11:09 22/11/2010

Có phần do chính sách chưa phù hợp

Na Rì là huyện có nhiều rừng gỗ quí hiếm của tỉnh Bắc Kạn. Đặc biệt ở Na Rì có Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ là khu bảo tồn quốc gia. Các xã của huyện đều có rừng núi đá, rừng phòng hộ, là những rừng có nhiều gỗ quý hiếm cần được bảo vệ.

Na Rì là huyện có nhiều rừng gỗ quí hiếm của tỉnh Bắc Kạn. Đặc biệt ở Na Rì có Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ là khu bảo tồn quốc gia. Các xã của huyện đều có rừng núi đá, rừng phòng hộ, là những rừng có nhiều gỗ quý hiếm cần được bảo vệ. Tuy nhiên, việc giữ rừng ở huyện này vẫn luôn trong tình trạng báo động.

Vấn nạn "lâm tặc"


Những cây gỗ cổ thụ mới bị triệt hạ, dấu vết còn mới tinh ở rừng Liêm Thủy.
Ảnh: Nguyễn Trình

Ngày 12/11, Công an Kinh tế Bắc Kạn đã bắt được một xe chở gỗ lậu, qua điều tra phát hiện số gỗ này được khai thác từ rừng xã Liêm Thủy (Na Rì). Lợi dụng việc cấp phép tận thu gỗ, "đầu nậu" đã khai thác thêm gỗ cổ thụ trong khu rừng này để vận chuyển theo giấy phép được cấp.

Hỏi Chủ tịch UBND xã Liêm Thủy, ông Nguyễn Duy Kim, đồng thời là Trưởng Ban kiểm lâm xã, về những loại gỗ quí trong rừng Liêm Thủy, ông nói ngay: Hết rồi, còn đâu nữa. Trai, đinh, lát... gần như không còn, nghiến thì những cây to đã hết từ vài năm trước, còn lại những cây nhỏ hiện cũng vẫn đang bị "lâm tặc" từ Lạng Sơn, Thái Nguyên và cả dân địa phương "săn", chắc chẳng bao lâu nữa cũng hết.


Liêm Thủy có diện tích rừng vào diện lớn nhất của huyện Na Rì, với trên 4.000 ha, gồm rừng núi đá, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Rừng núi đá và phòng hộ ở đây có nhiều loại gỗ quý hiếm như nghiến, đinh, thông đỏ...

Do lực lượng kiểm lâm mỏng, việc quản lý và bảo vệ rừng là cực kỳ khó khăn. Liêm Thủy có gần 20 km đường giáp ranh với hai tỉnh Lạng Sơn và Thái Nguyên là những cánh rừng già, rừng núi đá với nhiều loại gỗ quý nên việc quản lý gần như "bất khả thi".

Trước đây, dân địa phương rất có ý thức bảo vệ rừng, nhưng khi thấy "lâm tặc" khai thác gỗ trên chính cánh rừng của mình, thu cực kỳ nhiều tiền mà công tác ngăn chặn của các cơ quan chức năng không hiệu quả, nên dần dần, chính dân sở tại cũng tham gia vào đội quân lâm tặc. Các nhóm "lâm tặc" tổ chức theo nhóm và chọn những cây gỗ cổ thụ để triệt hạ, chúng dùng cưa máy xẻ tại chỗ và giấu gỗ trong rừng chờ cơ hội sẽ vận chuyển đi tiêu thụ.

Theo anh Hà Quang Thuấn, Phó Ban lâm nghiệp xã Liêm Thủy: Từ giữa tháng 10, khi người dân thu hoạch xong, lại là mùa khô nên đã gia tăng tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Tại các khu vực rừng phòng hộ như Lũng Mòn, Lũng Tạc, Nà Bó phát hiện nhiều cây rừng bị chặt hạ, nhiều hộp gỗ xẻ trái phép được giấu ở trong rừng. Cách đây ít ngày, khi đi kiểm tra, kiểm lâm đã phát hiện hơn 20 cây gỗ cổ thụ bị chặt hạ trong rừng Lũng Mòn, Lũng Tạc.


Các chính sách chưa phù hợp


Ông Nông Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Na Rì cho biết: Ngoài Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, nơi đã được Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) thành lập cả một đơn vị hành chính có đủ cả Ban quản lý, cả kiểm lâm riêng để bảo vệ, các xã khác trong huyện chỉ có 2 nhân viên kiểm lâm, một trưởng ban kiểm lâm (thường do Chủ tịch xã kiêm nhiệm) và một phó ban được hưởng chế độ phụ cấp thuộc ngân sách nhà nước. Ngoài ra, các thôn trong xã đều có một kiểm lâm viên, mỗi tháng được hưởng phụ cấp 80.000 đồng. 80.000 đồng là một khoản phụ cấp quá ít cho một người được giao giữ cả một khu rừng hàng trăm hécta là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Ông Kỳ khẳng định: Nếu muốn giữ được rừng, nhất thiết phải giao rừng cho dân. Thực tế ở Liêm Thủy cho thấy, những cánh rừng giao cho dân quản lý thì gần như không có "lâm tặc" nào thâm nhập được và tất nhiên rừng gần như nguyên vẹn. Những cánh rừng chưa giao hoặc không được phép giao cho dân theo quy định hiện hành của Bộ NN&PTNT thì không quản nổi, "lâm tặc" từ tỉnh ngoài vào và đặc biệt "lâm tặc" lại chính là người dân thì khó mà kiểm soát được.


Theo ông Kỳ, huyện Na Rì đã có nhiều văn bản đề nghị lên tỉnh và lên Bộ NN&PTNT để có chính sách giao rừng cho người dân địa phương, gắn quyền lợi và trách nhiệm của người dân vào việc giữ rừng thì mới đảm bảo giữ rừng bền vững.


Phải giao đất, giao rừng cho người dân, khi người dân được hưởng lợi từ rừng và từ chính sách đúng đắn của Nhà nước, họ sẽ làm tốt việc bảo vệ rừng. Nếu chính sách chậm thêm ít nữa thì cả những cây nghiến nhỏ còn sót lại trên núi đá Liêm Thủy cũng chẳng còn.


Từ cuối năm 2009, "lâm tặc" tàn phá rừng tại Na Rì, trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ lên đến đỉnh điểm, tỉnh Bắc Kạn cũng như Bộ NN&PTNT đã tổ chức nhiều đợt truy quét, lập nhiều tổ chốt chặn, kiểm tra xử lý kiên quyết các đối tượng phá rừng đã có tác dụng răn đe và nạn phá rừng, vận chuyển gỗ lậu trên địa bàn đã lắng xuống. Mặc dù vậy, đó cũng chỉ là những giải pháp tình thế, xử lý "phần ngọn"...

Để bảo vệ rừng hiệu quả cần phải có giải pháp giúp nâng cao đời sống cho người dân, tạo cho người dân thói quen sử dụng các sản phẩm thay thế các sản phẩm truyền thống từ rừng và đặc biệt là phải tin dân, dựa vào dân vì chính người dân vùng cao, những người đã nhiều đời sống nhờ rừng, dựa vào rừng, họ rất hiểu giá trị của rừng. Chỉ có dân mới tạo sự phát triển bền vững cả về mặt sinh thái môi trường cũng như về kinh tế của rừng.

Nguyễn Trình