05:08 25/05/2011

“Con đường xanh Tây Nguyên”

Bộ VH,TT&DL đã triển khai nghiên cứu đề tài “Khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch Tây Nguyên bằng tuyến du lịch Con đường xanh Tây Nguyên”. So với tiềm năng, cũng như so với các khu vực khác trên đất nước, du lịch Tây Nguyên phát triển có phần chậm hơn (trừ TP du lịch Đà Lạt).

Bộ VH,TT&DL đã triển khai nghiên cứu đề tài “Khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch Tây Nguyên bằng tuyến du lịch Con đường xanh Tây Nguyên”. So với tiềm năng, cũng như so với các khu vực khác trên đất nước, du lịch Tây Nguyên phát triển có phần chậm hơn (trừ thành phố du lịch Đà Lạt).

Các tuyến đường khu vực Tây Nguyên được đầu tư nâng cấp gần đây kết nối các điểm du lịch tại khu vực Tây Nguyên với các trung tâm phân phối khách từ Nam Trung bộ, TP Hồ Chí Minh. Ở góc độ Con đường xanh Tây Nguyên (GHR), có những tuyến đường liên quan chặt chẽ đến phát triển du lịch Tây Nguyên, đó là tuyến: GHR gắn với duyên hải miền Trung (Con đường ven biển miền Trung, với các khu công nghiệp của đồng bằng duyên hải); GHR với Con đường di sản miền Trung (nối với tuyến Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam); GHR với Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC).

Về tổng thể, Tây Nguyên được nối với đồng bằng duyên hải miền Trung qua 7 con đường ngang: Đường 14 nối Kon Tum với Quảng Nam, đường 24 nối Kom Tum với Quảng Ngãi, đường 19 nối Gia Lai - Bình Định, đường 25 nối Gia Lai - Tuy Hòa, đường 26 nối Đắk Lắk - Ninh Hòa (Khánh Hòa), đường 27 nối Đà Lạt - Phan Rang (Ninh Thuận), đường 28 nối Lâm Đồng -Bình Thuận… Gần đây có thêm một số đường nhánh phục vụ du lịch như đường Hoa và Biển, nối thẳng từ Đà Lạt xuống Nha Trang… Có những con đường, nhờ du lịch nên nhiều địa danh hồi sinh và được nhiều người biết đến như đường 24 qua khu du lịch Măng Đen; đường 19 cũng trở nên sôi động hơn nhiều nhờ du lịch Plâycu phát triển…

Lợi thế là vậy, nhưng du lịch Tây Nguyên chỉ hấp dẫn khi cây rừng còn xanh, môi trường du lịch sinh thái được bảo vệ, khi văn hóa đa dạng của các dân tộc Tây Nguyên được bảo tồn và tiếng cồng, tiếng chiêng vẫn còn rền vang sông núi thiêng liêng như bao đời nay… Rừng nếu bị khai thác cạn kiệt, môi sinh bị hủy hoại sẽ không còn con đường xanh, du lịch xanh. Cả cuộc sống ở đồng bằng xa xôi cũng sẽ bị ảnh hưởng. Du khách tìm đến Tây Nguyên chính là tìm đến màu xanh của núi rừng, đến với đời sống văn hóa đa dạng và nguyên sơ của các dân tộc, bản làng. Do đó, để du lịch Tây Nguyên phát triển, hoạt động bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái và cả môi trường sống của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên cần sớm được triển khai.

Xuân Cường