Bộ Xây dựng cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến các lĩnh vực kinh tế; trong đó có đầu tư xây dựng. Đặc biệt, giá vật liệu xây dựng tăng cao, hệ lụy là nhiều dự án chậm tiến độ do phải tăng chi phí, các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho biết, Bộ đã chủ động đưa ra một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm, hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn này.
Khảo sát của Bộ Xây dựng cho thấy, từ đầu năm 2021 đến nay, giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất các loại vật liệu thép, xi măng trên thế giới liên tục tăng cao do dịch bệnh kéo dài, làm ảnh hưởng gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn thế giới. Tiếp đó, từ tháng 2/2022 thiếu hụt mạnh các nguồn cung nguyên, nhiên liệu để phục vụ sản xuất các vật liệu xây dựng chủ yếu, đặc biệt là thép, nhựa đường; đồng thời giá xăng, dầu thế giới tăng đột biến, dẫn đến tăng chi phí sản xuất, vận chuyển hàng hóa.
Theo Thứ trưởng Bùi Hồng Minh, tại Việt Nam, giá cả một số vật liệu xây dựng chủ yếu, nhất là giá thép xây dựng, có nhiều biến động, liên tục tăng giá, vượt ngoài khả năng dự báo và tác động tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng, ảnh hưởng đến việc thực hiện các hợp đồng xây dựng, nhất là các hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói...
Điều này dẫn đến tình trạng tại một số gói thầu, dự án có hiện tượng nhà thầu thi công cầm chừng, cá biệt có trường hợp dừng thi công do không đủ nguồn lực để thực hiện, làm chậm tiến độ công trình, dự án.
Giá vật kiệu xây dựng tăng cao còn dẫn đến hệ lụy các dự án đầu tư xây dựng đang thực hiện có khả năng bị đội vốn, chi phí thực hiện vượt so với Tổng mức đầu tư, dự toán đã được phê duyệt.
Thống kê của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, giá thép hiện dao động khoảng 19 triệu đồng/tấn, tăng 12% so với cuối quý IV/2021 và tăng trên 50% so với đầu tháng 12/2020 (khoảng 12 triệu đồng/tấn, thời điểm giá thép bắt đầu biến động, tăng cao). Cùng đó, giá xi măng hiện dao động quanh mốc 1,3 triệu đồng/tấn, tăng khoảng 15% so với quý IV/2021 và bằng 189% so với quý IV năm 2020.
Một số loại vật liệu khác như: nhựa đường khoảng 14,4 triệu đồng/tấn, tăng 7% so với quý IV/2021 và 9% so với quý IV/2020; xăng dầu hiện xấp xỉ 26 nghìn đồng/lít, tăng 26% so với quý IV/2021 và 59% so với quý IV/2020...
Giá một số loại vật liệu khai thác như đất, đá, cát... có tăng nhưng không có sự tăng giá bất thường. Giá đá hiện đang dao động từ 240.000 – 400.000 đồng/m3 tùy theo số lượng; cát xây dựng từ 160.000 – 360.000 đồng/m3 tùy loại và khu vực. Mức biến động cát tăng bình quân từ khoảng 4% đến 6% tùy khu vực; giá đá có biến động tăng bình quân từ khoảng 4% đến 7% tùy khu vực.
Một doanh nghiệp xây lắp phản ánh, theo tính toán, chi phí vật liệu thép chiếm 12-16% tổng chi phí xây dựng công trình. Nếu giá thép xây dựng tăng 10% thì giá thành xây dựng các công trình sẽ tăng thêm 1%. Điều này đang gây khó cho các nhà thầu xây dựng.
Trước tình huống này, Bộ Xây dựng cho biết, thép, xăng dầu, nhựa đường chịu sự tác động, ảnh hưởng trực tiếp của thị trường thế giới, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung và biến động giá trên thế giới. Còn đối với các loại vật liệu xây dựng chủ yếu còn lại thì khả năng cung và năng lực sản xuất trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu trong nước.
