03:10 30/03/2012

Cổ tích là của ngày xưa

Chỉ biết rằng, từ bao đời nay, khi nghe kể, khi học về Tấm Cám người ta thấy toát lên một triết lý nhân sinh thật cao đẹp trong cuộc sống... Liệu Tấm Cám có còn hấp dẫn nữa hay không sau khi chúng ta thay đổi đoạn kết của nó?

Đã từ lâu lắm rồi, từ cái “ngày xửa ngày xưa”, mỗi đứa trẻ lớn lên đều được nghe bà, nghe mẹ, chị kể cho nghe những câu chuyện cổ tích. Đó là những câu chuyện lý thú mang đến cho tâm hồn những đứa trẻ những bài học đầu đời trong sáng nhất. Trong số đó, có câu chuyện Tấm Cám, một câu chuyện đã đi sâu vào tâm hồn, lối sống và kí ức của mỗi người dân Việt Nam.

Trong mỗi câu nói cửa miệng bằng những khúc đồng dao của con trẻ: “Cô Tấm ở hiền, thằng Lý Thông ở ác” từ lâu được lưu truyền. Và cứ như thế, Tấm Cám được con trẻ và ngay cả người lớn yêu thích bởi triết lý nhân sinh, sự công bằng trong lẽ sống và khát vọng hạnh phúc của dân gian gửi vào trong đó. Tấm Cám đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông như một tác phẩm văn học dân gian thực thụ.

Trong lộ trình thay sách giáo khoa đến năm 2015, có nhiều ý kiến đưa ra rằng cần phải thay đổi đoạn kết của Tấm Cám vì nếu để thì trẻ con sẽ thấy cô Tấm vốn được ca ngợi là hiền từ, nhân đức là thế mà lại có hành động ác như vậy. Từ đó làm cho dư luận rộ lên tranh luận về nên thay hay không thay, nếu thay đổi thì thế nào mà không thay thì thế nào. Có ý kiến lại cho rằng nên bỏ Tấm Cám ra khỏi sách giáo khoa… Là một giáo viên dạy văn ở trường THPT, khi biết tin sẽ có chủ trương thay đổi phần kết của Tấm Cám, tôi cũng có đôi điều suy tư. Không phải đến giờ các nhà viết sách mới có chủ trương này, mà thực chất, sau mỗi giờ kể chuyện ở bậc tiểu học hay giờ giảng văn ở lớp 10, các thầy cô giáo thường để cho học sinh đồng sáng tạo cùng với tác giả dân gian là thay đổi phần kết của Tấm Cám. Khi ấy, có nhiều cách viết khác nhau về đoạn kết của Tấm Cám song chung quy lại thì vẫn là mẹ con Cám vì ác độc nên bị chết, còn Tấm thì hiền lành nên được hạnh phúc. Có em cho là mẹ con Cám đi đường bị thiên lôi đánh chết, có em lại hình dung hai mẹ con Cám bị voi giày chết rồi bị chết đuối. Như vậy, trong cảm quan của các em thì mẹ con Cám vẫn bị đền tội chết. Nhưng đó chỉ là phần mở rộng hay một bài tập nhỏ sau mỗi bài học. Còn chuyện thay đổi hẳn phần kết trong SGK lại là việc cần phải bàn.

Thiết nghĩ, khi đọc, khi nghiên cứu và khi học tác phẩm văn học dân gian, mỗi người cần tiếp cận nó từ phương diện thể loại cùng đặc trưng cơ bản của nó cả về nội dung và hình thức. Vốn là những sáng tác tập thể của nhân dân lao động, lưu truyền theo phương thức truyền miệng, những câu chuyện cổ tích bao giờ cũng có tính dị bản của nó, nghĩa là sẽ có nhiều kết cấu chuyện tương tự. Tấm Cám cũng vậy. Nhưng khi đọc hàng loạt những dị bản của Tấm Cám thì các câu chuyện đều có kết thúc tương tự như Tấm Cám ở Việt Nam. Xét về nội dung, Tấm Cám thể hiện được khát vọng cũng như quan niệm triết lý của nhân dân lao động bình dân xưa là ở hiền gặp lành, ác giả ác báo, công bằng trong lẽ sống của những con người thấp cổ bé họng, khát khao một cuộc sống hạnh phúc…Vì vậy, đã từ lâu nay, Tấm Cám của chúng ta đã làm được điều đó và học trò của chúng ta cũng từ đó mà cảm nhận được những gì tác giả dân gian muốn gửi gắm vào đó.

Sau mỗi lần đọc, học Tấm Cám, học trò của chúng ta đã có những nhận thức hết sức phân minh rạch ròi về giá trị của câu chuyện này. Các em sẽ hiểu được triết lý sống của dân gian từ bao đời nay, kết cục của những kẻ gian ác rồi từ đó các em sẽ có được những cách sống, cách rèn luyện bản thân mình. Học trò của chúng ta không hề có quan niệm rằng cô Tấm vốn hiền lành là thế sao mà kết thúc lại gian ác thế rồi sao Tấm lại hành động như vậy… Học trò không hề có sự day dứt về đoạn kết của Tấm mà chỉ do người lớn quy chụp suy ra mà thôi.

Do vậy, thay sách giáo khoa cùng với đó là thay đoạn kết của Tấm Cám chính là chúng ta hiểu chưa thấu đáo vấn đề và đó là hình thức làm tổn hại đến đặc trưng, giá trị của Tấm Cám, là cách để chúng ta phủ nhận lại lịch sử từ bao đời nay, Tấm Cám đã nuôi dưỡng và làm lớn lên biết bao tâm hồn người Việt. Tấm Cám có từ bao giờ, không ai có thể biết, Tấm Cám có bao nhiêu dị bản cũng không ai có thể tính được. Chỉ biết rằng, từ bao đời nay, khi nghe kể, khi học về Tấm Cám người ta thấy toát lên một triết lý nhân sinh thật cao đẹp trong cuộc sống, thấy ở đó ý thức đấu tranh không khoan nhượng của nhân dân lao động để giành lại công bằng xã hội, giành hạnh phúc về cho mình. Liệu Tấm Cám có còn hấp dẫn nữa hay không sau khi chúng ta thay đổi đoạn kết của nó?

Hãy cứ để cho cô Tấm bước ra từ quả thị rồi đi vào tâm hồn trẻ thơ, đừng nên khoác lên Tấm Cám một cái áo choàng của cái nhìn hiện đại để rồi làm mất dần đi tính cổ tích, tính dân gian của tác phẩm này. Điều quan trọng là trong bài giảng văn về Tấm Cám, chúng ta dạy điều gì cho học trò, hướng các em nhận biết được điều gì mà người xưa gửi gắm trong đó để ứng với cuộc sống hôm nay. Đây là một hình thức tôn trọng quá khứ và cũng là sự đồng sáng tạo với tác giả dân gian. Xin đừng thay đổi Tấm Cám bởi cổ tích dù hôm nay hay mãi sau này vẫn thuộc về bản quyền của “ngày xửa, ngày xưa”.

Nguyễn Thế Lượng