08:18 13/08/2014

Cơn gió ngược đối với hàng hóa 'Made in Swiss'

Sự giảm giá tiền tệ của các thị trường mới nổi so với đồng franc Thụy Sĩ làm cho sản phẩm "Made in Swiss" kém hấp dẫn.

Đối với các nhà xuất khẩu - đồng nội tệ mạnh gây ra những tác động kép. Sự giảm giá tiền tệ của các thị trường mới nổi so với đồng franc Thụy Sĩ làm cho sản phẩm "Made in Swiss" kém hấp dẫn. Bên cạnh đó, các nhà máy hoạt động tại Thụy Sĩ cũng trở nên tốn kém hơn.

Nick Hayek, giám đốc điều hành của Swatch Group AG, tập đoàn sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ xuất khẩu tới 90% sản phẩm của mình, cho rằng: "Tỷ giá hối đoái hiện nay của đồng franc là không thể chấp nhận được trong trung hạn hoặc dài hạn. Công ty đang phải vật lộn chống lại điều này, song cũng không thể làm bất cứ điều gì để có thể thay đổi tỷ giá".

Công nhân làm việc tại nhà máy đồng hồ của Swatch Group AG.


Kinh tế châu Âu suy thoái đã đẩy đồng franc gần ngang bằng với đồng euro trong năm 2011, khiến các công ty Thụy Sĩ chỉ có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước đang phát triển nhanh hơn như Trung Quốc. Những nỗ lực của Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) nhằm bảo vệ ngành công nghiệp xuất khẩu thông qua việc ấn định mức trần tỷ giá 1,2 franc/euro trong 3 năm qua, song lại thất bại trong việc ngăn chặn đồng franc ngừng tăng giá so với các đồng tiền khác.

Giá trị xuất khẩu sang các thị trường mới nổi như Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ đã bị sứt mẻ khi nhà đầu tư rút tiền ra khỏi các nền kinh tế đang phát triển, làm suy yếu đồng tiền của họ. Trong 12 tháng qua, đồng rupiah và đồng lira đã mất lần lượt 14,2% và 13% so với đồng franc.

Giám đốc Nick Hayek cho biết công ty ông phải cạnh tranh với các công ty Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ - nơi có chi phí sản xuất thấp hơn. Chia sẻ quan điểm với ông Hayek, nhà kinh tế trưởng Rudolf Minsch thuộc Economiesuisse nhận xét: "Việc đồng franc mạnh lên so với đồng yên Nhật Bản, đồng USD và các đồng tiền của các quốc gia mới nổi, một lần nữa tạo gánh nặng lợi nhuận đối với các công ty Thụy Sĩ".

Trong phiên giao dịch ngày 13/8 tại Zurich, đồng franc đứng ở mức 1,2134 franc/euro và 90,79 xu Thụy Sĩ đổi được 1 USD Mỹ.

Sự biến động ngoại hối đã làm giảm giá trị doanh thu từ nước ngoài cho các công ty đa quốc gia của Thụy Sĩ như Holcim Ltd, Roche Holding AG và Nestle SA, khi họ chuyển đổi trở lại thành franc.

Chẳng hạn như việc tăng giá của đồng franc Thụy Sĩ khiến cho doanh số bán hàng khi quy đổi ngoại tệ trong 6 tháng đầu năm nay của tập đoàn xi măng Holcim đã bị giảm 1 tỷ USD. Thomas Aebischer, giám đốc tài chính của Holcim, cho biết: Đồng franc Thụy Sĩ rõ ràng đã tăng giá đáng kể so với các đồng tiền khác. Theo nguyên tắc chung, các công ty làm báo cáo bằng đồng franc cảm nhận tác động lớn hơn so với đối thủ cạnh tranh khi đưa ra báo cáo bằng đồng euro.

Đồng franc mạnh trở thành một thách thức nghiêm trọng hơn đối với các nhà xuất khẩu như tập đoàn Swatch, cũng như các công ty vừa và nhỏ có các nhà máy ở Thụy Sĩ - nơi mà các công nhân có mức lương tối thiểu cao nhất ở châu Âu.

Freitag, công ty sản xuất và thiết kế túi xách trụ sở ở Zurich, cho rằng việc đồng franc mạnh lên do hầu hết các chi phí sản xuất và tiền lương trả công nhân ở Thụy Sĩ. Giám đốc điều hành Hans Haefliger cho biết: Hiện tại, Freitag chưa xem xét chuyển sản xuất ra nước ngoài. Song việc cân nhắc làm như vậy cũng có thể tính đến nếu như nó mang lại ý nghĩa tài chính và phù hợp với quan điểm môi trường.

Chính phủ Thụy Sĩ đang phải khó khăn hơn để duy trì danh tiếng cũng như trả giá cao cho hàng hóa "Made in Swiss". Thương hiệu Thụy Sĩ được coi là biểu tượng đáng tin cậy, chất lượng cao và các nghiên cứu đã chỉ ra người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn 20% cho hàng hóa sản xuất tại Thụy Sĩ.

Một loạt quy định "Swissness" sẽ có hiệu lực vào năm 2017 để bảo vệ tính xác thực của việc tiếp thị và quảng bá sản phẩm "Made in Swiss". Chính phủ Thụy Sĩ đang chỉnh đốn tình trạng lạm dụng thương hiệu để đảm bảo rằng sản phẩm Thụy Sĩ phải là sản phẩm chất lượng cao. Các sản phẩm công nghiệp như đồng hồ sẽ phải chứng minh rằng ít nhất 60% chi phí sản xuất tại Thụy Sĩ.

Tuy nhiên, SNB cũng không thể đoán trước việc làm thế nào để giảm giá trị của đồng franc và giữ ổn định cho các ngành công nghiệp ở Thụy Sĩ. Giá trị của đồng franc chỉ ở mức 25 xu Mỹ vào đầu những năm 1970, nhưng hiện nay một franc có giá trị hơn một USD, buộc các nhà xuất khẩu phải thích nghi với biến động mạnh của các tiền tệ.

Hariolf Kottmann, giám đốc điều hành của tập đoàn sản xuất hóa chất Clariant AG trụ sở ở Basel, Thụy Sĩ, đã bắt đầu tái cơ cấu công ty cách đây 5 năm, bao gồm việc đóng cửa hoặc bán bớt một số hoạt động tại Thụy Sĩ, chuyển dịch sản xuất và người lao động sang các thị trường mới nổi. Cuối cùng, đồng tiền mạnh buộc các công ty phải làm ăn hiệu quả hơn về lâu dài. Tuy nhiên, không thể nói là không có những trả giá đau đớn.


Tố Uyên (Pv TTXVN tại Thụy Sĩ)