01:16 12/01/2017

“Cởi trói” cho y tế cơ sở

Các Thông tư sửa đổi tới đây sẽ hướng đến mở rộng danh mục dịch vụ kỹ thuật và thuốc cho tuyến y tế cơ sở, nhằm thu hút người dân đến khám chữa bệnh tại tuyến y tế này.

Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị

Đó là thông tin được nêu tại Hội nghị trực tuyến xin ý kiến góp ý sửa đổi một số Thông tư trong lĩnh vực khám chữa bệnh (KCB) và BHYT do Bộ Y tế chủ trì, với sự tham gia của 700 điểm cầu là các sở y tế, cơ sở KCB tại 63 tỉnh thành trên cả nước.


Tăng nguồn thu cho các trạm y tế

Tại hội nghị, các dự thảo Thông tư được Bộ Y tế xây dựng, xin ý kiến bao gồm: Thông tư bổ sung danh mục kỹ thuật cho Thông tư số 43/2013/TT-BYT (quy định phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở KCB); Thông tư sửa đổi, bổ sung nội dung hồ sơ theo dõi sức khỏe cá nhân ban hành kèm theo Thông tư 16/2014/TT-BYT hướng dẫn thí điểm về bác sỹ gia đình và phòng khám bác sỹ gia đình; Thông tư quy định chi tiết về gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả; Thông tư sửa đổi bổ sung nội dung Thông tư số 41/2014/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn thực hiện BHYT.


Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, một trong những định hướng lớn của Bộ Y tế là phải phát triển tuyến y tế cơ sở, trong khi đó cơ chế về danh mục kỹ thuật, thuốc cho các trạm y tế xã, đang hạn chế. Tỷ lệ chi cho y tế cơ sở y tế còn thấp. Hiện tỷ lệ chi KCB BHYT tại xã mới đạt khoảng 3 - 4% tổng chi KCB BHYT, nếu tính cả tuyến huyện mới đạt tỷ trọng 32%. Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng dịch vụ KCB BHYT của tuyến huyện và xã là 72%.


Do đó, các Thông tư sửa đổi sẽ hướng đến mở rộng danh mục dịch vụ kỹ thuật và thuốc cho tuyến cơ sở, thu hút người dân đến KCB tại tuyến y tế này. Các bệnh viện trung ương sẽ có thời gian tập trung vào dịch vụ kỹ thuật cao, nghiên cứu thay vì dành quá nhiều thời gian cho việc điều trị các bệnh thông thường. 


Bên cạnh đó, Thông tư sửa đổi, bổ sung nội dung hồ sơ theo dõi sức khỏe cá nhân cho Thông tư 16 là cơ sở để trạm y tế xã mở rộng phạm vi hoạt động của mình, thực hiện chức năng của bác sĩ gia đình, tự đổi mới để thu hút người dân KCB BHYT.


“Tới đây, khi thực hiện tự chủ tài chính cho tất cả các cơ sở y tế, thực hiện thanh toán KCB BHYT theo định suất, cơ sở nào thu hút càng nhiều người có thẻ BHYT đăng ký KCB thì nguồn quỹ càng tăng”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.


Lần sửa đổi này, Bộ Y tế cũng dự kiến sẽ gộp Thông tư 43 vào Thông tư 50/2014/TT-BYT (quy định việc phân loại phẫu thuật, thủ thuật và định mức nhân lực trong từng ca phẫu thuật, thủ thuật), đặc biệt trong đó sẽ không có phân tuyến mà chỉ còn danh mục kỹ thuật, hàng năm mỗi 6 tháng hoặc 1 năm bổ sung danh mục kỹ thuật cho Thông tư này, đồng thời xây dựng giá cho từng kỹ thuật.


Dự thảo Hướng dẫn thí điểm về bác sĩ gia đình và cơ sở KCB y học gia đình cũng xem trạm y tế xã là một trong các cơ sở KCB hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng, chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý y học gia đình. 


Các bác sĩ gia đình được chuyển người bệnh đến các cơ sở KCB khác, kể cả cơ sở y tế ở tuyến cao hơn khi có yêu cầu về chuyên môn mà không bị coi là "vượt tuyến", "trái tuyến". Cơ sở KCB y học gia đình cũng được sử dụng và được quỹ BHYT thanh toán cho các thuốc theo danh mục thuốc quy định đối với tuyến cao hơn, nhưng phải phù hợp với dịch vụ kỹ thuật đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt…


Rà soát, chỉ ban hành khoảng 3.000 danh mục kỹ thuật

Góp ý tại hội nghị, ý kiến sở y tế nhiều địa phương bày tỏ thống nhất với quy định không “cởi trói” cho các cơ sở y tế tuyến cơ sở phát triển các dịch vụ kỹ thuật của tuyến cao hơn, xây dựng điều kiện hành nghề bác sỹ gia đình, giám định viên BHYT phù hợp hơn với thực tế…

Một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung đáng chú ý trong dự thảo sửa đổi Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC được Bộ Y tế đề xuất là bỏ quy định về giao quỹ cho cơ sở khám chữa bệnh ban đầu, thay vào đó sẽ xác định tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT cho cơ sở KCB theo tổng số các trường hợp đến KCB trong năm theo chuyên khoa, hạng bệnh viện.


Ông Dương Tuấn Đức, Phó trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cho rằng: Các thông tư cần phải thống nhất dịch vụ cả về tên và giá dịch vụ, bởi tình trạng nhiều cách đặt tên, chia tách nhiều dịch vụ cho cùng một kỹ thuật đang gây rất nhiều khó khăn trong việc thanh toán chi phí KCB BHYT, đặc biệt là thực hiện giám định BHYT điện tử.


Ông Đức cũng lưu ý, một trong những nội dung mới trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 41 và Nghị định 105/2014/NĐ - CP (hướng dẫn Luật BHYT)là yêu cầu cấp chứng chỉ cho giám định viên thì cần phải làm rõ cơ quan nào là có thẩm quyền cấp chứng chỉ? Điều kiện giám định viên phải là bác sĩ liệu có khả thi?...


“Nếu thực hiện đúng điều kiện giám định viên là bác sĩ, sẽ có tới 60% cơ quan BHXH trên toàn quốc không có giám định viên đủ điều kiện làm việc”, ông Đức phản ánh.


Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Chiến lược trước mắt và lâu dài của ngành y tế là đổi mới hệ thống chăm sóc và tài chính. Hiện chúng ta đang có quá nhiều danh mục với số lượng dịch vụ kỹ thuật lên tới 17.000, trong khi các nước chỉ có 2.000 - 3.000 dịch vụ.


Việc “bẻ vụn” từng dịch vụ, quá nhiều tên cho một loại dịch vụ kỹ thuật như phân loại dịch vụ theo địa phương, nơi thực hiện, thiết bị… gây khó khăn cho chính cơ sở y tế và cơ quan BHXH trong thanh toán chi phí.


Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị soạn thảo Thông tư phải rà soát, thống nhất lại tên dịch vụ y tế để có thể ban hành danh mục với 3.000 dịch vụ. Vấn đề cơ bản nhất hiện nay là phải thay đổi cả phương thức chi trả, thanh toán theo định suất, nhóm chẩn đoán liên quan hoặc theo ca bệnh, thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, yêu cầu các cơ sở KCB phải tự đổi mới, thu hút bệnh nhân BHYT...


Bài và ảnh: Phương Liên