11:06 14/11/2014

Cổ phần hóa gặp nhiều thách thức - Bài 2

Để đẩy nhanh việc thoái vốn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 15 (về một số giải pháp để thúc đẩy, đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, thúc đẩy CPH, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước) và được thể hiện bằng Quyết định 51 với hàng loạt giải pháp mang tính đột phá.

Để đẩy nhanh việc thoái vốn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 15 (về một số giải pháp để thúc đẩy, đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, thúc đẩy CPH, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước) và được thể hiện bằng Quyết định 51 với hàng loạt giải pháp mang tính đột phá. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn có những vướng mắc cần phải có hướng dẫn thêm.

Một trong những biện pháp quan trọng để thực hiện CPH là thoái vốn đầu tư ngoài ngành trong những lĩnh vực “nhạy cảm”. Theo thông tin tại hội nghị phổ biến một số chính sách mới về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán tổ chức mới đây tại Hà Nội, Bộ Tài chính cho biết tính đến cuối năm 2013, tổng giá trị đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty vào lĩnh vực “nhạy cảm” là 21.417 tỉ đồng; trong đó riêng lĩnh vực tài chính, ngân hàng lên đến 15.242 tỉ đồng. Năm 2014, các DN này phải thoái vốn 3.568 tỉ đồng (lĩnh vực tài chính, ngân hàng chiếm 2.863 tỉ đồng). Giá trị còn phải thoái vốn trong năm 2015 theo kế hoạch là 16.367 tỉ đồng.

EVN gặp nhiều khó khăn khi thoái vốn đầu tư ngoài ngành khỏi Ngân hàng An Bình. Ảnh: Ngọc Linh


Tuy nhiên, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành trên thực tế diễn ra rất chậm so với mục tiêu kế hoạch. Tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu năm 2014 vừa qua, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho biết: Tính đến hết tháng 7/2014, đã thoái vốn được 7.139 tỉ đồng, mới bằng 28,8% tổng vốn đầu tư cần phải thoái. Việc thoái vốn còn đặt ra dấu hỏi về tính thực chất của nó khi đa số phần vốn được chuyển giao trong nội bộ khu vực nhà nước và DN nhà nước”, ông Cung nhìn nhận.

Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa VINALINES Ngày 13/11, phát biểu tại lễ ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VINALINES) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhận định, sự hợp tác giữa VINALINES và HNX được xem là có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình cổ phần hóa của Bộ Giao thông Vận tải. Thông qua cổ phần hóa, VINALINES sẽ thu hút nguồn vốn, tái cấu trúc lại doanh nghiệp, nâng cao chất lượng trong hoạt động, và từ đó tham gia tích cực hơn nữa vào hoạt động của thị trường chứng khoán.

Liên quan đến việc thực hiện cổ phần hóa, theo ông Vũ Bằng, Quyết định 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp Nhà nước (có hiệu lực từ 1/11 tới) đã có nhiều đột phá mang tính cải cách trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tài chính, thời gian qua, các đơn vị của UBCKNN đã phối hợp với cơ quan quản lý tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai cụ thể Quyết định trên.

PV

Theo ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), việc thoái vốn nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng vào đầu mối là Ngân hàng Nhà nước nên cơ hội để SCIC tham gia mua lại các khoản đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực này là rất hạn chế. Do đó, phần vốn khi đến được với SCIC đa phần là những khoản đầu tư có hiệu quả kinh doanh thấp và không thực sự hấp dẫn đối với thị trường. Do đó, đại diện SCIC kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc chấp thuận cho SCIC tham gia mua lại vốn đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty tại các ngân hàng thương mại "chứ không phải chờ Ngân hàng Nhà nước không tiếp nhận quyền sở hữu vốn, các ngân hàng thương mại nhà nước từ chối mua mới đến lượt SCIC".

Đánh giá cao Quyết định 51 đã tạo ra bước đột phá cho việc thoái vốn (như cho phép bán cổ phần dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách vốn là điểm nghẽn hiện nay...) nhưng ông Vũ Đức Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, cho rằng, vẫn còn nhiều điểm Quyết định 51 chưa đề cập đến hoặc cần làm rõ thêm. Chẳng hạn, theo Quyết định 51 các công ty mà Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, từ 51% trở lên vận dụng Quyết định 51 để thoái các khoản đầu tư. Như vậy, các DN này có được thoái dưới mệnh giá, có lỗ lũy kế... và việc thoái vốn dưới mệnh giá, giá trị sổ sách phải đảm bảo nguyên tắc DN trích lập đủ dự phòng các khoản đầu tư theo quy định hiện hành.

Tuy nhiên, trên thực tế, các khoản đầu tư tài chính dài hạn thì việc trích lập dự phòng phải theo phương pháp vốn chủ sở hữu, không được trích lập dự phòng theo giá thị trường. Do đó, đối với một số công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch, giá trị sổ sách của DN sau khi đã trừ đi dự phòng tổn thất đầu tư tài chính vẫn còn cao hơn giá chứng khoán trên thị trường thì DN có được chào bán giá chứng khoán theo giao dịch ngày chuyển nhượng hay không? Hay điểm vướng nữa là quy định giảm 10% giá trong trường hợp không bán hết số cổ phần chào bán là thấp. "Và trong nhiều trường hợp chúng tôi gặp thì việc giảm một lần 10% không giải quyết vấn đề gì cả, vẫn bị tắc nghẽn", ông Tiến nói.

Theo ông Phạm Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Dầu khí, việc quy định doanh nghiệp không phải 100% vốn nhà nước có thể vận dụng Quyết định 51 để thoái vốn. Tuy nhiên, việc dùng chữ "vận dụng ở đây là rất khó" cho đơn vị tư vấn hay doanh nghiệp nhà nước bởi "nếu vận dụng đúng thì không sao nhưng khi sai thì lại chết và đó cũng là điều chúng tôi rất sợ”. "Hay như công ty lỗ năm gần nhất hay lỗ lũy kế thì không được đấu giá ra ngoài công chúng; báo cáo tài chính gần nhất có nội dung ngoại trừ hoặc công ty kiểm toán không nằm trong danh mục của UBCKNN; công ty đang tạm ngừng hoạt động... thì sẽ phải xử lý ra sao việc bán vốn đó?", ông Huy băn khoăn.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, để thúc đẩy thoái vốn đầu tư ngoài ngành, DNNN cần lên kế hoạch rõ ràng, chi tiết về lộ trình thoái vốn. Bộ Tài chính hoặc cơ quan chịu trách nhiệm giám sát, tổng hợp về tiến độ thoái vốn, nên lập một website công khai kế hoạch thoái vốn tại các DNNN. Đây sẽ là cơ sở để người dân, giới đầu tư theo dõi và giám sát, cũng như chủ động lên kế hoạch tham gia mua lại các khoản vốn.

Thu Hường


Bài cuối: Tăng chất lượng quản trị doanh nghiệp