12:00 26/12/2011

Cô gái Nga với món quà đặc biệt dành tặng Việt Nam

Là một người Nga nhưng chị Irina Vinskovskaya rất tích cực giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè thế giới. Gần 10 năm nay, chị âm thầm xây dựng và duy trì một trang web với cái tên rất Việt Nam và để dành tặng Việt Nam.

Là một người Nga nhưng chị Irina Vinskovskaya rất tích cực giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè thế giới. Gần 10 năm nay, chị âm thầm xây dựng và duy trì một trang web với cái tên rất Việt Nam và để dành tặng Việt Nam. Phóng viên TTXVN tại LB Nga đã có cuộc trao đổi với nhà quản trị trang web www.nhat-nam.ru:

´Chào chị Irina. Xin chị giới thiệu đôi nét về lịch sử trang web www.nhat-nam.ru.

Trang web www.nhat-nam.ru ra đời vào tháng 6/2001 bởi những người yêu môn võ Nhất Nam của Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Mátxcơva. Ban đầu, trang web chỉ đăng những thông tin liên quan đến môn võ Nhất Nam nên chưa được nhiều người biết đến. Đầu năm 2004, những người tập luyện môn võ cổ truyền này của Việt Nam đề nghị tôi làm quản trị cho trang web này. Tôi bắt đầu thiết kế lại trang web, nghiên cứu phát triển và đưa lên mạng Internet thêm cả tên miền bằng tiếng Nga (Нят-Нам.ру). Tôi trộm nghĩ đã là võ của Việt Nam thì nhất định trên trang web đó phải có thông tin về đất nước sản sinh ra môn võ này.

Irina thăm vịnh Hạ Long.

Thời gian đầu, để có tư liệu cập nhật lên trang web, tôi phải mò đến những hiệu sách cũ và dùng máy quét (scan) xử lý kỹ thuật đối với những cuốn sách nổi tiếng của như “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ, “Đồng chí Hồ Chí Minh” của Evgheny Kobelev và Sergey Aphonin cùng nhiều cuốn sách xuất bản tại Liên Xô từ những năm 1960 - 1980. Để trang web thêm đa dạng, tôi đã tự dịch (từ tiếng Anh sang tiếng Nga) cuốn “Tập tục và Văn hóa Việt Nam” của tác giả Ann Caddell Crawford và tìm kiếm các trang web có thông tin về ngày lễ Tết hoặc tranh dân gian Việt Nam...

Năm 2006 đánh dấu một bước ngoặt khi tôi tình cờ phát hiện ra Tạp chí điện tử “Báo ảnh Việt Nam” tại một diễn đàn về các nước châu Á nhờ đường dẫn mà nhà báo Quỳnh Hương của TTXVN đưa lên. Tôi đã viết thư cho Quỳnh Hương, bộc bạch về những quan tâm của tôi đến đất nước của các bạn cũng như mong muốn phát triển một trang web dành tặng Việt Nam. Thế là Quỳnh Hương trở thành cộng sự chăm lo cho trang web nhat-nam.ru.

Năm 2007, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Tổ chức Xã hội liên khu vực các cựu chuyên gia Liên Xô trong chiến tranh Việt Nam (MOOVVV), ông Nhicolai Kolesnik đã đề nghị tôi làm riêng một trang web cho Hội MOOVVV. Kể từ đó, trang web của Hội cựu chuyên gia Liên Xô tại địa chỉ www.nhat-nam.ru/vietnamwar/index.html là một phần quan trọng trong dự án chung của chúng tôi dành tặng đất nước Việt Nam.

Năm 2008, tôi mở thêm một trang dành riêng cho các tin bài của nhà Việt Nam học, cựu phóng viên chiến trường hãng thông tấn TASS tại Việt Nam Sergey Aphonin. Mặc dù đã “ngoại thất thập” nhưng các bài viết của ông như trước đây vẫn rất cập nhật, bám sát các sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị - văn hóa - xã hội ở Việt Nam và được người đọc đặc biệt yêu thích.

´Trang web hiện nay hoạt động ra sao, thưa chị Irina?

Hiện trang web của chúng tôi có đầy đủ các nội dung về Việt Nam như âm nhạc, ẩm thực, văn hóa truyền thống, nghệ thuật, du lịch, thể thao… Có một thư mục lớn dành để nói về cuộc chiến tranh Việt Nam, bao gồm tư liệu lịch sử về các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc Việt Nam; đặc biệt độc giả có thể xem trực tiếp các cuốn phim tài liệu của Nga và Việt Nam về đề tài này hoặc tải miễn phí về máy tính để xem.

Đáng chú ý là mục “Quan hệ Nga – Việt” với đủ các thông tin về các sự kiện chính trị - xã hội - văn hóa – thương mại của hai nước như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, bầu cử Quốc hội khóa XIII, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Liên Xô, Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga...

Tính đến cuối tháng 11/2011, một khối lượng lớn thông tin đã được đưa lên trang web với hơn 800 đề tài, thu hút 600 lượt truy cập/ngày. Gần 70% lượng độc giả là ở Nga, kế đó là Ucraina, Bêlarút và Việt Nam. Rất nhiều người ở Mỹ, Đức, Bungari, Ixraen, Cadắcxtan… đã biết đến Việt Nam qua trang web này. Đường link dẫn đến trang web cũng được đặt trên hàng nghìn trang web khác trên mạng Internet. Đến nay, trang web đã khác xa so với ý định ban đầu, nhưng tôi không muốn đổi tên “đứa con của mình” bởi cái tên này vừa đẹp, vừa có ý nghĩa và đã có quá nhiều người biết đến nó.

Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện trang www.nhat-nam.ru, coi đó như viên đá quý dành tặng đất nước Việt Nam.

Xin cảm ơn và chúc mong ước của chị sớm thành hiện thực!

Hồng Quân (P/v TTXVN tại Nga)