09:09 08/09/2011

Cô học sinh lớp 6 trường Trưng Vương và ý tưởng về “Chuột chũi rà phá bom mìn”

Tên đầy đủ khá kêu là Mai Đỗ Hiền Chi, sinh ngày 28/2/2000, nên năm nay vừa vào lớp 6 KI, trường Trưng Vương (Hà Nội), sau khi tạm biệt ngôi trường Quang Trung mà em đã gắn bó 5 năm qua.

Tên đầy đủ khá kêu là Mai Đỗ Hiền Chi, sinh ngày 28/2/2000, nên năm nay vừa vào lớp 6 KI, trường Trưng Vương (Hà Nội), sau khi tạm biệt ngôi trường Quang Trung mà em đã gắn bó 5 năm qua. Gầy nhom nhom vì sau hè cao bổng lên, tóc dài mộc mạc, khuôn mặt cũng mộc mạc và có phần đen nhẻm, hơi giống một cậu con trai. Ăn mẹ vẫn phải dỗ, uống nước cam cũng phải ép... Cái cô bé này nếu thế thì có gì để phải viết nhỉ?

Mai Đỗ Hiền Chi thuyết trình về "Chuột chũi rà phá bom mìn". Ảnh: CTV


Nhưng Mai Đỗ Hiền Chi mà tôi gặp trong cuộc thi "Ý tưởng trẻ thơ 2011" vừa diễn ra tại Hà Nội, thì khác lắm. Khác ở một trái tim biết chia sẻ, cảm thông và khác ở những suy nghĩ thật là người lớn về việc giải quyết những hậu quả chiến tranh còn sót lại trên mảnh đất quê hương mình...

Không ai giúp Mai Đỗ Hiền Chi khi em tìm ý tưởng và xây dựng mô hình "Chuột chũi rà phá bom mìn" cho bài thi của mình, bài thi dù chỉ đoạt giải khuyến khích của cuộc thi, nhưng lại để lại nhiều dư âm xúc động trong lòng những người tham dự. Hiền Chi trên sân khấu, chững chạc cầm cây gậy, để thuyết trình về mô hình của mình. Hiền Chi bảo, xuất phát từ những thông tin em đọc trên Internet về tình trang ô nhiễm bom mìn ở tỉnh Quảng Trị, về con số 150.000 thường dân đã chết vì bị thương do tai nạn bom mìn; cùng câu chuyện đau lòng về một người đàn ông bị thương nặng vì nổ đầu đạn cối còn sót lại trong lòng đất... em đã nghĩ tới việc xây dựng một rô bốt rà phá bom mìn. "Em được biết, tỉnh Quảng Trị là tỉnh mà bản đồ bom mìn gần như "chìm" trong một màu đỏ- màu quy định đánh dấu vùng lãnh thổ bị ô nhiễm bom mình, với 83% tổng diện tích có bom mìn, đầu đạn còn sót lại trong lòng đất. Cũng theo em tìm hiểu, thì còn cần 300 năm và hàng chục triệu USD mới có thể tháo gỡ toàn bộ số bom mìn, đầu đạn còn sót lại trên đất nước Việt Nam. Nhưng có thể sẽ chỉ cần ít thời gian hơn, ít tiền của hơn rất nhiều, chúng ta vẫn có thể cứu lấy những mảnh đất xanh ngát ấy. Việc này không chỉ tiết kiệm sức lao động, vốn đầu tư của Chính phủ, mà còn cứu bao sinh mạng qúy giá, đó chính là ý nghĩa của chú rô bốt chuột chũi của em. Rô bốt chuột chũi này của em sẽ làm thay việc của các chú công binh trong lòng đất, giúp tìm bom mìn, rà phá, không gây nguy hiểm và thiệt hại về người"- Hiền Chi tâm sự.

Chỉ tận dụng những vật liệu bỏ đi như ruột bút bi, bút xóa, bút viết bảng hết mực, vỏ hộp sữa chua, chai nước lavie... rồi bộ dụng cụ kỹ thuật cũ của năm lớp 4, trong vòng 10 ngày, Hiền Chi đã tự mình thiết kế và làm chú chuột chũi của mình. Theo Hiền Chi cho biết, chuột chũi của Hiền Chi hoạt động bằng năng lượng mặt trời và năng lượng của gió: Những tấm pin năng lượng mặt trời được gắn trên cánh quạt của con chuột. Cánh quạt cũng thu năng lượng gió cho chuột, phòng khi chuột phải hoạt động trong môi trường thiếu ánh mặt trời. Chuột có 4 bánh xe, có tác dụng rẽ đất rất khéo léo để chuột không đụng vào bom mìn gây nguy hiểm. Râu chuột là ra đa có thể phát hiện kim loại, báo cho chuột biết vị trí của bom mìn (trong phạm vi 3 mét). Trong trường hợp chuột phát hiện quả bom quá lớn, thì sẽ phát tín hiệu về cho Trung tâm để đánh dấu vị trí, cử đội tiêu hủy bom mìn tới. Còn trong trường hợp với những quả bom nhỏ, chuột sẽ "ăn" quả bom vào trong bụng. Một hệ thống cắt dây mìn nhanh và chính xác có trong bụng chuột sẽ giúp phá quả bom. Phần sắt vụn còn lại của quả bom sẽ được đưa lên mặt đất, gửi về trung tâm xử lý vật liệu tái chế...

Ý tưởng "Chuột chũi rà phá bom mìn" của cô bé Hiền Chi tuy không đoạt giải cao, nhưng thực sự đã thuyết phục được toàn bộ BGK vì tính khả thi của nó. Và họ bị thuyết phục còn bởi, cái suy nghĩ thật dễ thương và nhân hậu của cô bé khi thực hiện ý tưởng này "Em hy vọng ý tưởng của em sẽ sớm được các nhà khoa học, thực hiện và phát triển, áp dụng cho cuộc sống đời thực. Và em mong nó sẽ phần nào giúp ích cho cuộc sống của chúng ta ngày một tốt đẹp hơn", Hiền Chi đã "thủ thỉ" như vậy trong bài thuyết trình của mình trước BGK.

Gặp Mai Đỗ Hiền Chi ngoài đời, mới biết cô bé này nhân hậu cũng không quá lạ. Bởi Hiền Chi ngoài niềm đam mê với kỹ thuật, còn rất yêu văn chương và thích vẽ. Sách gối đầu giường của cô bé là "Tốt tô chan bên cửa sổ", "Một lít nước mắt". Tranh của cô bé đã từng đoạt giải trong cuộc thi "Ước mơ tương lai" của thành phố Hà Nội. Không chỉ vậy, ngoài thành tích năm nào cũng là học sinh giỏi, điểm môn nào cũng dễ dàng đạt "A+", cô bé này còn từng đi thi toán, thi tin học, thi viết chữ đẹp cấp trường, cấp quận. Nghĩa là giỏi toàn diện tới mức đáng khâm phục. Nhưng đáng khâm phục hơn vì như chị Kim Oanh - mẹ Hiền Chi, tâm sự, tất cả mọi việc Hiền Chi đều tự làm. Tự học, tự tìm hiểu, tự dự thi. Ngay cả với cuộc thi "Ý tưởng trẻ thơ" vừa rồi cũng là Hiền Chi tự tìm hiểu và tự tham gia. Sự tự lập thật đáng đánh giá cao với một cô bé gầy gò và vẫn còn rất thích... làm nũng mẹ khi ngoài đời này...

T.Anh