04:13 25/04/2015

Côn Đảo sẵn sàng cất cánh

Bất cứ du khách nào khi đặt chân đến Côn Đảo đều cảm nhận được sự tôn nghiêm, linh thiêng của vùng đất này.

Những ngày cuối tháng Tư lịch sử này, những chuyến bay, chuyến tàu đến Côn Đảo luôn đầy ắp khách.

Tuy lượng khách đến Côn Đảo tăng cao ở hầu hết các điểm tham quan nhưng không khí trật tự, hiền hòa vẫn phủ khắp hòn đảo bởi bất cứ du khách nào khi đặt chân đến đây đều cảm nhận được sự tôn nghiêm, linh thiêng của vùng đất này.

Du khách tham quan khu di tích " chuồng cọp " ở Nhà tù Côn Đảo, nơi trước đây từng giam cầm những chiến sỹ cách mạng. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN


Trong suốt 113 năm thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược nước ta (1862-1975), chúng đã biến Côn Đảo thành “Địa ngục trần gian” với hàng chục vạn chiến sĩ cách mạng và nhiều thế hệ người yêu nước Việt Nam bị giam cầm, đầy đọa ở đây; trong đó, khoảng 2 vạn người bị sát hại, vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này.

Nơi đây với những địa danh ghi dấu sự khét tiếng của thực dân, đế quốc đã khiến cả thế giới phải kinh hãi, như: cầu tàu 914 nơi gần 1.000 tù nhân bị địch giết hại dần mòn bằng những trận đòn khốc liệt phủ đầu nhằm uy hiếp tù nhân trong quá trình lao động khổ sai; cầu Ma Thiên Lãnh với 530 người bị giết hại hay Sở Lưới, Sở Lò Vôi và chuồng bò, chuồng cọp, trại 1 đến trại 8 là những nơi giam giữ, tra tấn giết hại dã man những người yêu nước.

Nhưng cũng chính nơi đây, các thế hệ chiến sĩ cách mạng nước ta đã thể hiện ý chí đấu tranh kiên cường, khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Từ đó, Côn Đảo đã trở thành vùng đất thiêng của Tổ quốc.

Tròn 40 năm sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, mảnh đất chịu nhiều đau thương tàn khốc ngày nào nay đã thực sự hồi sinh. Ẩn sau sự trầm mặc vốn có của Côn Đảo là một sức sống mãnh liệt của con người nơi đây, đang từng ngày làm thay đổi diện mạo của mảnh đất này.

Theo thống kê của UBND huyện Côn Đảo, tính đến cuối năm 2014, thu nhập bình quân đầu người tại Côn Đảo đạt gần 75 triệu đồng/năm (khoảng 3.500 USD), trong khi năm 2010 là gần 1.100 USD và năm 2005 chỉ 665 USD, cho thấy sự thay đổi rõ nét về cuộc sống của người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Thành Chính, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, với cơ cấu kinh tế “Du lịch-Dịch vụ-Công nghiệp” được tỉnh, huyện xác định đúng đắn và tập trung đầu tư thực hiện nên những năm qua, kinh tế huyện đã có sự phát triển mạnh mẽ.

Cụ thể, trong 5 năm 2011-2015, tổng doanh thu dịch vụ-du lịch của huyện ước đạt 4.470 tỉ đồng, vượt hơn 12% chỉ tiêu và đạt tốc độ tăng bình quân hàng năm hơn 18% (trong giai đoạn 2005-2010 cũng đạt tốc độ tăng bình quân gần 19%); ngành công nghiệp và nông nghiệp cũng đạt tốc độ tăng bình quân hàng năm là 19% và gần 10%, đều vượt chỉ tiêu đề ra.

Hoạt động dịch vụ ngày một phát triển, đặc biệt là lĩnh vực du lịch với nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh mạnh dạn đầu tư mở rộng nhà nghỉ, nhà hàng phục vụ du khách. Đến nay, trên địa bàn Côn Đảo có 22 khách sạn, khu du lịch, nhà khách với 428 phòng, đáp ứng tương đối đủ lượng khách đến với đảo hàng ngày, trong đó có khu resort Six Senses luôn nằm trong top những resort nổi tiếng nhất thế giới.

Ngoài ra, hiện Côn Đảo có hơn 100 đầu xe ô tô phục vụ khách tham quan, gấp 3 lần so với cuối năm 2010 (30 xe)… Nhờ đó, tuy dân số toàn huyện đảo chỉ khoảng 7.000 người nhưng 5 năm qua, huyện đã tạo việc làm mới cho 1.500 lao động tại chỗ.

