01:15 15/01/2015

Cố 'cai' khí đốt Nga, Ukraine lún sâu vào khủng hoảng

Càng ra sức "cai" khí đốt Nga, những nỗ lực của Ukraine lại càng không dẫn đến đâu. Một tương lai tự chủ năng lượng dường như ngày càng quá xa vời.

Càng ra sức cai khí đốt Nga, những nỗ lực của Ukraine lại càng không dẫn đến đâu. Một tương lai tự chủ năng lượng dường như ngày càng quá xa vời.

Trong bối cảnh cuộc chiến giữa quân chính phủ Ukraine và phe ly khai ở miền Đông khiến nền kinh tế nước này rơi vào tình trạng rơi tự do, các nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong tương lai độc lập về năng lượng của Ukraine đang dần rời bỏ quốc gia này. Cùng lúc đó, các biện pháp của chính phủ nhằm giảm lượng khí đốt từ Nga, một cách không mong muốn, cũng đẩy một số công ty quốc tế dứt áo ra đi.

Các đường ống khí đốt thuộc tập đoàn Naftogaz của Ukraine ở Lviv.


Công ty dầu mỏ và khí đốt JKX (Anh) hồi tuần trước đã quyết định ngừng đầu tư vì mức thuế 55% mà Ukraine đánh vào sản phẩm khí đốt cũng như quyết định của chính phủ trong việc hạn chế bán cho các khách hàng công nghiệp nhằm bảo đảm nguồn cung cho các hộ gia đình.

Sự ra đi của JKX nối dài bản danh sách các tập đoàn, công ty dầu mỏ và khí đốt đã ngán ngẩm thị trường Ukraine: Chevron Corp. (Mỹ), Royal Dutch Shell Plc (liên kết giữa Anh và Hà Lan), Exxon Mobil Corp. (Mỹ) và Eni SpA (Italy). Đây là những cái tên hoặc đã rời Ukraine hoặc đóng băng các dự án trong năm 2014.

Nhưng bản danh sách buồn đó vẫn chưa khép lại. Những tập đoàn khác được cho cũng đang rục rịch chuẩn bị khăn gói lên đường. Hôm 7/1, Philipp Chladek, một nhà phân tích tại một trung tâm nghiên cứu có trụ sở ở London dự báo, các doanh nghiệp hiện vẫn còn hoạt động trong lĩnh vực khí đốt tự nhiên tại Ukraine có thể cũng sẽ quyết định ngừng đầu tư phát triển như JKX.

Theo ông, với sự kiềm tỏa về doanh số bán cho khách hàng công nghiệp của Ukraine và cũng như chính sách thuế đánh vào sản phẩm khí đốt, “các chỉ số kinh tế có vẻ” không đủ để thuyết phục các nhà đầu tư “tiếp tục khoan dầu”.

Kinh tế Ukraine đang trong giai đoạn khó khăn. Quốc hội Ukraine đã thông qua một khoản ngân sách hà khắc để mở khóa gói hỗ trợ tiếp theo trị giá 17 tỉ USD của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và ngăn chặn vỡ nợ. Đồng thời, quốc gia này cũng cố gắng hạn chế sự phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu từ tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom bởi đến năm 2014 tập đoàn này vẫn là nhà cung cấp cho hơn phân nửa nhu cầu sử dụng khí đốt của Ukraine.

Việc đồng nội tệ của Ukraine mất giá 48% so với đồng USD trong năm 2014 cũng khiến Ukraine mất khả năng cung tiền cho mặt hàng nhập khẩu.

Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk (phải) và Giám đốc Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) Werner Hoyer trong buổi ký khoản vay tại thủ đô Kiev ngày 1/12. Ảnh: AFP/ TTXVN


Tại Kiev hôm 9/1, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk bày tỏ hy vọng cải biến nền kinh tế: “Dù rất khó khăn nhưng chúng tôi đang hoàn trả các khoản nợ nước ngoài. Nếu thế giới thấy Ukraine đang trả các khoản nợ, các nhà đầu tư sẽ quay trở lại”.

Tương lai ngoài tầm với

Năm 2014, với việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea (Crưm) hồi tháng 3, Ukraine đã bị đã giáng đòn đau đầu tiên vào hy vọng tự cung tự cấp năng lượng do mất quyền kiểm soát vùng đáy biển có khả năng chứa nhiều khí đốt ở Biển Đen mà nước này đã lên kế hoạch thăm dò với hai công ty là Exxon và Eni.

Cuộc xung đột sau đó ở các tỉnh miền Đông đã cướp đi sinh mạng của hơn 4.700 người, phá hủy cơ sở hạ tầng giao thông và ngăn cản việc sản xuất than. Shell đã phải triệu hồi nhân sự từ các dự án ở mỏ dầu Yuzivska hồi tháng 6/2014 đồng thời bỏ dở kế hoạch khoan thăm dò 5 giếng dầu.

Theo nhà phân tích tại tập đoàn tư vấn Teneo, bà Otilia Dhand, chính phủ Ukraine đang ở trong tình thế vô cùng bất lợi. “Thật khó để thuyết phục các nhà đầu tư rằng kinh tế sẽ cải thiện khi đang có một cuộc chiến tranh ở đó”, bà nhận định.

Nhưng ngay cả khi không xét đến các yếu tố chiến tranh bạo loạn, các nhà đầu tư quốc tế vẫn lựa chọn không ở lại. Chevron đã hủy một hợp đồng thăm dò mỏ dầu khí Oleska ở tây Ukraine, địa điểm cách nơi diễn ra chiến sự hơn 1.000km trong bối cảnh các điều kiện kinh tế ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Theo cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s (Mỹ), kinh tế Ukraine được dự báo giảm 6% trong năm nay, sau khi đổ nhào 7,5% trong năm 2014.

Sự rút lui của các nhà đầu tư đồng nghĩa Ukraine sẽ phải chật vật để tăng sản lượng khí đốt thông thường 15 tỉ m3/năm hay nguồn lợi từ đá phiến trầm tích mà theo ước tính của cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) vào hàng lớn thứ ba châu Âu.

Trong lúc này, dự trữ tiền tệ của Ukraine đang ngày càng suy kiệt vì chính phủ phải trả tiền trái phiếu cũng như các khoản nợ của Nga theo yêu cầu của IMF và Liên minh châu Âu (EU), còn dòng vốn thì vẫn không ngừng chảy ra nước ngoài. Một tương lai tự chủ năng lượng với Ukraine đang thật quá xa vời.


Anh Tiếu (Theo Bloomberg)