09:22 01/09/2012

'Cổ tích một tình yêu': Từ kịch thơ đến cải lương

Từ câu chuyện cổ tích quen thuộc đã vào kịch thơ của nhà thơ Lê Đại Thanh được tiếp mạch bởi con trai út của ông là NSƯT Lê Chức... vở cải lương “Cổ tích một tình yêu” đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt khi công diễn vào trung tuần tháng 8.

Từ câu chuyện cổ tích quen thuộc đã vào kịch thơ của nhà thơ Lê Đại Thanh được tiếp mạch bởi con trai út của ông là NSƯT Lê Chức và tìm được sự đồng điệu với đạo diễn trẻ Hoàng Quỳnh Mai, vở cải lương “Cổ tích một tình yêu” đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt khi công diễn vào trung tuần tháng 8.


Câu chuyện được kể rằng: Ngày xửa ngày xưa, có một nàng tiên, vì đánh vỡ chén ngọc nên bị Tiên mẫu đày xuống trần gian dưới hình hài xấu xí của một con cóc. Lời nguyền chỉ được hóa giải khi nàng phải chết vì cái ác- khác với các truyện cổ tích vốn luôn hướng tới giá trị nhân văn khi thiên giới tuyên bố, bản án lưu đày chỉ kết thúc khi có được người thực lòng yêu thương cái hình hài thảm hại, tanh tưởi của cô.


Lưu đày nơi trần gian nhiều trầm luân đau khổ, cô tiên đã yêu một chàng thi sĩ nghèo. Không may, chàng nằm trong mưu đồ của phú ông, vì tham bả quyền lực đã dâng hiến con gái yêu của mình, nay cố bắt chàng kết hôn với con gái để lấp liếm tội lỗi khó dung của hắn…


Cảnh trong vở diễn.


NSƯT Lê Chức đã nhìn thấy giá trị triết lý của kịch bản trong khối di sản nhà thơ Lê Đại Thanh để lại và lồng vào đó những kiếm tìm, chiêm nghiệm của cá nhân ông: “Nhân tính giúp con người vượt qua được tất cả khổ đau. Và biểu hiện cao nhất của nhân tính chính là tình yêu. Chúng tôi đẩy câu chuyện đến mức độ khó tin và phải mượn hai chữ cổ tích”.


Đồng điệu với thế hệ đi trước, NSƯT Hoàng Quỳnh Mai tâm đắc với kịch bản giúp chị giải toả những băn khoăn dày vò mình về những bất ổn của cuộc sống hiện tại, khi những câu chuyện đắng lòng về luân thường đạo lý đang ngày một nảy sinh nhiều hơn trong xã hội.


Vì thế, chị đã quyết định đưa kịch bản lên sàn tập, miệt mài lao động để có được một cách kể chuyện mới cho câu chuyện cổ tích này. Một cách dàn dựng, kể chuyện đầy sáng tạo, nương theo những khó khăn của kịch thơ, tạm quên đi những vẻ đẹp kịch tính của sân khấu, trôi theo những vần thơ để diễn đạt những gì chị trăn trở, mong muốn gửi gắm đến khán giả.



Để thực hiện được điều đó, chị và ê kíp sáng tạo đã tìm kiếm những cách thức xử lý sân khấu riêng. Một trang trí sân khấu đẹp, biến ảo cùng với cốt truyện mang tính thẩm mỹ, theo xúc cảm của nhân vật.


Với việc xử lý đề co của họa sĩ sao cho thích hợp nhất, tận dụng tốt được đề co chính. Chỉ có quang cảnh đồi giang, bằng những dải lụa được tạo hình thân cây, lúc là ánh sáng ban ngày, khi tiên nữ là con cóc xấu xí, lúc là ánh trăng vàng, cô được trở lại hình hài xinh đẹp… Những thân giang khi được kéo cao lên lại tạo thành những sợi dây tơ hồng mềm mại, khi lại được buộc vào như chiếc rèm sang trọng của nhà quan.


Rất may mắn, chị có được một dàn diễn viên tài hoa để lột tả hoàn toàn những ý đồ đạo diễn. Mạnh Hùng vốn sở trường những vai kép đẹp, nay vào vai chàng thi sĩ trốn đời trong thơ. Trọng Bình “chuyên trị” loại vai phản diện, được phân vào vai phú ông, giàu kiểu trọc phú nên luôn mong được danh giá, được cầm cái triện quyền uy.


Vai phú ông của anh đã để lại ấn tượng tốt cho khán giả. Anh nhớ lại những ngày tập vai vất vả để tìm kiếm, tạo dựng, thể hiện một nhân vật phản diện khác hoàn toàn những nhân vật mình đã thủ vai với nét gian ác thủa xưa, hơi có phần cổ hủ chứ không như những nhân vật gian tham ngày nay.


Với các diễn viên của nhà hát, vở diễn là thử thách rất tốt bởi các vai diễn đều được dành đất sáng tạo. Từ vai con gái phú ông xinh đẹp, hiền lành, biết điều nhân nghĩa, yêu mà không được đền đáp, rất căm giận người đã cướp đi tình yêu của mình, nhưng khi bị cưỡng đoạt, thấu hiểu những mưu gian kế độc của cha và anh mình, nàng Ngà do Thùy Dung đảm trách đã khiến người xem phải khóc thương cho một kiếp hồng nhan.


Hay với Hồng Hà, lần đầu được vào vai chính trên sàn diễn của nhà hát, đạo diễn cũng rất tâm đắc khi giao vai cho một diễn viên đã xuất sắc khiến khán giả phải liên tục vỗ tay ngợi khen. Nghệ sĩ Hồng Hà thể hiện được tài năng của mình qua giọng ca vang, khỏe, khả năng diễn xuất cũng như kỹ thuật hình thể khi mang lốt cóc…


Vở diễn ra mắt trong những ngày Hà Nội mưa lớn nhưng rạp Hồng Hà không còn một chỗ trống và rất nhiều khán giả đã phải đứng xem suốt buổi. NSƯT Lê Chức cho rằng, cải lương hôm nay đã có một cách diễn mới, một biểu hiện nghệ thuật vươn tới đối tượng công chúng là trí thức qua những chủ đề được đưa tới.


Tuy nhiên, người xem vẫn trông đợi vào những điều hơn thế. Vẫn có nhiều chỗ chứng tỏ đạo diễn chưa thật tinh tế, diễn viên chưa thật sự làm chủ sàn diễn khi có những cảnh diễn viên hát trước khi diễn theo, vẫn còn đôi chỗ, không phải lời của nhân vật mà là câu chữ rất điệu đà của tác giả… Dù là mong mỏi có tính chất cầu toàn, nhưng khán giả vẫn kỳ vọng rằng sẽ có những đêm diễn được gọt giũa hơn để có thể ủng hộ hơn nữa cho câu chuyện cổ tích về tình yêu giàu chất thơ này.



Cao Ngọc