09:11 25/09/2012

Cổ phiếu Facebook lao dốc, phố Wall ảm đạm

Phố Wall khởi đầu tuần mới (ngày 24/9) với sắc đỏ, do sự “lao dốc” mạnh của cổ phiếu Facebook và sự xuống giá của cổ phiếu Apple, bất chấp việc tập đoàn máy tính danh tiếng này vừa ra mắt thành công iPhone 5.

Phố Wall khởi đầu tuần mới (ngày 24/9) với sắc đỏ, do sự “lao dốc” mạnh của cổ phiếu Facebook và sự xuống giá của cổ phiếu Apple, bất chấp việc tập đoàn máy tính danh tiếng này vừa ra mắt thành công iPhone 5. 


Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 20,55 điểm, tương đương 0,15%, xuống còn 13.558,92 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ nhẹ 3,26 điểm (0,22%), đóng cửa ở mức 1.456,89 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite cũng mất 19,18 điểm (0,60%), xuống mức 3.160,78 điểm.

 


Phố Wall tiếp tục ảm đạm cùng đà “lao dốc” của cổ phiếu Facebook. Ảnh:Internet


 

Sự ảm đạm của thị trường chứng khoán Mỹ kéo dài từ tuần trước và tiếp tục lan sang đầu tuần này, khi giới đầu tư đang “đói” các thông tin kinh tế mới nhằm định hướng kinh doanh. Ngay cả chỉ số công nghệ Nasdaq cũng không thể duy trì đà tăng từ cuối tuần trước, khi quay đầu giảm vào ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần mới.


Trong phiên này, giá cổ phiếu của Facebook- mạng xã hội lớn nhất thế giới- đã có lúc giảm tới 11%, chạm mức 15 USD/cổ phiếu, trước khi phục hồi nhẹ lên mức 20,83 USD/cổ phiếu. Cùng lúc đó, giá cổ phiếu của tập đoàn Apple cũng tuột khỏi mức cao kỷ lục và giảm 1,3%, xuống 690,79 USD/cổ phiếu, dù cho hãng này vừa thông báo rằng đã “tẩu tán” được 5 triệu chiếc iPhone 5 chỉ trong 3 ngày lên kệ đầu tiên. 


Tuy nhiên, cũng nằm trong nhóm cổ phiếu của Nasdaq, “gã khổng lồ về công cụ tìm kiếm” Google lại leo lên mức cao kỷ lục 750 USD/cổ phiếu. 


Thêm vào đó, thị trường còn bị “nhấn chìm” bởi thông tin không mấy lạc quan từ Đức- nền kinh tế đầu tàu châu Âu. Ngày 24/9, Chính phủ Đức công bố báo cáo cho hay chỉ số niềm tin kinh doanh của nước này đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp trong tháng 9/2012, xuống còn 101,4 điểm. Chính phủ Đức dự báo năm nay tăng trưởng GDP chỉ đạt mức 0,7%. Điều này khiến nhiều chuyên gia đưa ra nhận định rằng, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang "chuyển hướng" về phía suy thoái.


Cũng trong phiên giao dịch ngày 24/9, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng đua nhau “đỏ sàn”, khi mối lo ngại về tình hình kinh tế Đức gia tăng, làm lu mờ sự hứng khởi mà giới đầu tư vừa có được từ các biện pháp kích thích kinh tế mới từ các ngân hàng trung ương lớn như Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED).


Kết thúc phiên, tại Luân Đôn, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,24% xuống 5.838,84 điểm. Tại Pari, chỉ số CAC 40 cũng hạ 0,94%, xuống 3.497,22 điểm, trong khi tại sàn giao dịch Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 cũng “tụt” 0,54%, xuống 7.413,16 điểm. Nối gót xu hướng giảm điểm này, tại sàn giao dịch chứng khoán Mađrít của Tây Ban Nha và Milan của Italia, hai chỉ số IBEX 35 và FTSE Mib cũng lần lượt mất 1,12% và 0,78%, chốt ở mức 8.138,40 điểm và 15.867 điểm. 


Sang tới phiên giao dịch ngày 25/9 tại thị trường châu Á, xu hướng giảm điểm cũng diễn ra tại hầu hết các sàn giao dịch chứng khoán, bất chấp các thông tin tích cực vừa liên tiếp đổ về trấn an giới đầu tư vào tuần trước như gói nới lỏng định lượng mới (QE3) của FED, quyết định mở rộng chương trình thu mua tài sản của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).


Mở cửa phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản hạ 23,13 điểm (0,26%), xuống còn 9.046,16 điểm. Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai của Thượng Hải cũng giảm 5,37 điểm, xuống 2.027,82 điểm.


Tuy nhiên tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng gần như không biến động đáng kể so với phiên trước đó, khi chỉ tăng nhẹ 15,03 điểm (0,07%), lên 20.709,73 điểm. 



Minh Trang (Theo AFP)