01:17 13/01/2011

Cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận với “Việt Nam quê hương tôi”

Có lẽ trong số những bản tình ca bất hủ về quê hương đất nước thì “Việt Nam quê hương tôi” là một trong những giai điệu hay nhất và là một trong nhưng cảm xúc sâu lắng nhất.

Có lẽ trong số những bản tình ca bất hủ về quê hương đất nước thì “Việt Nam quê hương tôi” là một trong những giai điệu hay nhất và là một trong nhưng cảm xúc sâu lắng nhất.


Với một gia tài âm nhạc đồ sộ, cố nhạc sỹ Đỗ Nhuận đã để lại cho nền âm nhạc Việt Nam không chỉ một “Việt Nam quê hương tôi” mà hơn vả là một cái tên đủ làm rung động trái tim người yêu nhạc nhiều thế hệ. 


Nhạc sĩ Đỗ Nhuận-Ảnh internet


Chương trình Con Đường Âm Nhạc tháng 1/2011 do Eurowindow và Melinh PLAZA phối hợp với Ban văn nghệ Đài TH Việt Nam tổ chức sẽ giới thiệu đến quý khán giả cả nước cuộc đời và sự nghiệp của cố nhạc sỹ Đỗ Nhuận.


Chương trình có sự tham gia của các nghệ sỹ: NSND Trần Hiếu, NSND Quang Thọ, NSƯT Việt Hoàn, NSUT Hồng Kỳ, Thanh Thúy, Đăng Dương, Trọng Tấn, Anh Thơ, Quốc Hưng, Lan Anh, Phương Nga, Hồng Vi, Thành Lê, Thu Lan

Nhạc sỹ của quê hương

Nhạc sỹ Đỗ Nhuận sinh năm 1922 ở vùng đất của chèo cổ và lớn lên bằng những đêm chiếu chèo rộn rã. Ngay từ năm 14 tuổi ông đã học âm nhạc dân tộc và biết chơi Sáo Trúc, Tiêu, Đàn Nguyệt, Đàn Tứ, Đàn Bầu. Những năm đi học ở Hải Phòng, ông sinh hoạt trong Hướng đạo sinh, trong các buổi sinh hoạt thường hát những bài hát Pháp và châu Âu.


Tiếp đó không khí âm nhạc cải cách bắt đầu ảnh hưởng đến Đỗ Nhuận, ông học đàn Ghi ta, Bănggiô, Viôlông và ký âm pháp. Về ảnh hưởng và tiếp thu âm nhạc châu Âu và Pháp, riêng đối với các nhạc sĩ có tinh thần yêu nước, không thể không kể đến những ca khúc cách mạng của Pháp như Macxâye và Quốc tế ca.



Khác với phần đông các nhạc sĩ có khuynh hướng lãng mạn, Đỗ Nhuận giống Lưu Hữu Phước ở cảm hứng về quê hương đất nước. Năm 1939, ông viết ca khúc đầu tiên khi mới ở tuổi 17: Trưng Vương, nhằm ngày kỷ niệm Hai Bà Trưng ở Hải Dương.


Trong những năm 1940-1941, Đỗ Nhuận dồn sức hoàn thành ca cảnh Nguyễn Trãi - Phi Khanh (gồm 3 ca khúc Chim than, Lời cha già, Đường lên ải Bắc).


Chính những ca khúc này và một số hoạt động yêu nước trong thời gian ở Hải Phòng và một số nơi khác Đỗ Nhuận đã bị thực dân Pháp bắt đi đày ở Sơn La năm 1943.


Tuy nhiên, sự cầm tù ấy càng làm Đỗ Nhuận gắn bó với cách mạng hơn. Chỉ một năm trong tù một loạt ca khúc đã ra đời: Chiều tù, Côn Đảo, Hận Sơn La, Tiếng gọi tù nhân (lời Đào Duy Từ), Viếng mồ tử sĩ.


Ra tù, cảm hứng về rừng núi, về chiến khu và cách mạng đã giúp Đỗ Nhuận hoàn thành các ca khúc hừng hực khí thế tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám: Du kích ca (1944), Nhớ chiến khu (1945).


