07:11 03/07/2012

Có điện... cũng như không

Được đầu tư hệ thống điện lưới quốc gia từ năm 1996 và nằm ngay dưới lưới điện 110 kV, nhưng từ nhiều năm nay người dân thôn Bắc Phú, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đang phải chịu nghịch lý là có điện cũng như không.


Được đầu tư hệ thống điện lưới quốc gia từ năm 1996 và nằm ngay dưới lưới điện 110 kV, nhưng từ nhiều năm nay người dân thôn Bắc Phú, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đang phải chịu nghịch lý là có điện cũng như không.

 

 Nguồn điện lưới quá yếu đã gây khó khăn cho người dân: Có ti vi cũng không xem được; có máy bơm nước nhưng phải múc nước bằng tay. Thậm chí người dân còn chịu cảnh đeo đèn pin ăn cơm dưới bóng điện.


Người dân ở xã Vĩnh Chấp đang phải chịu nghịch lý là có điện cũng như không. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN


Mới 16 giờ 30 phút, nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Hồng đã chuẩn bị cho bữa ăn tối. Nhiều năm nay, buổi chiều nào gia đình bà Hồng cũng phải đi làm về sớm để chuẩn bị bữa ăn và mọi người tranh thủ ăn khi trời vẫn còn sáng. Mặc dù gia đình bà Hồng đã được sử dụng điện từ lâu, nhưng buổi chiều tối nếu ăn cơm muộn hơn, gia đình sẽ phải chịu cảnh tối tăm do nguồn điện không đủ thắp sáng bóng đèn.

Nguồn điện ở đây luôn chập chờn. Ban ngày nguồn điện chỉ đo được 120-130V nên không đủ điện bơm nước, nấu ăn. Tối đến điện sụt xuống rất thấp, nên điện thắp sáng cũng không đủ.



Xã Vĩnh Chấp là xã thuần nông, nên không phải gia đình nào cũng có thể kết thúc việc đồng áng để có thể ăn cơm sớm. Chúng tôi chứng kiến bữa cơm tối của gia đình anh Lê Văn Phục ở thôn Bắc Phú. Cả gia đình anh Phục chỉ dùng đúng 1 chiếc bóng đèn tiết kiệm diện 15W, nhưng do điện yếu chiếc bóng đèn chỉ sáng lờ mờ và lâu lâu loé lên rồi lại tối om.


Để tăng ánh sáng cho bữa cơm, anh Phục đã phải dùng một chiếc đèn pin đội trên đầu để soi cho mâm cơm của gia đình. Việc sử dụng đèn pin để ăn cơm như thế này đã trở nên quen thuộc với nhiều hộ gia đình ở Bắc Phú.



Tại trung tâm học tập cộng đồng thôn Bắc Phú, những chiếc quạt từ ngày được đầu tư gần như không sử dụng được do điện yếu. Toàn bộ hệ thống đèn nê-ông đều bị hư hỏng, nên thôn phải thay vào đó là những chiếc đèn tiết kiệm điện.


Hệ thống đài truyền thanh FM không dây dùng để tuyên truyền chủ chương chính sách của Đảng và Nhà nước cũng không có đủ điện để hoạt động. Ông Lê Văn Phước - Trưởng thôn Bắc Phú cho biết: Bắc Phú nằm cách trạm biến áp khoảng 2,5km.

 

Qua nhiều năm sử dụng, đến nay hệ thống hạ tầng lưới điện này đã xuống cấp, đặc biệt là hệ thống điện chỉ có 1 pha, nên không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của hơn 50 hộ dân thôn Bắc Phú và một phần dân của thôn bên cạnh. Năm 2008, hệ thống lưới điện này được bàn giao cho Điện lực quản lý, nhưng hầu như phía Điện lực chưa có sự đầu tư cải tạo nào cho hệ thống lưới điện nơi đây.

Điện thắp sáng cho nhân dân còn không đảm bảo, nên điện để phục vụ sản xuất kinh doanh thì còn khó khăn hơn nhiều. Ông Hoàng Văn Xuân - Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Chấp cho biết: Dân cư xã Vĩnh Chấp được phân bố rộng, trong đó các trạm biến áp còn ít, đường dây điện về các thôn phần lớn là điện 1 pha, nên chất lượng cung cấp điện rất kém. Hiện tại toàn xã có thôn Bắc Phú, thôn Tây Trường và một phần cụm Sa Lung người dân gặp khó khăn vì điện rất yếu.

 

Vào giờ cao điểm, những vùng này, nhất là Bắc Phú, người dân hầu như không thể sử dụng được điện cho sinh hoạt. Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành liên quan ưu tiên nâng cấp hệ thống điện lưới cho các hộ dân ở đây. Ông Lê Văn Phước cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành nhưng đều nhận được câu trả lời là chờ có dự án đầu tư. Mới đây chúng tôi cũng đã gửi kiến nghị tới Điện lực huyện Vĩnh Linh, nhưng đến nay vẫn chưa thấy phía Điện lực phản hồi lại”.



Thôn Bắc Phú nằm ngay dưới đường điện 110kV, nhưng nhiều năm nay người dân ở đây phải sống trong tình trạng thiếu điện nghiêm trọng. Với hệ thống điện phập phù như thế này, việc sinh hoạt của người dân còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chứ chưa nói đến việc đưa điện vào để phát triển sản xuất, kinh doanh. Mong muốn của người dân nơi đây làm sao có được nguồn điện đảm bảo để phục vụ sinh hoạt và sau đó là đáp ứng cho công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Vương Lợi