04:09 10/04/2012

Cơ hội làm tan băng quan hệ Ấn Độ - Pakixtan

Chuyến công du mang tính chất cá nhân của Tổng thống Pakixtan Asif Ali Zardari tới Ấn Độ hôm 8/4 là cơ hội để lãnh đạo hai nước lưu tâm đến những tiến triển mới nhất trong tiến trình hòa bình được nối lại hồi năm 2011, sau 2 năm quan hệ đóng băng...

Chuyến công du mang tính chất cá nhân của Tổng thống Pakixtan Asif Ali Zardari tới Ấn Độ hôm 8/4 là cơ hội để lãnh đạo hai nước lưu tâm đến những tiến triển mới nhất trong tiến trình hòa bình được nối lại hồi năm 2011, sau 2 năm quan hệ đóng băng do vụ tấn công kinh hoàng nhằm vào trung tâm tài chính Mumbai (Ấn Độ) năm 2008 làm 166 người thiệt mạng.

Lãnh đạo hai nước chỉ tập trung thảo luận vắn tắt các bước tiến trong quan hệ song phương, dù cuộc gặp diễn ra ngay sau khi Niu Đêli và Ixlamabát đạt được những đột phá quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ thương mại. Cuộc gặp gần đây nhất diễn ra tại Nga năm 2009 giữa Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Tổng thống Pakixtan Zardari đã không mấy tốt đẹp bởi trước các phương tiện truyền thông, Thủ tướng Manmohan đã công khai yêu cầu Tổng thống Zadari phải có hành động cụ thể sau vụ tấn công Mumbai.

Cảnh sát Ấn Độ canh gác trong lệnh giới nghiêm tại thủ phủ Srinagar (Kashmir). Ảnh: Internet


Mặc dù quan hệ trong lĩnh vực thương mại của hai nước đã có nhiều bước tiến, nhưng cả Ấn Độ và Pakixtan đều chưa thể giải quyết các vấn đề "nóng bỏng" hơn. Hiện Ấn Độ vẫn hoài nghi ý định của Pakixtan trong việc trừng phạt những kẻ phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công Mumbai. Trong khi đó, Ixlamabát cũng tỏ ra quan ngại trước các kế hoạch của Niu Đêli tại Ápganixtan và những bất đồng liên quan đến việc phân chia nguồn nước.

Nổi cộm nhất (trong quan hệ song phương Ấn Độ - Pakixtan) là vấn đề tranh chấp lãnh thổ vùng Kashmir và hiện người ta vẫn chưa thấy bất kỳ "tia sáng" nào để giải quyết vấn đề này. Nhiều người vẫn cho rằng kế hoạch bốn điểm do cựu Tổng thống Pervez Musharraf đề xuất năm 2004 (thành lập một quốc gia Kashmir độc lập hoặc phi quân sự hóa vùng này và đặt dưới quyền kiểm soát chung của Ấn Độ và Pakixtan) là giải pháp hợp lý nhất. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người tại Pakixtan lại không chấp nhận kế hoạch này.

Bên cạnh đó, vấn đề nguồn nước trong nhiều năm qua đã trở thành mối quan tâm trọng yếu đối với Pakixtan, và nhiều người đã lợi dụng điều này để tung ra các tin đồn liên quan đến việc Ấn Độ đang cho xây dựng hàng trăm con đập. Có ý kiến cho rằng cả hai phía cần minh bạch hơn trong các cuộc đàm phán (về vấn đề này) và hiện cũng chưa phải là thời điểm thích hợp để hai nước thảo luận vấn đề về vai trò của Ấn Độ và Pakixtan tại Ápganixtan trong các cuộc đàm phán chính thức.

Trong khi nhiều người Pakixtan muốn cải thiện quan hệ với Ấn Độ, nhất là giới kinh doanh rất "hào hứng" trước khả năng thương mại song phương sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn với Ấn Độ, thì tại Pakixtan, có nhiều tổ chức khác nhau (chủ yếu là các tổ chức tôn giáo) đã thực hiện nhiều cuộc biểu tình qui mô nhằm phản đối Ấn Độ. Tương tự, tại Ấn Độ cũng có nhiều tổ chức phản đối cải thiện quan hệ với Ixlamabát. Ngày 6/4, thủ lĩnh phe Hindu cực đoan của Ấn Độ là Bal Thackeray đã cảnh báo Tổng thống Zardari về chuyến thăm của ông tới Ấn Độ.

Nếu Pakixtan tiến hành biện pháp kiểm soát các nhóm thánh chiến hoặc đưa những kẻ phải chịu trách nhiệm trong vụ tấn công Mumbai ra xét xử thì đó có thể sẽ là những hành động thúc đẩy mạnh mẽ lòng tin trong mối quan hệ song phương của nước này với Ấn Độ. Nhiều người Pakixtan từng cho rằng vụ tấn công Mumbai đã đặt "dấu chấm hết" cho mối quan hệ giữa hai nước, tuy nhiên, tình hình đã chứng minh rằng đó không phải là sự thật.

Rõ ràng, Pakixtan muốn đạt được điều gì đó chẳng hạn như những thỏa thuận trong vấn đề nguồn nước và Niu Đêli thực hiện các biện pháp nhằm giải tỏa quan ngại của Ixlamabát về vai trò của Ấn Độ tại Ápganixtan. Điều mà nhiều người lo sợ nhất là khả năng có thể xảy ra một vụ tấn công hoặc một kịch bản tương tự như những gì đã xảy ra tại Mumbai năm 2008. Tuy nhiên, xét trên góc độ khác, quan hệ giữa Ấn Độ và Pakixtan gần đây đều có những tiến triển khả quan.

Cho dù chuyến thăm tới Ấn Độ của Tổng thống Zardari có tính chất cá nhân song nó mang ý nghĩa hết sức quan trọng và thu hút sự quan tâm của cả hai nước và điều này có thể khích lệ hai quốc gia giải quyết những vấn đề khu vực mà không cần tới sự can thiệp từ bên ngoài.

TTK