08:08 08/08/2014

Cơ hội từ làn sóng M&A thứ hai

Theo dự báo của Bộ Công Thương, sẽ có làn sóng M&A (mua bán và sáp nhập) thứ 2 vào Việt Nam. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc khá lớn vào hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) lớn, bởi riêng nhóm này có thể mang gần 5 tỷ USD trong tổng giá trị 20 tỷ USD thương vụ M&A giai đoạn 2014 -2018.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, sẽ có làn sóng M&A (mua bán và sáp nhập) thứ 2 vào Việt Nam. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc khá lớn vào hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) lớn, bởi riêng nhóm này có thể mang gần 5 tỷ USD trong tổng giá trị 20 tỷ USD thương vụ M&A giai đoạn 2014 -2018.


Làn sóng M&A 20 tỷ USD


Theo Financial Times, giá trị của các thương vụ M&A trên toàn thế giới trong 6 tháng đầu năm 2014 tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái, chạm mốc 1.750 tỷ USD. Đây là con số cao nhất kể từ năm 2007 đến nay. Tại Việt Nam, giá trị các thương vụ M&A cũng tăng từ 1 tỷ USD năm 2008 lên 5 tỷ USD năm 2013. Điều này cho thấy, M&A đang trở thành một hình thức đầu tư, một kênh tham gia thị trường ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong 5 năm tới, sự phục hồi của nền kinh tế, chương trình cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, sự trỗi dậy của các công ty tư nhân, sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại đang tạo nên một làn sóng M&A thứ hai, với tổng giá trị ước tính lên tới 20 tỷ USD. Trong đó, quá trình tái cơ cấu kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng là một trong những yếu tố góp phần nâng cao giá trị các thương vụ này.


“Nguồn hàng” được cả thị trường M&A trong và ngoài nước mong chờ đến từ việc cổ phần hóa và bán thêm phần vốn nhà nước của hàng loạt “đại gia” là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, như: Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Thông tin di dộng VMS (MobiFone), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty gas Việt Nam (PV Gas), Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), NH TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV)… Ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty AVM Việt Nam, cho rằng nếu làn sóng M&A ước đạt 20 tỷ USD, thì chỉ riêng những “đại gia” này đã mang lại cho nhà nước ngót 5 tỷ USD.


Kỳ vọng những cuộc “se duyên” DNNN


Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết, do còn mới mẻ nên hoạt động M&A gặp không ít rào cản cả về môi trường pháp lý cũng như thông tin và kinh nghiệm thực tiễn. Bên cạnh đó, Việt Nam còn bị tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Tuy nhiên, để vượt qua những thách thức đó, Việt Nam đã tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.


Nhờ vậy, trong 6 tháng đầu năm nay, kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,18% so với mức tăng 4,9% của 6 tháng đầu năm 2013; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 1,38%; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 140 tỷ USD, tăng 13,1%, tương ứng tăng gần 16,35 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2013.


Đáng chú ý, dòng vốn nước ngoài tiếp tục chảy vào Việt Nam theo hình thức đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Đến nay, FDI chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp khoảng 19% GDP, 67% kim ngạch xuất khẩu, trên 14% tổng thu ngân sách của cả nước. Về đầu tư gián tiếp, hiện có trên 17.000 tài khoản của các nhà đầu tư nước ngoài được mở tại Việt Nam. Nhiều quỹ đầu tư, nhà đầu tư lớn trên thế giới đã đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam và mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam.


Tại diễn đàn, ông Jonh Ditty, Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia, nhận định: Những con số trên cho thấy, Việt Nam đang tăng trưởng kinh tế vững chắc bất chấp những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Dù vậy, tổng giá trị và số lượng các giao dịch M&A có dấu hiệu suy giảm từ năm 2013 và năm 2014 cũng sẽ là một năm ảm đạm. Tuy nhiên, sang năm 2015, dự kiến xu hướng M&A sẽ tăng trở lại.


Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành, kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư của VinaCapital, cho biết: “VinaCapital mong muốn đầu tư vào các DN cổ phần hóa chất lượng tốt, cung cấp đầy đủ thông tin và có mức giá chào hợp lý. Tuy nhiên, VinaCapital vẫn chưa có thể nói trước được điều gì và vẫn còn đang đánh giá cơ hội đầu tư. Về lâu dài, VinaCapital sẽ tập trung vào những doanh nghiệp tốt, thuộc những ngành nghề cốt lõi và tiềm năng”.


Ông Masakata “Sam” Yoshida, Giám đốc điều hành Recof, cũng nhận định, hầu hết DNNN nắm giữ những ngành quan trọng và chiếm thị phần lớn trên thị trường nội địa Việt Nam. Vì vậy, việc cổ phần hóa DNNN sẽ là cơ hội cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài bước sâu và thị trường Việt Nam. Các DN Nhật Bản đang quan tâm đến các thương vụ M&A từ các DNNN trên.


Bài và ảnh: Hải Yên