06:15 15/06/2014

Cơ cấu hợp lý, chính sách phù hợp

Cây cà phê lâu nay đã gắn liền với đời sống của người dân các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum), và là cây nông sản xuất khẩu chủ lực của các tỉnh Tây Nguyên.

Cây cà phê lâu nay đã gắn liền với đời sống của người dân các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum), và là cây nông sản xuất khẩu chủ lực của các tỉnh Tây Nguyên. Sự phát triển bền vững của ngành cà phê luôn gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị xã hội của toàn vùng. Hiện tại và trong những năm tới, cây cà phê vẫn giữ một vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế của các tỉnh Tây Nguyên.

Cây cà phê góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng trăm ngàn lao động ở Đắk Lắk.


Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên là vùng trọng điểm cây cà phê của cả nước, với tổng diện tích trên 561.534 ha, chiếm trên 92% trong tổng diện tích cà phê của cả nước. Trong đó, Đắk Lắk là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất, với trên 202.500 ha, tiếp đến là tỉnh Lâm Đồng với diện tích 153.432 ha… Năng suất cà phê toàn vùng đạt từ 21 - 23,5 tạ nhân/ha, với sản lượng mỗi niên vụ đạt từ 1,2 triệu tấn cà phê nhân trở lên. Sự mở rộng diện tích cà phê vối ở Tây Nguyên đã góp phần đưa Việt Nam nhanh chóng trở thành quốc gia có sản lượng cà phê xuất khẩu xếp thứ hai trên thế giới và đứng thứ nhất về xuất khẩu cà phê vối. Chỉ riêng Đắk Lắk, cây cà phê đã tạo việc làm ổn định cho trên 300.000 người trực tiếp sản xuất và gần 200.000 người có liên quan đến cây cà phê.

Bị động, thiếu tính cạnh tranh

Tuy nhiên, cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác, năng suất của cây cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên chịu sự ảnh hưởng rất lớn của thời tiết. Khi nắng hạn, không đủ nước tưới thì cây cà phê không ra hoa, không đậu quả hoặc chết khô; khi có sương muối nhiều thì hạt bị lép, nhỏ… nên sản lượng cũng tăng, giảm theo từng mùa vụ, từ đó ảnh hưởng đến giá thu mua và đời sống của người trồng cà phê. Ở Tây Nguyên thường lặp đi, lặp lại tình trạng “trúng mùa” thì “rớt giá”, được giá thì mất mùa. Trong vài năm trở lại đây, do thiên tai nắng nóng kéo dài, mất mùa liên tục nhưng giá cà phê vẫn “rớt thê thảm” làm người trồng cà phê lao đao.

Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với diện tích cả nước trên 614.545 ha, trong đó, Tây Nguyên chiếm tỷ lệ khoảng 92%. Xuất khẩu cà phê Việt Nam có năm đạt kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 3,7 tỷ USD đóng góp trên 13% kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam và là quốc gia xuất khẩu cà phê vối hàng đầu thế giới. Ngành cà phê cũng tạo ra trên 1 triệu việc làm, góp phần quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội ở vùng Tây Nguyên và cả nước.

Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm cà phê nhân của các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn là một vấn đề nan giải. Với chủng loại chủ yếu là cà phê vối, qua xuất khẩu, giá cà phê nhân của Việt Nam luôn thấp hơn cà phê của một số nước trên thế giới như Brazil, Colombia, Costa Rica… Thậm chí, do chất lượng kém nên có lúc cà phê Việt Nam bị thải loại đến 60%, hay giá bị giảm 100 - 200 USD/tấn, có lúc giảm 600 USD/tấn tại London.

Theo đánh giá của các ngành chức năng và địa phương, một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng trên là hình thức tổ chức sản xuất chưa phù hợp trong bối cảnh thương mại ngày càng hội nhập, trong đó có mặt hàng cà phê của các tỉnh Tây Nguyên. Hình thức tổ chức sản xuất của nông dân sản xuất cà phê hiện nay ở các tỉnh Tây Nguyên chủ yếu là sản xuất cá thể, quy mô nhỏ lẻ manh mún với trên 85% diện tích cà phê là do người dân trực tiếp quản lý và sử dụng. Với hình thức tổ chức sản xuất nhỏ lẻ như trên thì sản phẩm sản xuất ra không đồng đều về chất lượng, khó xác định nguồn gốc nên tính cạnh tranh không cao, sản phẩm cà phê nhân bán giá thấp, làm ảnh hưởng đến thu nhập của các nông hộ. Cũng chính do sản xuất nhỏ lẻ nên người nông dân chưa có điều kiện tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng, khiến năng suất, chất lượng sản phẩm thấp.