Để kiểm soát, bình ổn thị trường vật liệu xây dựng, trách các hiện tượng lợi dụng khả năng cung để đầu cơ, thổi giá, Bộ Xây dựng đã thành lập Tổ theo dõi thông tin thị trường giá xây dựng, bất động sản, dịch vụ hạ tầng đô thị để kịp thời tổng hợp, báo cáo các nội dung đánh giá về diễn biến giá vật liệu xây dựng; dự báo các kịch bản trong trường hợp biến động giá vật liệu làm cơ sở tham mưu cơ chế, chính sách điều hành của Chính phủ.
Hiện Bộ Xây dựng cũng giao nhiệm vụ cho cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để xác định và kiểm soát chặt chẽ giá thiết bị, vật liệu xây dựng trong quá trình lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng (về trình tự, thủ tục, tiêu chí cụ thể để xác định giá…), phù hợp với yêu cầu của dự án và thị trường. Các nội dung này nhằm ngăn ngừa nguy cơ xảy ra thất thoát, lãng phí, vi phạm trong việc xác định giá vật liệu, thiết bị, ảnh hưởng đến chi phí, hiệu quả công trình, dự án.
Cùng đó, Bộ Xây dựng cũng phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, các địa phương nơi có công trình trọng điểm như cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành để nắm bắt nội dung còn vướng mắc và hỗ trợ, hướng dẫn giải quyết tháo gỡ kịp thời.
Mặt khác, Bộ Xây dựng chủ động đôn đốc các địa phương thực hiện giải pháp quản lý nhà nước nhằm kiểm soát và hạn chế việc tăng giá từ nguyên nhân đầu cơ, tích trữ; chủ động có các giải pháp để ứng phó, khắc phục trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung trên địa bàn; không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc thiếu hụt nguồn cung để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Riêng về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý hợp đồng xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết sẽ có một số trường hợp là hợp đồng thực hiện theo hình thức đơn giá điều chỉnh và hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định.
Qua theo dõi tình hình và tiếp nhận phản ánh từ chủ đầu tư, nhà thầu, Bộ Xây dựng khẳng định, hiện việc công bố giá và chỉ số giá xây dựng của hầu hết các địa phương đều có "độ trễ" hơn so với diễn biến thị trường - Thứ trưởng Bùi Hồng Minh chỉ rõ.
Một số địa phương xác định giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng thực hiện theo quý, công bố chậm, giá cả chưa kịp thời; chưa bám sát diễn biến thị trường hoặc chưa sát với thị trường. Nhiều danh mục công bố còn thiếu một số vật liệu xây dựng chủ yếu…
Việc chậm công bố giá các yếu tố đầu vào (vật liệu, nhân công, máy thi công) và chỉ số giá xây dựng của các địa phương dẫn đến thiếu dữ liệu để tính toán, dự trù chi phí các dự án đầu tư xây dựng và điều chỉnh giá trong thanh toán, quyết toán hợp đồng các gói thầu xây dựng đang thực hiện - nhiều doanh nghiệp cùng phản ánh về khó khăn này.
Để tháo gỡ khó khăn này, Bộ Xây dựng đã có các văn bản đôn đốc, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời thực hiện trách nhiệm quản lý công bố giá các loại vật liệu xây dựng, thiết bị công trình.
Đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động giá lớn, trường hợp cần thiết, công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng hoặc sớm hơn để đáp ứng yêu cầu lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng và điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng trên địa bàn.
Riêng với các hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định, theo quy định của pháp luật, hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định có giá cố định trong suốt thời gian thực hiện thực hiện đối với toàn bộ nội dung công việc trong hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng và một số trường hợp khác được quy định trong Luật Xây dựng - Bộ Xây dựng viện dẫn.
Bởi vậy, trước những biến động lớn, bất thường của giá vật liệu, thiết bị xây dựng ảnh hưởng đến hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói, Bộ Xây dựng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư và chủ thể có liên quan đánh giá cụ thể tác động ảnh hưởng tiêu cực của việc biến động giá lớn, bất thường đến khâu quản lý hợp đồng xây dựng và đề xuất cụ thể giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Căn cứ tình hình thực tiễn và kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Xây dựng sẽ chủ trì, phối hợp nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện tác động ảnh hưởng của biến động giá lớn, bất thường đến việc quản lý hợp đồng xây dựng, để tham mưu cấp có thẩm quyền xây dựng cơ chế tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đảm bảo tính hợp pháp, công bằng, khả thi, hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí và thực hiện thành công chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng.