10:08 27/10/2011

Còn nhiều ý kiến phản đối xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

Để có được nhận định chính xác, khách quan và khoa học đối với những tác động của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, ngày 26/10, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội thảo để tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học...

Để có được nhận định chính xác, khách quan và khoa học đối với những tác động của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, ngày 26/10, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội thảo để tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia có nhiều gắn bó và am hiểu về hệ thống sông Đồng Nai, các cơ quan trực tiếp chịu ảnh hưởng… Qua đó, tất cả ý kiến trong hội thảo này sẽ được tỉnh tổng hợp trình Chính phủ và Quốc hội xem xét.

pLòng sông La Ngà (chi lưu của sông Đồng Nai) bị thu hẹp do cạn kiệt nguồn nước (ảnh chụp tháng 6/2011). Ảnh: Ngọc Hà – TTXVN

Ông Võ Văn Chánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì hội thảo đã nêu lên những ý kiến trái chiều trong thời gian qua. Chẳng hạn nếu thực hiện dự án thủy điện 6 và 6A sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường, như ngoài tác động trực tiếp đến Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên, dự án sẽ còn ảnh hưởng đến chế độ thủy văn sông Đồng Nai, ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt, sản xuất vùng hạ lưu, gia tăng ô nhiễm sông Đồng Nai và xâm nhập mặn… Trong khi đó, lại có một số ý kiến cho rằng tác động của dự án không quan trọng, có thể “đánh đổi” được, như dự án không gây mất nước cho thủy điện Trị An, chúng còn góp phần bổ sung dòng chảy sông vào mùa kiệt, đảm bảo điều tiết và xả nước nhiều hơn mức dòng chảy tối thiểu vào mùa khô hạn, giảm sự thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô… Vì vậy, mục đích cuộc hội thảo lần này là mong muốn được lắng nghe những đánh giá khách quan, công tâm, dựa trên quan điểm bảo vệ môi trường, tuân thủ nguyên tắc phát triển bền vững, không chấp nhận đánh đổi bằng mọi giá để phát triển không bền vững.

Là đơn vị chịu ảnh hưởng trực tiếp của dự án thủy điện 6 và 6A, ông Trần Văn Thành, Giám đốc VQG Cát Tiên phát biểu với hình ảnh minh họa về cảnh quan, các loài thú quý hiếm và các khu vực xây dựng công trình thủy điện sẽ tác động trực tiếp đến môi trường sinh thái tại các khu vực VQG Nam Cát Tiên như thế nào, kể cả những tác động về mặt văn hóa và xã hội…

Ông Thành cho rằng: VQG Cát Tiên là khu rừng đặc dụng được thế giới công nhận là khu Ramsar, khu dự trữ sinh quyển, nằm trong không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận và hiện đang đệ trình hồ sơ để được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Song từ việc quy hoạch cho đến báo cáo đánh giá tác động môi trường của công trình thủy điện này còn bất ổn, chứa đựng nhiều rủi ro, nguy cơ trực tiếp và gián tiếp dây chuyền, cộng hưởng của hệ thống các dự án, công trình thủy điện dọc theo thượng nguồn sông Đồng Nai trong mối quan hệ biện chứng chặt chẽ với đại dự án bôxít Tây Nguyên.

Tiến sỹ Vũ Ngọc Long, đại diện của Mạng lưới sông ngòi phía Nam, Giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học và phát triển, đã trình bày khá công phu về các công trình nghiên cứu chi tiết, cặn kẽ mang tính khoa học rất sát thực về tính đa dạng sinh học hiện có ở vùng Nam Cát Tiên và việc xây dựng đập thủy điện 6- 6A sẽ tác động lớn và trực tiếp đến các loài và hệ sinh thái trong lưu vực như thế nào? nhất là cơ sở pháp lý không vững vàng của dự án..!
Ông Long đã đưa ra kết luận: "Sự phát triển ồ ạt các công trình thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai trong những năm qua đã và đang đặt tài nguyên nước và đa dạng sinh học của các vùng đầu nguồn sông Đồng Nai trong tình trạng báo động về cạn kiệt và suy thoái khó phục hồi. Đặc biệt là tác động cộng hưởng của các bậc thang thủy điện trên sông Đồng Nai là vô cùng nghiêm trọng, nhưng hiện chưa có nghiên cứu tổng hợp, đánh giá về những tác động này...”.

Trong cuộc hội thảo, chỉ duy nhất có ý kiến ủng hộ dự án thủy điện 6 và 6A của PGS.TS Nguyễn Văn Phước - Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên. Sau khi trình bày những vấn đề nhiễm mặn và suy thoái dòng chảy cũng như những hệ lụy do các công trình thủy điện gây ra ở Pháp, Mỹ và sau đó là ở đồng bằng sông Cửu Long… là do xây dựng hệ thống đập ở thượng nguồn, ông Phước lại đưa ra nhận xét: “Sự xâm nhập mặn trên sông Đồng Nai chỉ xảy ra vào mùa khô do nước kiệt, trong khi đó nếu có thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thì lưu lượng nước sông Đồng Nai sẽ tăng lên nên góp phần ngăn chặn mặn. Còn vào mùa mưa, lượng nước tích vào hồ làm giảm không đáng kể nước sông tại Hóa An…".

Ý kiến của ông Phước bị các nhà khoa học bác bỏ và cho rằng hoàn toàn thiếu căn căn cứ khoa học và không thực tế. Nhiều nhà khoa học đã dẫn chứng cụ thể mới nhất là trong năm 2010 vừa qua, nhà máy thủy điện Trị An đã thiếu nước trầm trọng, lưu lượng nước xả gần như bằng không, mặn xâm nhập lên đến chân cầu Hóa An… nếu cộng thêm hai công trình thủy điện này nữa thì sẽ khó lường.

GS.TS Lê Huy Bá nhận định: Sông Đồng Nai với lưu vực của nó đã phải trải qua ít nhất 5,5 triệu năm, đã mất nhiều thế kỷ biến cải “vũng nên đồi” mới có lưu vực và dòng chảy ổn định như ngày nay. Con người đã bắt con sông này quá tải, bắt nó “sống” trái quy luật tự nhiên. Điều đó gây ra mối lo sợ “sông Đồng Nai đổi dòng”, khi đó thảm họa sẽ tất yếu xảy ra “lũ quét và đại hồng thủy” cho cả dân cư và hệ sinh thái lưu vực. Hơn thế nữa, trên lưu vực sông Đồng Nai đã có 16 đập lớn và hàng chục đập nhỏ.

Lê Hiền