Mặt khác, cây cà phê ngày càng già cỗi nên năng suất chung toàn vùng có xu hướng ngày càng giảm và ảnh hưởng đến tính bền vững của ngành cà phê các tỉnh Tây Nguyên. Qua kiểm tra, đánh giá, phần lớn diện tích cà phê của các tỉnh Tây Nguyên đều trồng bằng cây thực sinh do người dân tự chọn lọc nên năng suất không lớn, kích cỡ cà phê nhân bé, dẫn đến giá bán không cao. Việc không chủ động nguồn nước tưới cho cà phê đã làm cho sản xuất cà phê thiếu tính bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã và đang xảy ra làm gia tăng tình trạng suy thoái nguồn nước, dẫn đến nguy cơ thiếu nước tưới cho nông nghiệp, nhất là cây cà phê…

Giải pháp bền vững

Để góp phần khắc phục những bất cập trên, các địa phương vùng Tây Nguyên cần nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất cà phê bền vững gắn với lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường để chính người nông dân thấy được lợi ích của sản xuất cà phê bền vững và tích cực tham gia thực hiện.

Các tỉnh Tây Nguyên cần có chính sách phù hợp khuyến khích người sản xuất không thu hoạch quả xanh, quả non, thu hoạch đúng độ chín, đẩy mạnh áp dụng chương trình sản xuất cà phê có trách nhiệm, có chứng nhận 4C, UTZ…, tiếp tục tổ chức huấn luyện, chuyển giao các kỹ thuật cơ bản về trồng, chăm sóc vườn cây, cải tạo đất chống xói mòn. Cần rà soát lại vùng quy hoạch cà phê, tập trung phát triển cà phê theo hướng bền vững, sản xuất cà phê có thương hiệu, có xuất xứ rõ ràng, khuyến khích, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng với những diện tích cà phê không đủ nguồn nước tưới, không đủ điều kiện cho cây cà phê phát triển sang trồng các loại cây khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Các tỉnh Tây Nguyên nên có chính sách thu hút đầu tư khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài tham gia thực hiện chương trình phát triển cà phê bền vững của từng địa phương, từng vùng, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, kêu gọi các nhà rang xay hàng đầu thế giới đầu tư các nhà máy chế biến các sản phẩm sâu như cà phê bột, cà phê hòa tan… nhằm nâng cao tỷ trọng công nghiệp chế biến, tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu…

Các tỉnh Tây Nguyên cũng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm có cơ quan đầu mối để chỉ đạo ngành hàng cà phê từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, xuất khẩu. Áp dụng một số chính sách hỗ trợ cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, miễn giảm thuế đất nông nghiệp cho các doanh nghiệp sản xuất cà phê. Hỗ trợ 100% giống, hỗ trợ lãi suất vay (50 triệu đồng/ha) cho nông dân khi chuyển đổi diện tích cà phê không thích hợp, già cỗi năng suất thấp sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, đồng thời, hỗ trợ 100% cây cà phê giống cho nông dân thực hiện chương trình trồng tái canh cà phê.

Hình thành quỹ sản xuất cà phê từ các nguồn như chuyển kinh phí hoàn thuế VAT đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, kinh phí nghiên cứu, khuyến nông và huy động các nguồn khác. Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê phải có điều kiện như năng lực tài chính, nhân lực, nhà xưởng, máy móc… bảo đảm yêu cầu, có sự giám sát chặt chẽ để tránh việc gian lận thuế VAT. Gắn kết nông dân để tạo dựng vùng nguyên liệu, hỗ trợ vốn để tạm trữ cà phê ngay từ đầu niên vụ cho nông dân và một số doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê thời gian từ 3 - 6 tháng. Đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở như xây dựng hệ thống giao thông nội đồng, đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thủy lợi trong vùng cà phê bền vững, vùng cà phê quy hoạch, hỗ trợ nông dân sản xuất cà phê mua sắm các trang thiết bị xay xát, chế biến, mở rộng diện tích sân phơi… góp phần nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu, tăng thu nhập cho đồng bào các dân tộc sản xuất, kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên…

Bài và ảnh:Quang Huy