07:09 29/07/2011

Coi chừng dị ứng nặng vì thực phẩm chức năng

Trong vòng 3 tháng gần đây, đã có hơn 10 bệnh nhân bị dị ứng do sử dụng thực phẩm chức năng phải vào điều trị tại Trung tâm Dị ứng - miễn dịch Lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Trong vòng 3 tháng gần đây, đã có hơn 10 bệnh nhân bị dị ứng do sử dụng thực phẩm chức năng phải vào điều trị tại Trung tâm Dị ứng - miễn dịch Lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Nghe quảng cáo về thực phẩm chức năng có khả năng chữa khỏi căn bệnh Lupus ban đỏ, chị H. (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vội vã mua về dùng và “cắt” luôn những loại thuốc tây đang sử dụng để điều trị căn bệnh mắc phải hơn 2 năm nay.

Nhưng mới uống loại thực phẩm chức năng này được hơn 1 ngày, toàn thân chị H. bắt đầu xuất hiện các đám ban đỏ, da bong tróc, rất ngứa. Dù chị H. đã ngừng uống ngay nhưng các đám ban đỏ vẫn tiếp tục lan rộng trên cơ thể, khiến chị rất đau nhức, mệt mỏi… Khi tới khám tại Trung tâm Dị ứng- miễn dịch Lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, thì chị H. thực sự rất ân hận bởi nguyên nhân gây dị ứng chính là loại thực phẩm chức năng mà chị từng coi như “thần dược”.

“Trong vòng 3 tháng qua, tại Trung tâm có hơn 10 trường hợp tới điều trị dị ứng sau khi sử dụng thực phẩm chức năng. Họ gồm cả nữ giới lẫn nam giới, sử dụng thực phẩm chức năng vì nhiều mục đích khác nhau: Làm đẹp, giảm béo nhưng cũng có người dùng vì muốn tăng cân, trị bệnh Lupus ban đỏ, tăng sinh lực ở nam giới khi đã luống tuổi…”, PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm Dị ứng - miễn dịch Lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết.

Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận cấp cứu, khám, chữa bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN


Kết quả tổng kết và thực tế lâm sàng cho thấy, những bệnh nhân dị ứng thực phẩm chức năng có các biểu hiện như: Viêm da, đỏ da toàn thân, tổn thương gan, thận… Một số bệnh nhân phải nằm viện điều trị từ 15 - 20 ngày.

Có thể gây dị ứng như thuốc, thực phẩm

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh. “Tuy nhiên, thực phẩm chức năng không phải là thần dược. Hiện nay, có khá nhiều quảng cáo gây sự hiểu nhầm kiểu như thực phẩm chức năng chữa được bách bệnh, chữa được cả bệnh Lupus ban đỏ, vảy nến, tăng tế bào gốc hoặc giúp cơ thể cường tráng, tăng cường sức khỏe trong một thời gian ngắn…”, PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn khẳng định.

Đặc biệt, cần lưu ý là thực phẩm chức năng là một sản phẩm trung gian giữa thuốc và thực phẩm nên cũng có thể gây dị ứng như thuốc, thực phẩm. Do đó, khi sử dụng thực phẩm chức năng theo phong trào, những người có cơ địa dị ứng sẽ phải đối diện với nguy cơ nhập viện điều trị dị ứng.

Đây sẽ là điều rất đáng tiếc vì dị ứng thuốc hay thực phẩm chức năng có thể gây sốc phản vệ, nếu không cấp cứu kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Bệnh nhân cũng có thể mắc hội chứng Stevens Johnson (lưỡi viêm, nổi bọng nước, đau rát…) hoặc Hội chứng Lyell (loét da, tạo mảng lớn như bỏng, có thể tử vong…). Nếu nhẹ hơn, bệnh nhân bị nổi mề đay, mẩn ngứa, khó thở hoặc lên cơn hen suyễn, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy; viêm kết mạc...

“Thực tế, chỉ riêng việc quản lý thuốc và thực phẩm đã rất khó khăn. Vì vậy, khâu quản lý chất lượng thực phẩm chức năng hiện nay cũng chưa được chặt chẽ. Để tránh bị dị ứng do sử dụng thực phẩm chức năng, tốt nhất người tiêu dùng chỉ nên sử dụng khi đã làm xét nghiệm, chẩn đoán những yếu tố mà cơ thể cần bổ sung và có sự tư vấn của bác sĩ”, PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn khuyến cáo.

Người tiêu dùng cần đọc kỹ những chữ ghi trên bao bì và giấy hướng dẫn sử dụng, nhằm tránh tình trạng nhầm lẫn giữa thuốc điều trị và thực phẩm chức năng. Theo quy định, các nhà sản xuất thường công bố và ghi rõ là thực phẩm chức năng trên nhãn, mác và trong giấy hướng dẫn sử dụng sản phẩm.

Trong quá trình sử dụng sản phẩm, nếu xuất hiện các phản ứng bất thường như ngứa, nổi mề đay, khó thở, hoặc cảm thấy rất khó chịu… thì cần tới cơ sở y tế ngay để được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc. Đặc biệt, cần thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết những loại thuốc và thực phẩm chức năng đã từng gây dị ứng. Khi đó, bác sĩ và dược sĩ sẽ có cơ sở để tránh dùng những thuốc hay thực phẩm chức năng có thể gây dị ứng cho người bệnh.

Phương Liên