09:22 30/09/2012

Coi chừng trẻ bị cận thị nặng hơn do đeo kính sai số

Cận thị nặng không chỉ ảnh hưởng đến thị lực của trẻ mà còn có thể gây biến chứng nguy hiểm dẫn đến mù lòa. Nhưng điều đáng tiếc là tỷ lệ trẻ bị cận thị lại có xu hướng ngày một gia tăng và không phải phụ huynh nào cũng biết cách phòng và điều trị bệnh cho trẻ.

Cận thị nặng không chỉ ảnh hưởng đến thị lực của trẻ mà còn có thể gây biến chứng nguy hiểm dẫn đến mù lòa. Nhưng điều đáng tiếc là tỷ lệ trẻ bị cận thị lại có xu hướng ngày một gia tăng và không phải phụ huynh nào cũng biết cách phòng và điều trị bệnh cho trẻ.

 

Mẹ lơ là, con thêm bệnh


“Tỷ lệ học sinh bị cận thị trong các trường tiểu học là 15 - 20%. Riêng tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, tỷ lệ này là 28 - 30%, đặc biệt tại một số trường chuyên, tỷ lệ trẻ bị cận thị tương đương 50 - 55%”, PGS.TS Cung Hồng Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt trung ương cho hay.


 

Khi trẻ bị cận thị phải đưa đến khám và đo thị lực tại cơ sở y tế chuyên khoa uy tín.

Thực tế, tại Khoa Khám mắt, Bệnh viện Mắt TƯ số lượng trẻ tới khám mắt ngày càng tăng lên, trong đó bị cận thị chiếm từ 60 - 70%. Không ít trẻ bị cận thị dù chưa đi học lớp 1 và trong gia đình không có người cận thị. Việc trẻ phải học tập, đọc sách nhiều nhưng lại không chú ý đến các biện pháp bảo vệ mắt khiến cho tỷ lệ trẻ bị cận thị có xu hướng ngày một tăng.


“Tuy nhiên, không phải bậc phụ huynh nào cũng biết cách quan tâm đến con trẻ đúng cách. Tôi gặp khá nhiều trường hợp các cháu bị giảm thị lực... chỉ vì bà mẹ đưa con tới những cơ sở khám chữa bệnh tư nhân để con được khám nhanh”, BS Nguyễn Thanh Vân, Phòng khám Khúc xạ, Bệnh viện Mắt TƯ cho hay.


Tại phòng khám của Bệnh viện Mắt TƯ, có không ít trẻ mắc tật khúc xạ là quá ham đọc truyện trong điều kiện thiếu ánh sáng. Sợ cha mẹ ngăn cản, một số cháu còn bật đèn pin và chui vào trong chăn đọc khiến mắt càng phải điều tiết nhiều hơn, gây nhức mỏi. Nhiều gia đình để trẻ chơi trò chơi điện tử quá nhiều tới mức bị cận thị.
Mới đây, BS Vân khám cho một cháu bé học lớp 1 bị cận thị, dù cháu đã đeo kính nhưng vẫn bị nhức, chảy nước mắt, không nhìn rõ chữ viết trên bảng. Khi được mẹ dẫn đến phòng khám đo thị lực, BS Vân phát hiện cháu bé bị cận có 2 đi ốp nhưng đeo kính có độ cận thị tương đương với 5 đi ốp. Cháu bé này đã được mẹ đi đo và mua kính ở một cửa hàng kính mắt tự nhiên không có bác sĩ khám, chỉ có một nhân viên vừa đo tật khúc xạ vừa bán kính.


Đồng tình với nhận định này, PGS.TS Cung Hồng Sơn, khuyến cáo: “Đeo kính không đúng số sẽ dẫn tới việc trẻ bị nhức mỏi mắt nhiều hơn nên nhiều cháu đã không đeo kính, thậm chí dẫn đến tình trạng bị biến chứng nặng hơn. Bởi vậy, các phụ huynh cần đưa trẻ bị cận thị đến khám tại những cơ sở y tế uy tín, có bác sỹ chuyên khoa để đảm bảo trẻ được khám, đo tật khúc xạ và đeo kính chính xác ”.


Việc đeo kính đúng với độ cận thị sẽ giúp trẻ nhìn xa rõ, giảm dần thói quen nhìn sát vào sách vở, giúp hạn chế được tốc độ tăng độ cận thị của mắt trẻ.

 

Phòng bệnh hơn chữa bệnh


Theo PGS.TS Cung Hồng Sơn, một trong những điều cốt yếu nhất về thị lực tốt là ánh sáng thích hợp. Do đó, để phòng ngừa tật cận thị cho trẻ, cần chú ý đảm bảo ánh sáng khi trẻ đọc sách và viết bài. Thời gian học tập của trẻ cũng không nên kéo dài. Việc cho trẻ xem ti vi cũng cần hạn chế, từ 1 - 2 giờ/ngày. Tại gia đình, góc học tập của trẻ nên bố trí gần cửa sổ. Bàn học, ghế ngồi cần phù hợp với kích thước cơ thể của trẻ để trẻ ngồi học được thoải mái, không lóa mắt. Đặc biệt, cha mẹ cần kiểm soát tư thế đọc sách và viết chữ của trẻ, khoảng cách từ mắt đến mặt trang sách, trang giấy là khoảng 30 - 50 cm. Tư thế ngồi học của trẻ phải ngay ngắn, không để đầu nghiêng ngả. Không cho trẻ vừa nằm vừa xem sách, vừa ăn vừa xem sách báo hoặc vừa đi tàu xe vừa đọc truyện. Chú ý duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ.


Gia đình còn có thể giúp trẻ không mắc tật khúc xạ bằng cách tăng cường các hoạt động thể lực ngoài trời, chơi thể thao, hạn chế chơi vi tính. Ngoài ra, trẻ em nên được kiểm tra thị lực ít nhất mỗi năm một lần. Nếu nghi ngờ trẻ mắc tật cận thị, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra thị lực ngay lập tức.


“Nên đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa ngay khi con trẻ có biểu hiện: Hay dụi mắt cả khi không buồn ngủ. Khi xem ti vi hay học ở lớp, trẻ phải chạy lại gần mới nhìn thấy, hoặc trẻ thường phải chép bài của bạn. Hay nheo mắt, nghiêng đầu khi xem tivi hoặc nhìn một vật ở xa. Khi đọc hay bị nhảy hàng hoặc phải dùng ngón tay để dò theo các chữ. Kết quả học tập giảm sút, hay chép đề bài sai hoặc viết sai chữ...”, PGS.TS Cung Hồng Sơn khuyến cáo.

 

Phương Liên