Thêm một minh chứng rõ nét cho sự phát triển cũng như sự hấp dẫn của Côn Đảo ngày một tăng nhanh là hiện mỗi ngày có tới 6 chuyến bay đưa hành khách đến Côn Đảo, trong khi năm 2010, mỗi tuần chỉ có 21 chuyến và thời điểm năm 2005, chỉ 5 chuyến/tuần.

Trong 5 năm qua, có tổng cộng hơn 435.000 lượt khách đến Côn Đảo tham quan du lịch, vượt hơn 12% kế hoạch đề ra và đạt tốc độ tăng hàng năm gần 20%; trong đó, có hơn 86.000 lượt khách quốc tế, vượt 127% chỉ tiêu Nghị quyết của huyện.

Khách đến Côn Đảo cũng có mức chi tiêu rất lớn đem lại nguồn thu khoảng 1.377 tỉ đồng. Riêng ở lĩnh vực du lịch (gấp gần 2,3 lần Nghị quyết huyện đề ra giai đoạn 2011-2015) cho thấy sự đa dạng của sản phẩm du lịch cũng như chất lượng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo huyện, những thành tựu của Côn Đảo đến thời điểm này mới chỉ là sự khởi đầu, bước chạy đà tốt để Côn Đảo tăng tốc cất cánh trong thời gian tới. Bởi trong thời gian qua, từ tỉnh tới Trung ương đã và đang quan tâm đặc biệt với những bước đi chắc chắn, bài bản cho một mô hình phát triển huyện đảo tiền tiêu này.

Cụ thể là: Quyết định 1518/QĐ-TTg ngày 5/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo đến năm 2030; Quyết định số 32/2013/QĐ-TTg ngày 22/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Côn Đảo; Quyết định 1742/QĐ-BKHĐT ngày 15/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Côn Đảo đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030…

Với 45 phút bay từ TP Hồ Chí Minh, du khách sẽ đặt chân lên mảnh đất Côn Đảo còn nhiều bí ẩn chưa được khám phá. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN


Hiện nay, các quy hoạch như: Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu Di tích lịch sử Côn Đảo; Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Côn Đảo đến năm 2030; Quy hoạch phân khu Trung tâm, Cỏ Ống-Đầm Tre, Bến Đầm là những quy hoạch chuyên ngành cuối cùng đang được hoàn tất để phê duyệt.

Qua đó, diện mạo một hòn đảo du lịch đặc sắc tầm khu vực và thế giới đang thành hình rõ nét, mang dáng dấp của một đô thị du lịch vườn với 85% diện tích dành cho các vùng sinh thái tự nhiên và chỉ 15% diện tích dành cho phát triển đô thị.

Theo quy hoạch, nhiều các dự án, công trình sẽ được Nhà nước xây dựng và mời gọi đầu tư như: nâng cấp sân bay Côn Đảo có thể tiếp nhận máy bay sức chở tới 150 hành khách (gấp hơn 2 lần hiện nay); xây dựng tuyến đường Tây Bắc Côn Đảo; xây dựng kết cấu hạ tầng 3 khu đô thị (Trung tâm, Bến Đầm, Cỏ Ống); Cảng tàu khách Côn Đảo và 2 tàu khách công suất lớn kết hợp với 2 tàu khách hiện có; hồ chứa nước; xây dựng nhà máy nước công suất 6.000m3/ngày; cảng tại Vũng Tàu (đi Côn Đảo)…

Dựa trên các quy hoạch được duyệt, dự báo năm 2030, Côn Đảo có dân số khoảng 30.000 người (trong đó, 10.000 người quy đổi từ khách du lịch) và đón khoảng 250.000 đến 300.000 lượt du khách, trong đó từ 15-20% khách quốc tế; thu nhập bình quần đầu người đạt khoảng 12.000-13.000 USD/năm.

Hiện chính quyền huyện đang triển khai thí điểm đề án dạy ngoại ngữ, lịch sử Côn Đảo cho học sinh và sẽ triển khai đại trà tới toàn dân huyện đảo với kỳ vọng mỗi người dân đều là một hướng dẫn viên du lịch cho bất cứ du khách nào khi đến đây.

Đây là một đề án đầy ý nghĩa và một Côn Đảo phát triển toàn diện đang hiện lên ngày một rõ nét, xứng đáng với sự kiên trung, ý chí quật cường của hàng vạn chiến sĩ cách mạng, người yêu nước Việt Nam đã nằm lại và hòa quyện mãi mãi cùng hòn đảo huyền thoại, tiền tiêu của Tổ quốc.


Đoàn Mạnh Dương (TTXVN)