10:23 22/10/2012

Có thể kiểm soát được bệnh hen

Bệnh hen có thể gây ra các biến chứng: xẹp phổi, nhiễm khuẩn phế quản, tràn khí màng phổi, suy hô hấp... thậm chí dẫn tới tử vong. Do đó, người bệnh cần chủ động đi khám, tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ nhằm kiểm soát tốt bệnh hen.

Bệnh hen có thể gây ra các biến chứng: xẹp phổi, nhiễm khuẩn phế quản, tràn khí màng phổi, suy hô hấp... thậm chí dẫn tới tử vong. Do đó, người bệnh cần chủ động đi khám, tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ nhằm kiểm soát tốt bệnh hen.

 

Nhiều người để mặc bệnh hành hạ


Theo TS. Nguyễn Viết Nhung, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương: Hiện nay, chỉ có khoảng 1% số bệnh nhân hen được kiểm soát. Điều đáng lưu ý là tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh hen không những không giảm mà có xu hướng gia tăng.


 

Hướng dẫn bệnh nhân hen tập thở cơ hoành kết hợp với tập dụng cụ tại Bệnh viện Phổi T.Ư (Bộ Y tế). Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

 

Trước đây từng có giai đoạn ngay ngành y cũng cho rằng bệnh hen không thể chữa được, tỷ lệ tử vong lúc đó rất cao. Nhưng từ sau năm 1993 thì quan niệm trong điều trị bệnh hen đã thay đổi, đó là bệnh hen không thể chữa khỏi nhưng có thể kiểm soát được. Nghĩa là, với sự hỗ trợ của ngành y tế thì người bệnh có thể sống hòa bình với bệnh hen, bệnh hen không thể “làm phiền” người bệnh và sẽ có rất ít người bị tử vong vì bệnh này.


“Từ nhiều năm nay tôi mắc các triệu chứng: thở khò khè, hay hắt hơi, nhiều khi phải ngủ ngồi thì mới thở được... Thậm chí, đã 3 lần tôi phải đi cấp cứu, suýt tắc thở nhưng tôi cũng không biết là mình mắc bệnh hen. Lần nào bị khó thở, tôi cũng vào viện thở khí dung, tiêm, uống thuốc... nhưng tình trạng này liên tục tái diễn. Mãi khi tới khám tại Bệnh viện Phổi TƯ và được tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ “Giữ cho lá phổi khỏe mạnh” thì tôi mới có được những kiến thức bổ ích, chủ động phòng tránh các yếu tố nguy cơ gây bệnh hen”, bác Trần Thị Phượng (Đống Đa - Hà Nội) chia sẻ.


Nhưng thực tế, số bệnh nhân hen có nhận thức đúng hoặc có cơ hội được cung cấp những thông tin hữu ích về phòng, chống bệnh hen như bác Phượng chưa nhiều. Hiện nay, do thiếu kinh phí nên các hình thức tuyên truyền giáo dục cho cộng đồng để nâng cao nhận thức về bệnh hen còn thiếu, chưa thật sinh động và chưa thích hợp với từng đối tượng. Vậy nên, nhiều bệnh nhân chưa hiểu thấu đáo về bệnh hen, thậm chí bi quan không quan tâm đến việc kiểm soát bệnh. Mặt khác, đội ngũ cán bộ y tế về hen còn hạn chế và cũng chưa thật chuyên sâu. Việc tăng cường đào tạo cán bộ y tế về hen là điều cần thiết nhằm nâng cao chất lượng kiểm soát hen trên phạm vi cả nước... Vì lẽ đó, nhiều bệnh nhân đang chọn cách “sống chung với lũ”, họ thường bị những cơn hen hành hạ mỗi khi tiếp xúc với yếu tố nguy cơ, nhất là những khi trái nắng trở trời. Nhiều người thậm chí phải đối diện với nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

 

Tự mình cứu mình


Theo các chuyên gia y tế, đối với bệnh hen, điều quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của người dân về cách phòng ngừa và thường xuyên phải kiểm soát bệnh.


“Nhờ tuân thủ đúng theo tư vấn của bác sĩ nên khoảng trên 3.000 người mắc hen và COPD (bệnh tắc phổi mạn tính) đang tham gia CLB Giữ cho lá phổi khỏe mạnh”, Bệnh viện Phổi TƯ, đã kiểm soát tốt căn bệnh của mình, trở thành “thầy thuốc của chính mình”. Những bệnh nhân này không phải nhập viện điều trị, chất lượng cuộc sống cho người bệnh được nâng cao, đồng thời góp phần tiết kiệm cả chục tỷ đồng chi phí điều trị: thuốc men, nằm viện...”, BS. Đào Bích Vân, Bệnh viện Phổi Trung ương khẳng định.


Kết quả “Nghiên cứu thực trạng hen phế quản ở Việt Nam năm 2010 - 2011” của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh hen tại Việt Nam là 3,9%.

Để tự kiểm soát tốt bệnh hen, trước tiên người bệnh cần tránh và hạn chế tiếp xúc với các yếu tố gây khởi phát cơn hen như: lông của các vật nuôi, gián, nấm mốc, phấn hoa, khói bụi, hóa chất và một số thuốc; khói thuốc, tránh dùng các thức ăn hoặc thuốc gây dị ứng; phòng tránh và điều trị triệt để các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp...


Song song với các giải pháp này, người bệnh cần sử dụng thuốc dự phòng hàng ngày đúng cách theo chỉ định của bác sĩ, tái khám đúng hẹn. Nên tham gia Câu lạc bộ người mắc bệnh hen, các chương trình quản lý bệnh nhân hen để được hướng dẫn, chăm sóc và nâng cao các kiến thức về hen.


“Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ cần đăng ký kiểm soát hen lâu dài cho bé tại một cơ sở chuyên khoa (ít nhất là 18 tháng). Trong thời gian này, dù con không bị lên cơn hen thì vẫn phải được khám theo chỉ định của bác sĩ, tránh tình trạng thấy con có vẻ đỡ thì không đưa con tới khám nữa. Bề ngoài trẻ không có triệu chứng gì nhưng bệnh hen vẫn tiềm ẩn trong cơ thể và có thể dễ dàng khởi phát bất cứ lúc nào”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo.


Phương Liên