07:09 17/07/2012

Công bố 13 luật và 2 nghị quyết

Sáng 16/7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 6 luật đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3.

Sáng 16/7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 6 luật đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3.


6 luật được công bố gồm: Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Giáo dục đại học và Luật Công đoàn (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Bộ luật Lao động (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013.


Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, so với Bộ luật Lao động hiện hành, Bộ luật Lao động (sửa đổi) có 17 chương, 242 điều, tăng 23 điều, quy định về tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động. Một trong những điểm mới của bộ luật là đưa ra các quy định nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác. Tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên 6 tháng, tuy nhiên, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 4 tháng.


Luật Giáo dục đại học gồm 12 chương, 73 điều quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, giảng viên, người học, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học và quản lý nhà nước về giáo dục đại học. Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, Luật Giáo dục đại học quy định 4 vấn đề mới cơ bản gồm: Phân tầng đại học, xã hội hóa giáo dục đại học, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và kiểm soát chất lượng đào tạo. Trong đó, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học là vấn đề được thể hiện nhất quán và xuyên suốt trong các quy định của luật.


Gồm 5 chương, 35 điều, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Luật sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện nay, đáp ứng yêu cầu nội luật hóa Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, góp phần hạn chế bệnh tật, cứu sống tính mạng người dân và nâng cao sức khỏe cộng đồng.


Chiều 16/7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 7 luật và 2 nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 3.


7 luật được công bố gồm: Luật Giá; Luật Giám định tư pháp; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Quảng cáo; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Biển Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2013; Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014. Hai nghị quyết về việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị quyết về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân cũng đã được công bố tại buổi họp báo.


Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ cho biết: Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật lấy ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và doanh nhân. Đây là ngày Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành Hiến pháp năm 1946 – đạo luật cơ bản đầu tiên của Nhà nước ta.


Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng giới thiệu một số nét chính của Luật Xử lý vi phạm hành chính gồm 6 phần, 12 chương, 142 điều. So với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, luật đã có sự thay đổi theo hướng hạn chế áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên từ đủ 12 đến dưới 14 tuổi... Một điểm thay đổi trong đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là trường hợp người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định, nếu theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính sẽ thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, tuy nhiên, theo luật này, đối tượng đó sẽ được giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em để quản lý, giáo dục trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thay vì đưa vào trường giáo dưỡng.


Liên quan đến việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, ông Phạm Quý Tỵ cho biết: Luật có phạm vi điều chỉnh rộng, phức tạp, có nhiều quy định mang tính nhân đạo, có lợi cho người vi phạm, nhiều quy định mang tính chuyển tiếp, do vậy, ngày 20/6/2012, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2012/QH13 về việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính để hướng dẫn thi hành. Kể từ thời điểm công bố luật đến khi luật có hiệu lực (kể từ ngày 1/1/2014), không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm. Người có hành vi bán dâm bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

Không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý đã được quy định tại Bộ luật Hình sự hoặc nhiều lần có hành vi trộm cắp vặt, lừa đảo nhỏ, đánh bạc nhỏ, gây rối trật tự công cộng.


Tóm tắt một số nội dung của Luật Biển Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: Với 7 chương và 55 điều, Luật Biển Việt Nam quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo.

Quản lý và bảo vệ biển được thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam tham gia. Mọi cơ quan, tổ chức và công dân Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Nhà nước phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền biển, đảo; khuyến khích việc sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế biển; khuyến khích và bảo vệ hoạt động thủy sản của ngư dân trên các vùng biển. Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, Luật Biển Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán của Nhà nước ta là giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước láng giềng bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế. Nhà nước ta đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, trong đó có nhiều lĩnh vực hợp tác cụ thể về biển và đại dương.


Nghị quyết số 29/2012/QH13 về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 21/6/2012. Theo đó, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh trong lĩnh vực xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; doanh nghiệp được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng công trình hạ tầng kinh tế xã hội cũng được giảm 30% số thuế thu nhập phải nộp năm 2012.


Thanh Hòa - Chu Thanh Vân