04:23 18/04/2012

Còn hay không bia căm thù?

Ông cha ta thường nói, muốn biết được lịch sử của một đất nước hãy nhìn vào văn bia và đền chùa miếu mạo. Thật đúng như vậy, mỗi khi nhìn vào văn bia và miếu mạo đình chùa, chúng ta thấy được hào khí của một thời đại hào hùng trong quá khứ...

Ông cha ta thường nói, muốn biết được lịch sử của một đất nước hãy nhìn vào văn bia và đền chùa miếu mạo. Thật đúng như vậy, mỗi khi nhìn vào văn bia và miếu mạo đình chùa, chúng ta thấy được hào khí của một thời đại hào hùng trong quá khứ, thấy được những giá trị của hôm qua để tạo niềm tin vững chắc tiến về phía trước. Tuy nhiên, hiện nay có một địa chỉ lịch sử giờ đây đã dần bị lãng quên ở một số nơi đó là bia căm thù ở những nơi diễn ra những sự kiện lịch sử quan trọng trong sự phát triển của đất nước.

Dọc theo quốc lộ từ huyện Hạ Hòa đến Thanh Ba của tỉnh Phú Thọ, chúng tôi thấy có những tấm bia được xây dựng đơn giản và nằm khiêm tốn bên lề đường hay các bãi cỏ ven ruộng. Hỏi những người già nơi đây, họ nói đây là những tấm bia căm thù được xây dựng để ghi nhớ sự kiện của những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Khi ấy, kẻ thù bắn phá ác liệt, chúng đã chọn một trong những địa điểm có đông dân cư hay nơi tụ tập đông người làm trọng điểm bắn phá. Trong mỗi lần bắn phá như vậy, có rất nhiều nhà cửa bị đốt cháy, nhiều người bị chết. Có khi cả cửa hàng bán muối bị bốc cháy, cả một khu dân cư bị giết hại. Trước những trận đánh ác liệt như vậy, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo các địa phương khi bước vào thời kỳ hòa bình cho xây dựng các bia “căm thù" trên đó ghi lại ngày tháng, số người bị giết hại trong cuộc bắn phá của đế quốc Mỹ. Điều đó sẽ được lưu giữ đời đời để cho các thế hệ sau khắc ghi và hiểu rõ về lịch sử chiến đấu và hy sinh của quê hương mình, từ đó hun đúc ý chí để tiến lên xây dựng quê hương giàu đẹp. Bia căm thù từ lâu đã là một địa chỉ lịch sử nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Trong một thời gian dài, Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn rất quan tâm đến việc giữ gìn di tích lịch sử bia căm thù, cuối năm thường cho quét vôi, ghi lên đó những khẩu hiệu tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Có xã lại dùng bia căm thù để ghi lên đó những thông báo quan trọng của làng, xã... Một số xã hay thị trấn đã tôn tạo và tu bổ bia căm thù thành một nơi rất trang trọng, sạch sẽ và mang đậm dấu ấn lịch sử. Nhìn vào bia căm thù thế hệ trẻ như tăng thêm hào khí.

Nhưng trên thực tế, cùng với sự phát triển của xã hội, sự ảnh hưởng của cơ chế thị trường và việc nâng cấp các công trình đô thị, nhà ở, đường xá và cầu cống nên trong những năm gần đây, hệ thống bia căm thù ở một số địa phương đã bị mai một. Dọc đường các huyện Hạ Hòa và Thanh Ba, có những tấm bia bị rơi vào sự lãng quên trong một bụi cỏ rậm ở sát chân đồi, trâu bò thường hay dùng để cọ sừng nên ít nhiều đã bị vỡ, bị đổ, có cái chỉ còn chân móng. Có những tấm bia nằm sát chân tường của một ngôi nhà, chủ nhà dùng nó để dựa củi hay nâng đỡ một giàn bầu, giàn mướp, tấm bia phải "vất vả " lắm mới ló được đầu lên. Nhưng dù sao những tấm bia đó vẫn là may mắn bởi một lẽ trong quá trình đô thị hóa, xây dựng nhà cửa, một số bia đã bị đập bỏ.

Chúng tôi về thôn Chu Hưng, xã Ấm Hạ, ngay giữa ngã ba xưa kia có một trận bắn phá rất ác liệt của đế quốc Mỹ, làm chết hàng trăm người ngay giữa buổi trưa. Khi hòa bình lập lại, xã xây một tấm bia để ghi nhớ sự kiện ấy nhưng vào những năm 90, trong quy hoạch xây dựng nhà cửa, tấm bia đó đã không còn nữa. Cũng như thế ở xã Ấm Thượng, tại khu 7 cũng diễn ra một trận đánh phá đẫm máu và một tấm bia chừng 1,3mét được dựng lên bên lề đường như một chứng nhân lịch sử. Nhưng hiện nay tấm bia này đã trở thành nơi để củi đuốc, vỏ trai vỡ hay gạch vỡ của một gia đình buôn bán nhỏ. Thậm chí, tấm bia này có nguy cơ bị xâm hại bởi kế hoạch mở rộng quốc lộ 32. Còn nhiều tấm bia khác trên địa bàn các địa phương cũng dần đi vào sự quên lãng và chung một số phận như vậy.

Thiết nghĩ, với vai trò là một chứng tích của lịch sử, là nơi ghi dấu những khoảnh khắc lịch sử, đồng thời là một địa chỉ giáo dục truyền thống hữu hiệu cho thế hệ trẻ, bia căm thù cần được các địa phương gìn giữ, bảo vệ và tôn tạo. Vẫn biết rằng, giờ đây chúng ta đã bước vào thời kỳ hội nhập, bắt tay hợp tác quốc tế, cần xóa bỏ những hận thù quá khứ nhưng dù sao những tấm bia căm thù vẫn mãi là một địa chỉ lịch sử để thế hệ trẻ lấy đó làm một trong những động lực hướng về tương lai.

Nguyễn Thế Lượng