Sau cách mạng tháng Tám, thực dân Pháp gây hấn ở Nam Kỳ, Đỗ Nhuận có ngay ca khúc Tiếng súng Nam bộ, Tiếng hát đầu quân và Đoàn lữ nhạc.

Trong kháng chiến chống Pháp, Đỗ Nhuận đã viết nhiều tác phẩm gây ấn tượng mạnh mẽ, thúc giục cả dân tộc vững bước trong cuộc kháng chiến trường kỳ.


Bên cạnh Áo mùa đông đằm thắm trữ tình là Ca ngợi Hồ Chủ tịch (1951) trang trọng; bên cạnh Sóng cả không ngã tay chèo chân chất mộc mạc là Du kích sông Thao (1949) cuồn cuộn hoành tráng.


Đặc biệt là bộ sử thi âm thanh về trận Điện Biên Phủ lịch sử: Hành quân xa (1953), Trên đồi Him Lam (1954), Chiến thắng Điện Biên (1954).


Học trò xuất sắc của âm nhạc thế giới


Đỗ Nhuận là nhạc sĩ duy nhất trong thế hệ đầu của tân nhạc được đào tạo bài bản tại Nhạc viện Tchaikovsky.Và ông cũng chính một trong những người đặt nền móng cho thể loại nhạc kịch theo truyền thống của opera phương Tây.


Những thể nghiệm đầu tiên của ông xuất hiện từ những nǎm 1950 là các ca kịch ngắn: Cả nhà thi đua, Sóng cả không ngã tay chèo, Anh Pǎn về bản, Hòn đá. Những năm 1970, 1980, Đỗ Nhuận viết các vở nhạc kịch: Chú Tễu, Ai đẹp hơn ai, Trước giờ cưới, Quả dưa đỏ...

Ông là nhạc sĩ Việt Nam đầu viết opera với vở Cô Sao (1965), rồi sau đó là Người tạc tượng (1971). Ngoài ra, ông còn có những tác phẩm khí nhạc như Vũ khúc Tây Nguyên cho violondàn nhạc...


Nhưng tên tuổi ông vẫn gắn bó với những ca khúc như Việt Nam quê hương tôi, Tôi thích thể thao (một bài hát vui, bắt đầu bằng toàn chữ T), Em là thợ quét vôi, Đường bốn mùa xuân...


Đặc biệt là ca khúc "Chiến thắng Điện Biên" được coi là hiện tượng độc nhất vô nhị trong làng nhạc Việt Nam, khi là ca khúc vừa có sức trường tồn, vừa được phổ rộng: chỉ sau khi ra đời vài tiếng, bài hát đã được biểu diễn tại lễ mừng chiến thắng Điện Biên và hơn nửa thế kỷ qua, bản nhạc này vẫn vang mãi âm hưởng hào hùng của một trận thắng lừng lẫy khắp địa cầu.


Tác phẩm của ông trong những năm 60,70 Thế kỷ 20: Em là thợ quét vôi, Tôi thích thể thao, Việt Nam quê hương tôi, Đường bốn mùa xuân, Người chiến thắng là anh (viết cùng thầy Phêrê-V.Fére), Giặc đến nhà ta đánh, Vui mở đường, Trống hội tòng quân, Trai anh hùng gái đảm đang, Hát mừng các cụ dân quân, Trông cây lại nhớ đến người (cải biên hò ví dặm), Bài ca cách mạng tiến quân...


Âm nhạc của Đỗ Nhuận giàu bản sắc dân tộc, phong phú về chất liệu, ngôn ngữ biểu hiện giản dị, mộc mạc trữ tình, đằm thắm, hóm hỉnh. Nhạc sĩ đã được nhận nhiều huân chương cao quý, đặc biệt là Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996.


Chương trình Con đường âm nhạc tháng 11 diễn ra vào 20h ngày 16/1/2011 tại Cung VHHN Việt Xô với vớinhững nhạc phẩm đã quen thuộc với khán giả yêu nhạc như:Áo mùa đông, Nhớ chiến khu, Du kích ca, trên đồi Him Lam, Hành quân xa, Chiến thắng Điện Biên, Ngợi ca Hồ Chủ Tịch, Trông Cây lại nhớ đến Người, Du kích Sông Thao, Việt Nam quê hương tôi.


Thu Phương