09:06 01/09/2012

Chuyện về 'Ông truyền thanh xã'

Về xã Quảng Thuận (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) hỏi ông Nguyễn Quang Trung (67 tuổi - ảnh) ai ai cũng biết. Ông Trung không chỉ là một cán bộ quân đội có lối sống giản dị, mẫu mực, mà còn là một phát thanh viên nhiệt tình và giàu tâm huyết với nghề...

Về xã Quảng Thuận (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) hỏi ông Nguyễn Quang Trung (67 tuổi - ảnh) ai ai cũng biết. Ông Trung không chỉ là một cán bộ quân đội có lối sống giản dị, mẫu mực, mà còn là một phát thanh viên nhiệt tình và giàu tâm huyết với nghề, được bà con thôn xóm quý trọng gọi với cái tên trìu mến: “Ông truyền thanh xã”.


Men theo con đường làng với dãy dài những cột điện cao vút có gắn những loa phát thanh, chúng tôi đến thăm nhà ông Nguyễn Quang Trung ở xóm Đồng, xã Quảng Thuận. Trong dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, lịch làm việc của “Ông truyền thanh xã” cứ dày lên, bàn làm việc của ông tại nhà riêng chất đầy những tin bài, kế hoạch hoạt động. Với chất giọng trầm ấm, rành mạch và giàu cảm xúc, ông Trung tâm sự với chúng tôi về công việc phát thanh mà ông đã gắn bó suốt gần 20 năm qua.



Đài Truyền thanh xã Quảng Thuận được thành lập vào năm 1995, với mục đích tuyên truyền các đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đến với mọi người dân và phục vụ các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương... Với số tiền đầu tư 35 triệu đồng, xã Quảng Thuận đã xây dựng hệ thống loa truyền thanh ở khắp xã, với chiều dài đường dây truyền dẫn là 7 km, gồm 15 loa phát thanh cùng với máy tăng âm, đài cát sét, micro và đội ngũ nhân sự gần 30 người. Bước đầu Đài Truyền thanh xã đi vào hoạt động rất bài bản. Chương trình có thời lượng 30 phút mỗi ngày (từ 6 giờ 30 đến 7 giờ).


Ông Trung bồi hồi nhớ lại: “Đài Truyền thanh xã Quảng Thuận khi ấy có thể ví như một mô hình thu nhỏ của đài phát thanh cấp huyện. Khắp các thôn xóm trong xã đều có các loa đài nên bà con được tiếp nhận thông tin rất kịp thời. Mới buổi sáng tin phát đi thì buổi chiều đã thấy tốp năm, tốp bảy những ông, bà từ ngoài đồng đến trong ngõ rôm rả bình luận thông tin. Là phát thanh viên kiêm biên tập phần nội dung, thấy đời sống dân trí của bà con ngày được nâng lên rõ rệt, tôi vui và phấn khởi lắm”.


Tuy nhiên do không có kinh phí để tiếp tục hoạt động, nên một thời gian sau nhiều cán bộ dù rất yêu nghề cũng đành bỏ việc, hoặc chuyển nghề khác để mưu sinh. Là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã kiêm phát thanh viên của đài truyền thanh, những bộn bề của công việc và những lo toan của cuộc sống càng đè nặng lên vai ông Trung. Nhưng bằng niềm tin, sự nhiệt tình và tâm huyết của mình, ông Trung đã quyết tâm bám trụ với Đài Truyền thanh xã.


Dù còn lại một mình với đống máy móc, loa đài và tin bài, ông Trung cố gồng mình “ôm trọn gói” từ viết tin, phụ trách kỹ thuật, phát thanh… “Đài Truyền thanh xã là tiếng nói của bà con nhân dân mình, đây thực sự là một kênh thông tin rất bổ ích đối với người dân quê lam lũ, nghèo khổ. Do đó, nếu để vắng một ngày không truyền thanh là mình thấy áy náy và có lỗi với bà con vô cùng”, ông Trung tâm sự.


Để có được nội dung cho những buổi phát thanh, ông Trung luôn chuẩn bị kỹ càng, chính xác từng tin bài, lên kế hoạch lên sóng cụ thể của mỗi tuần. Ông không những không coi nặng vấn đề phụ cấp hay lương, mà còn tự bỏ tiền của mình để mua giấy, bút, băng đĩa phục vụ cho việc truyền thanh, miễn làm sao là đưa được những thông tin bổ ích đến được với nhân dân.


Chính vì thế mà nội dung của những buổi truyền thanh do ông “đạo diễn” ngày càng phong phú và đa dạng với nhiều chuyên mục như điểm tin hoạt động của chính quyền địa phương trong ngày qua; gương người tốt việc tốt; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; hỏi đáp Nghị quyết Trung ương 4; phổ biến pháp luật, sức khỏe cho mọi người và còn có cả chương trình văn nghệ…


Vốn là một giáo viên, bà Trần Thị Tuyết rất hiểu và chia sẻ công việc cùng chồng. Nhiều hôm cả hai vợ chồng thức trắng để biên tập những tin bài chuẩn bị cho buổi phát hôm sau. Bà Tuyết cười hiền cho biết: “Suốt 5 năm đầu ông ấy không nhận được một đồng tiền phụ cấp. Thế mà bất kể trời mưa hay nắng, thậm chí bị ốm ông ấy vẫn lẳng lặng đạp xe đến UBND xã đúng giờ để đọc tin, thông báo kế hoạch phục vụ bà con kịp thời. Thấy ông ấy yêu và say nghề, tôi cũng cố gắng động viên chồng chứ không ngăn cản”.


Bằng sự nhiệt tình, niềm đam mê của mình, ông Trung đã đưa tiếng nói của chính quyền địa phương đến với người dân và đem những tâm tư nguyện vọng của dân trao đổi với chính quyền để cán bộ với nhân dân đồng lòng xây dựng xã Quảng Thuận ngày càng giàu đẹp.


Với những thành tích trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, Đài Truyền thanh xã Quảng Thuận vinh dự được Đài Tiếng nói Việt Nam 5 lần tặng bằng khen vì đã có thành tích trong công tác truyền thanh. Riêng ông Nguyễn Quang Trung đã 3 lần được Đài Tiếng nói Việt Nam tặng bằng khen vì đã có thành tích trong phong trào thi đua ngành phát thanh.


Bài và ảnh:Võ Thị Dung