03:19 29/03/2015

CIA đã 'đầu tư' cho Al Qaeda như thế nào?

Chỉ trong vài tuần, khoản tiền viện trợ của CIA cho quan chức mật vụ Afghanistan và thêm 4 triệu USD từ các nước khác đã được giao cho mạng lưới khủng bố Al Qaeda.

Mùa xuân năm 2010, chính quyền Afghanistan và Al Qaeda đạt được thỏa thuận phóng thích một nhà ngoại giao bị bắt giữ làm con tin nhưng cái giá để trả tự do cho nhân vật này lên tới 5 triệu USD. Lấy đâu ra số tiền lớn như vậy? Giới chức an ninh chóp bu của Kabul hết sức đau đầu với bài toán này.

Abdul Khaliq Farahi, người bị Al Qaeda bắt cóc năm 2008.


Theo một số quan chức Afghanistan tham gia điệp vụ trên, nguồn tài chính đầu tiên mà họ nghĩ tới là một quỹ bí mật mà Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) vẫn rót cho họ hàng tháng bằng tiền mặt tới thẳng dinh tổng thống tại Kabul. Chỉ trong vài tuần, khoản tiền này của CIA và thêm 4 triệu USD được các nước khác viện trợ đã được giao cho mạng lưới khủng bố Al Qaeda. Ngân quỹ hoạt động của Al Qaeda lại thêm dồi dào để đối phó với chiến dịch không kích bằng máy bay không người lái do chính CIA thực hiện tại Pakistan. Các cuộc không kích tới nay đã tiêu diệt được 1/10 những nhân vật cấp cao trong tổ chức của Al Qaeda.

“Chúa Trời phù hộ chúng ta khi đem tới một số tiền lớn như vậy trong tháng này”, Atiyah Abd al-Rahman, người quản lý tài chính của Al Qaeda đã vui mừng viết thư chia sẻ với thủ lĩnh Osama Bin Laden tháng 6/2010, trong đó, lưu ý thêm rằng số tiền sẽ được sử dụng để mua vũ khí và vật dụng cần thiết khác cho các vụ khủng bố. Viên quản lý này sau đó đã bị máy bay không người lái của Mỹ tiêu diệt tại Pakistan tháng 8/2011.

Đáp lại, Bin Laden nhắc nhở cấp dưới cần lưu ý là Mỹ có thể biết về vụ trao đổi và tẩm chất phóng xạ hoặc chất độc vào tiền hoặc đang lần theo số tiền này. Trong bức thư trả lời, Bin Laden viết: “Có khả năng, tuy nhiên không nhiều, là Mỹ đã biết việc chuyển giao số tiền và chúng chấp nhận thỏa thuận trao trả tiền chuộc rồi sử dụng số tiền đó để lần theo dấu vết của chúng ta”.

Tổng thống Ashraf (giữa) và cựu Tổng thống Hamid Karzai (trái).


Nhưng lo lắng trên của trùm khủng bố là không cần thiết vì thực tế không có cái bẫy nào được lên kế hoạch. Đơn giản vì CIA không hề hay biết. Đây lại là một ví dụ để thấy rằng nước Mỹ, do thiếu tầm bao quát và kiểm soát tài chính chặt chẽ, đôi khi đã vô tình cung cấp tiền cho chính những kẻ thù của mình.

 Nhìn rộng hơn, trong khi luôn từ chối trả tiền chuộc cho những người Mỹ bị Al Qaeda, Taliban hay Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt cóc, nhưng bằng cách nào đó, một phần trong hàng trăm tỷ USD mà Mỹ đổ vào các cuộc chiến tại Iraq, Afghanistan suốt 10 năm qua đã đi thẳng vào két sắt của kẻ địch.

Một phần của những lổ hổng về tài chính này mới đây đã được đưa ra ánh sáng nhờ phiên tòa xét xử phần tử khủng bố người Pakistan Abid Naseer tại New York hồi đầu tháng 3. Tại phiên tòa này, các bức thư về việc trả tiền chuộc con tin năm 2010 giữa Bin Laden và người quản lý Rahman kể trên đã được sử dụng làm bằng chứng để các công tố viên liên bang Mỹ kết tội Abid Naseer ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và âm mưu đánh bom một trung tâm mua sắm của Anh.

Đây là các bức thư đã được lực lượng đặc nhiệm Hải quân Mỹ (SEAL) tìm thấy từ các tài liệu và bộ nhớ máy tính thu được trong chiến dịch tiêu diệt Bin Laden năm 2011 ở Abbottabad, Pakistan. Chúng được xếp vào hàng tài liệu mật cho tới khi được đưa ra làm bằng chứng trong phiên tòa.

