cổng thành"- một KTS khác khẳng định.

Trên cơ sở ý kiến của các KTS, ý kiến của dư luận, báo chí, đồng thời tham khảo ý kiến của các chuyên gia, Bộ VH,TT & DL đã quyết định bác phương án thiết kế này và yêu cầu Khu di tích lịch sử Đền Hùng đưa ra các phương án mới phù hợp với di tích và khả năng đầu tư hiện nay. Đây là một việc làm rất kịp thời của Bộ; việc còn lại thuộc về Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Rất mong Khu di tích nói riêng và tỉnh Phú Thọ nói chung sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp, để đưa ra một thiết kế phù hợp cho cổng của khu di tích này.

P.V