09:23 07/09/2011

Có cầu vẫn không dám qua

Đã gần 10 năm nay, mặc dù đã có cầu đập tràn nhưng hàng nghìn người dân thuộc 2 xã Nam Yang và Kon Gang (Đắk Đoa – Gia Lai) muốn qua suối Tà Trập vẫn phải dùng đến xe công nông.

Đã gần 10 năm nay, mặc dù đã có cầu đập tràn nhưng hàng nghìn người dân thuộc 2 xã Nam Yang và Kon Gang (Đắk Đoa – Gia Lai) muốn qua suối Tà Trập vẫn phải dùng đến xe công nông. Mọi hoạt động sản xuất, vận chuyển nông sản và đi lại của người dân gặp không ít khó khăn, đặc biệt là mỗi khi mùa mưa đến.

Muốn qua sông phải lụy xe công nông.


Anh Đỗ Tấn Quý (thôn 1 – xã Nam Yang, huyện Đắk Đoa) bức xúc: Cầu thì có nhưng hàng ngày người dân đều phải bỏ ra 20.000 đồng/lượt để thuê xe chở qua vì nước quá lớn, xe máy không thể chạy qua được. Có những ngày anh Quý phải đi qua đi lại trông rẫy đến 3 – 4 lần, số tiền bỏ ra chỉ để đi lại trên quãng đường chưa đầy 40 m không hề nhỏ với những người nông dân.

Đa phần học sinh cấp 2 và cấp 3 của xã Kon Gang đều học ở xã Nam Yang, khi đi học đều phải đi sớm để được xe công nông chở qua, nếu không sẽ muộn học. Đến khi tan học trở về, những ngày nước nhỏ thì các em lội qua, nếu nước lớn, tất cả đều phải lên xe để qua được phía bên kia. Em Tâm, học sinh trường Trung học cơ sở Phan Châu Trinh cho biết: “Dù 13 giờ mới vào học nhưng chúng em phải đi học từ lúc 11 giờ 30 phút để cho kịp, nếu không sẽ muộn học. Sợ nhất là vào mùa mưa này, nước đổ về bất ngờ nên rất nguy hiểm, mỗi lần đi qua cầu đập tràn này rất sợ bị nước cuốn trôi”.

Cầu đập tràn Tà Trập nay ngập trong nước

Vào mùa mưa, người dân hai xã Kon Gang và Nam Yang không thể qua lại, mọi hoạt động buôn bán, vận chuyển nông sản hầu như bị đình trệ. Anh Trung - người chở thuê qua cầu cho biết: “Mùa mưa, nước lũ về, người dân đứng bên kia gọi nhưng tôi không thể chạy xe sang chở về được, lúc đó sợ nước lớn cuốn trôi cả xe thì còn nguy hiểm hơn. Người dân đành ngủ lại trong rẫy. Những ngày bình thường, có hàng trăm lượt người và xe qua lại trên đoạn cầu đập tràn này”.

Ông Lương Bé, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Yang cho biết: Theo tính toán của lãnh đạo xã, hàng năm, người dân trong xã bị thiệt hại nhiều tỷ đồng mà nguyên nhân là do cầu đập tràn không thể lưu thông qua lại. Mùa mưa đến là lãnh đạo xã, lãnh đạo huyện phải túc trực, chỉ đạo cán bộ không được cho người dân qua lại để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, các trường phải cho học sinh nghỉ học và học bù vào thời gian khác. Người dân nơi đây đang rất mong mỏi các cấp chính quyền quan tâm nâng cấp cầu đập tràn Tà Trập để tạo điều kiện cho người dân đi lại, giao thương phát triển kinh tế.

Bài và ảnh: Quang Thái