Các chi tiết về sự “đóng góp” không được báo cáo của CIA cho ngân sách của Al Qaeda đã được đề cập tới trong các bức thư kể trên và qua các cuộc phỏng vấn của tờ New York Times với các quan chức Phương Tây giấu tên (vì sự nhạy cảm của vấn đề). Tuy nhiên, tới nay CIA đã từ chối bình luận về thông tin này.

Nhà ngoại giao được phóng thích nhờ khoản tiền chuộc trên là Abdul Khaliq Farahi. Ông này từng làm Tổng lãnh sự của Afghanistan ở Peshawar, Pakistan, nơi ông đã bị Al Qaeda bắt cóc vào tháng 8/2008 khi đang lái xe đi làm. Vài tuần trước, Farahi đã quay trở lại Pakistan trên cương vị mới: Đại sứ của Afghanistan tại Islamabad.

Thực tế, Al Qaeda không phải là lực lượng trực tiếp bắt giữ nhà ngoại giao cấp cao này mà được các phiến quân Afghanistan và Pakistan giao lại. Ông Farahi đã bị Al Qaeda giam giữ trong suốt 2 năm. Chính phủ Afghanistan không có những mối liên lạc trực tiếp với Al Qaeda, điều đã cản trở cho việc khởi động các cuộc thương lượng, cho tới khi mạng lưới Haqqani - một nhánh phiến quân Afghanistan có liên hệ gần gũi với Al Qaeda - đứng ra làm trung gian.

Giới lãnh đạo của Al Qaeda muốn trao đổi ông Farahi với một số phần tử khủng bố đang bị giam giữ. Trong các bức thư, phía Al Qaeda đã đưa ra đề xuất trên và lưu ý chỉ cần phóng thích những thành viên của mạng lưới này đang bị giới chức Afghanistan giam giữ. Dẫu vậy, phía Afghanistan đã từ chối trả tự do cho bất kỳ phần tử khủng bố nào, “do vậy, chúng tôi đã quyết định thúc đẩy phương án đòi tiền chuộc”, Rahman viết trong một bức thư đề tháng 6/2010. “Số tiền mà chúng tôi nhất trí là 5 triệu USD”, bức thư nêu rõ.

Hai triệu USD đầu tiên được chuyển cho Al Qaeda ngay sau khi bức thư trên được viết. Các thủ lĩnh của Al Qaeda được nhắc tới trong bức thư đều sử dụng bí danh. Số tiền trên đã được sử dụng để trợ cấp cho gia đình các chiến binh Al Qaeda đang bị giam giữ tại Afghanistan và một phần khác được đưa cho Ayman al-Zawahri, người kế nhiệm của Bin Laden.

Tuy vậy, Bin Laden vẫn nghi đây là một thủ đoạn mà Mỹ dùng để lần ra vị trí của các thủ lĩnh cấp cao của mạng lưới. Tên này viết: “Điều này hơi lạ vì ở một đất nước như Afghanistan, thường người ta không bỏ ra một khoản tiền lớn như vậy để đổi lấy tự do cho người của họ”. Nhưng Farahi có thân phận khá đặc biệt, nhà ngoại giao này là con rể của cố vấn đặc biệt của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai.

Để “đảm bảo an toàn trong trường hợp tiền bị tẩm chất độc hoặc phóng xạ”, Bin Laden đã khuyên Rahman nên tới ngân hàng đổi tiền chuộc sang đồng tiền khác rồi đổi thêm một lần nữa sang đồng tiền nào phù hợp. Có một điều là Bin Laden và Rahman đều không biết nguồn gốc thực sự của số tiền. Ngoài việc dùng tiền do CIA viện trợ, giới chức Afghanistan cho biết trong một nỗ lực nhằm hàn gắn quan hệ, Pakistan cũng đã đóng góp gần một nửa số tiền chuộc. Phần còn lại lấy từ quỹ bí mật do Iran và các quốc gia vùng Vịnh tài trợ.

Trong một bức thư gửi Bin Laden đề ngày 23/11/2010, Rahman thông báo đã nhận được 3 triệu USD còn lại và con tin Farahi đã được trả tự do. Cùng thời gian đó, CIA tiếp tục cầm đều đặn hàng tháng những vali tiền tới dinh tổng thống, mỗi lần từ vài trăm ngàn USD tới 1 triệu USD, cho tới tận năm 2014, khi ông Karzai không còn là Tổng thống Afghanistan.
 Hoạt động này của CIA chỉ bị công luận biết tới sau khi Tổng thống Ashraf Ghani lên nắm quyền. Nhưng theo tiết lộ của các quan chức Afghanistan, CIA vẫn tiếp tục đổ tiền đầu tư cho Kabul song với hình thức tinh vi hơn và không biết trong tương lai liệu những đồng tiền này có tiếp tục tìm đến két sắt của các tổ chức khủng bố hay không?


Thái Nguyễn(Theo New York Times)