12:18 01/12/2014

Con đường chông gai vì 'Hành tinh Xanh'

Thủ đô Lima của Peru trở thành một trong những tâm điểm thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế với Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 20 (COP-20).

Những ngày đầu tháng 12 này, thủ đô Lima của Peru trở thành một trong những tâm điểm thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế với Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 20 (COP-20). Đây cũng là hội nghị cuối cùng trước thời hạn chót các nước phải ký kết được một hiệp định mới thay thế Nghị định thư Kyoto tại hội nghị năm sau ở Paris (Pháp).

Tiếp nối hội nghị tại Vacsava (Ba Lan) năm ngoái, COP-20 tại Lima tiếp tục tiến trình thương lượng nhằm tiến tới một hiệp định tổng quan, đầy tham vọng và mang tính ràng buộc về pháp lý nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân gây ra hiện tượng Trái Đất nóng lên. Hiệp định tương lai này sẽ thay thế Nghị định thư Kyoto vào năm 2020, đồng thời ràng buộc Mỹ và các nước mới nổi, trong đó có Trung Quốc, vào nỗ lực chung cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu.

Băng tan nhanh vì hiện tượng nóng lên toàn cầu.


Trong khuôn khổ 12 ngày làm việc, các quan chức đến từ 195 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCC) - cơ sở của Nghị định thư Kyoto 1997 - sẽ thảo luận các biện pháp cũng như đưa ra các cam kết bảo vệ môi trường hiện đang bị hủy hoại nghiêm trọng do tác động của con người.

Chương trình nghị sự sẽ tập trung thảo luận về một hiệp ước toàn cầu mới do LHQ bảo trợ xác định mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ của Trái Đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các quốc đảo nhỏ thậm chí muốn siết chặt mục tiêu trên ở mức 1,5 độ C.

Nếu các bên thu hẹp được bất đồng và tiến tới một tiếng nói chung đồng thuận về bảo vệ Trái Đất, hiệp định thay thế Nghị định thư Kyoto sẽ là văn bản đầu tiên mang tính ràng buộc đối với các tất cả các nước trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, buộc các nước phải đưa đưa ra và tuân thủ các cam kết về khống chế lượng khí thải carbon dioxide (CO2) gây hiệu ứng nhà kính (CO2) - một trong những thủ phạm của tình trạng Trái Đất ấm lên.

Tuy nhiên, đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng do giữa các nước phát triển (nước giàu) và các nước đang phát triển (nước nghèo) tồn tại nhiều khác biệt về việc bên nào phải chịu trách nhiệm cao nhất khi LHQ yêu cầu tất cả các nước đều phải hạn chế khí thải độc hại.

Các nước đang phát triển, hiện đang dựa chủ yếu vào nguồn nhiên liệu hóa thạch, đổ lỗi cho các nước phương Tây vì thời gian dài trong quá khứ đã thải nhiều khí CO2 khiến Trái Đất nóng lên và muốn các nước giàu phải chịu trách nhiệm lớn hơn khi giải quyết vấn đề.

Trong khi đó, phương Tây phản bác với lập luận rằng các nền kinh tế mới nổi cũng phải chia sẻ trách nhiệm bởi trên thực tế Trung Quốc hiện là quốc gia thải khí CO2 nhiều nhất thế giới, trong khi Ấn Độ đứng thứ tư, sau Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Theo Nghị định thư Kyoto, được thông qua tại Nhật Bản vào năm 1997 và chính thức có hiệu lực vào năm 2005, đến năm 2012, các nước công nghiệp phải giảm lượng khí thải nhà kính trung bình 7-8% so với lượng khí thải của năm 1990. Khi đó, các quốc gia đặt nhiều hy vọng vào vai trò và ý nghĩa tích cực của Nghị định thư Kyoto, nhưng cho đến nay nghị định thư này dường như không mang lại hiệu quả do các quốc gia hoặc nhóm quốc gia bất đồng về lợi ích và trách nhiệm trong việc hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Mỹ và nhiều nước giàu không muốn hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo để đối phó với biến đổi khí hậu với lý do Nghị định thư Kyoto không đề ra giới hạn về lượng khí thải đối với Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác. Trong bối cảnh Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực vào cuối năm 2012, sau những phiên họp căng thẳng, cuối cùng Nghị định thư Kyoto đã được gia hạn tới năm 2020 và các bên nhất trí đặt thời hạn chót là năm 2015 phải ký được một thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu thay thế Nghị định thư Kyoto.

Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng nếu tiến trình trên chậm trễ thì chỉ trong 15 năm tới, nhân loại sẽ phải đối mặt với thảm họa khôn lường do biến đổi khí hậu gây ra như vấn đề nước biển dâng, băng tan tại các cực, hạn hán, lũ lụt và thời tiết ngày càng khắc nghiệt.

Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 10 tháng đầu năm nay đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1880 và tháng 10 vừa qua cũng là tháng 10 nóng nhất từ trước đến nay. Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng lên tới hơn 40 tỷ tấn so với 32 tỷ tấn vào năm 2010. Theo "Dự án Carbon toàn cầu" công bố trước thềm hội nghị COP-20 ở Lima, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang tăng nhanh và chỉ hai thập kỷ tới sẽ vượt quá "hạn ngạch" được coi là an toàn để thế giới có thể đạt mục tiêu kiềm chế nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Với những bất đồng chưa có dấu hiệu thu hẹp, các cuộc thương lượng tại COP-20 sẽ không dễ dàng. Điều đó có nghĩa là con đường đi đến một hiệp định tổng quan, đầy tham vọng và mang tính ràng buộc để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu vẫn nhiều chông gai, đòi hỏi nỗ lực và tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên trong mái nhà chung Trái Đất, vì một hành tinh Xanh cho các thế hệ mai sau.


HẰNG LINH