07:05 07/07/2011

Cơ hội nào cho người Cộng hòa?

Ngày 4/4 vừa qua, Tổng thống Barack Obama đã chính thức tuyên bố tái tranh cử nhiệm kỳ 2 trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012.

Ngày 4/4 vừa qua, Tổng thống Barack Obama đã chính thức tuyên bố tái tranh cử nhiệm kỳ 2 trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012. Dù không phải là ứng cử viên duy nhất của đảng Dân chủ, song ông Obama dường như đã nắm chắc chiếc vé ứng cử viên này, bởi theo thông lệ, đương kim tổng thống khi tái tranh cử đều giành chiến thắng trong cuộc đua nội bộ đảng. Tờ The Economist (Nhà Kinh tế) của Anh cho rằng, vấn đề quan trọng là Tổng thống Obama có thể giành chiến thắng trước ứng cử viên đảng Cộng hòa hay không. Hiện ông Obama được đánh giá là có nhiều ưu thế để tái đắc cử, nhưng nếu sự phục hồi kinh tế chậm chạp tiếp tục kéo dài tới năm 2012 thì chưa ai có thể nói trước được điều gì.

Ảnh: AFP-TTXVN

Tỷ lệ ủng hộ ông Obama hiện ở quanh ngưỡng 50%, tức là cao hơn tỷ lệ ủng hộ ông Bill Clinton ở giai đoạn trước cuộc bầu cử tổng thống năm 1996 – cuộc đua mà ông Clinton đã giành chiến thắng áp đảo trước ứng cử viên đảng Cộng hòa Bob Dole và trở thành ông chủ của Nhà Trắng.

Nhưng trong khi thắng lợi này của ông Clinton khích lệ ông Obama, thì trải nghiệm của người tiền nhiệm của ông Clinton lại khiến đương kim Tổng thống lo lắng. Tháng 11/1992, Tổng thống George H. W. Bush đã phải ngậm ngùi chấp nhận thất bại trước ông Clinton mà lý do chính là sự tăng trưởng chậm chạp của nền kinh tế Mỹ. Trong khi đó, sự hồi phục kinh tế hiện nay (sau cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1930) thậm chí còn chậm chạp hơn. Tăng trưởng GDP quý I/2011 chỉ đạt mức khiêm tốn 1,8%. Tỷ lệ thất nghiệp thực tế đã tăng tới 9,1% trong tháng 5. Số người dân Mỹ cho rằng đất nước đang đi sai hướng nhiều gấp 2 lần số có ý kiến ngược lại. Những nơi người dân không hài lòng với chính phủ nhất lại chính là những bang có tính chất quyết định trong cuộc bầu cử năm 2012 như Florida, Michigan và Ohio.

Người dân đổ lỗi cho Tổng thống Obama về sự phục hồi kinh tế chậm chạp. Ông Obama có thể lập luận rằng, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nếu không có các quyết sách của ông như gói kích thích kinh tế 800 tỷ USD hay "quốc hữu hóa" các tập đoàn GM và Chrysler. Lập luận của ông có thể đúng nhưng không dễ dàng thuyết phục được cử tri. Còn có những lời hứa khác với cử tri mà ông chưa thực hiện được như vấn đề môi trường, nhập cư hay nhà tù Guantánamo. Nhưng trên tất cả là tại sao tổng thống chưa có một kế hoạch khả thi để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách, hiện đã gần 10% GDP.

Về phía đảng Cộng hòa, hiện có hơn 10 ứng cử viên đang cùng nuôi giấc mộng được đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa, dự kiến diễn ra tháng 8/2012, chọn làm người đại diện cho đảng này trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng cùng năm. Trong số đó, một số ứng cử viên hàng đầu có không ít hy vọng như Jon Huntsman, Tim Pawlenty và Mitt Romney. Họ đều là những thống đốc xuất sắc và dày dạn kinh nghiệm quản lý so với ông Obama vào thời điểm năm 2008, khi ông ra tranh cử lần đầu. Tuy nhiên, tài năng của ứng viên không quan trọng bằng chính sách tranh cử họ đưa ra. Một ứng cử viên Cộng hòa vượt trội phải tìm ra câu trả lời cho 2 vấn đề lớn mà nền kinh tế Mỹ đang đối mặt: Làm thế nào để tạo thêm nhiều việc làm cho người dân và giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách.

Trong vấn đề tạo việc làm, điểm yếu của người Cộng hòa là không có sự sáng tạo. Họ chỉ tập trung vào cắt giảm thuế và giảm tệ quan liêu mà không nghĩ tới một cú hích mới để tăng cường tự do thương mại, giải pháp cải tổ chương trình bảo hiểm thất nghiệp đã quá lỗi thời, chương trình đào tạo nghề có sự tham gia của các doanh nghiệp hay một kế hoạch cải cách nhập cư.

Trong giảm thâm hụt ngân sách, “khu vực dễ bị tổn thương nhất” của Tổng thống Obama, khi ông đang cố thuyết phục người dân Mỹ rằng vấn đề này có thể được giải quyết bằng biện pháp đánh thuế cao với người giàu, đặt trọng tâm vào việc cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách hiện nay là quá lớn nên không thể chỉ trông chờ vào giải pháp cắt giảm chi tiêu. Ứng cử viên Cộng hòa cần đưa ra một kế hoạch toàn diện, bao gồm cả những biện pháp như “vá” các lỗ hổng trong hệ thống thuế để ngăn chặn thất thu thuế, từ đó tăng nguồn thu... Nhưng dường như không ứng cử viên Cộng hòa nào hiểu được sự khác biệt giữa chi tiêu tích cực và tiêu cực. Ví dụ, đầu tư xây dựng đường xá, giáo dục không nên đánh đồng với các chương trình tốn kém như An sinh xã hội hay Chương trình Y tế (Medicare). Quốc phòng cũng không phải là nơi bất khả xâm phạm.

Nhìn tổng thể, tại thời điểm này, Tổng thống Obama đang có ưu thế lớn cho việc tái cử nhiệm kỳ 2 khi chưa xuất hiện tài năng nổi trội từ phe Cộng hòa. Tuy nhiên, thời điểm quyết định cho việc tái cử lại rơi vào năm 2012 và khi đó, nếu kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi chậm chạp, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng, không loại trừ khả năng ông Obama phải nhường ghế cho người Cộng hòa.

Quang Tuyến