03:19 25/03/2015

Chuyện về những 'triệu phú của làng'

Thanh niên Phú Thọ quyết tâm lập nghiệp, bám trụ “đất quê” với tài sản lớn nhất là sức trẻ và tinh thần xung kích, tình nguyện.

Không xin vào làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp như bạn bè cùng trang lứa, cũng không tìm đến những chốn đô thị phồn hoa, nhà máy với dây chuyền sản xuất hiện đại mà quyết tâm lập nghiệp, bám trụ “đất quê” với tài sản lớn nhất là sức trẻ và tinh thần xung kích, tình nguyện. Đó là câu chuyện lập nghiệp, làm giàu của những thanh niên tỉnh Phú Thọ, được gọi là “Triệu phú của làng”.

Làm giàu từ than tre hoạt tính


Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chàng trai Nguyễn Thanh Giang, xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy luôn ấp ủ khát vọng vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Nhưng làm giàu bằng cách nào là điều khiến Giang trăn trở, suy nghĩ. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp PTTH, Giang về Thanh Hóa chơi và gặp người chú họ hiện có xưởng sản xuất than tre hoạt tính hoạt động rất hiệu quả. Qua tìm hiểu và nghiên cứu, Giang thấy thị trường Việt Nam rất ưa chuộng mặt hàng này nên chàng trai trẻ quyết định sản xuất than tre hoạt tính.

Anh Nguyễn Thanh Giang đang giới thiệu mô hình sản xuất than hoạt tính của mình. Ảnh: doanthanhnien.vn


Khởi nghiệp, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm lại không nắm bắt được nhu cầu thực tế cũng như kỹ thuật sản xuất than hoạt tính nên mô hình than hoạt tính của Giang còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm và thu mua các nguyên liệu sản xuất.

Sau đó, Giang đã được chú họ hướng dẫn cách sản xuất than, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Cuối năm 2009, Giang được người quen là Việt kiều Nhật Bản hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm than sang Nhật. Nhờ đó, Giang mạnh dạn huy động các nguồn vốn tự có từ gia đình, vay mượn thêm cả anh em bạn bè để đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất than tre hoạt tính quy mô lớn với 12 lò nung vận hành liên tục, mỗi ngày cho 1,5 tấn sản phẩm.

“Hiện, cơ sở sản xuất của tôi  có 12 lò đốt than tre hoạt tính, mỗi lò đốt than thường sẽ kéo dài 3 ngày, 2 đêm liên tục. Khoảng 2 tấn tre nguyên liệu sẽ thu được 1 tấn than thành phẩm. Qua quá trình đốt và hoạt hóa ở nhiệt độ cao trong lò, than tre có nhiều tác dụng như: Chống nồm, chống ẩm, chống tia phóng xạ, khử mùi và bảo vệ sức khỏe con người…”, anh Nguyễn Thanh Giang cho biết.

Sản xuất than tre hoạt tính đem lại giá trị kinh tế cao, tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương. Bên cạnh đó, việc liên kết với các cơ sở sản xuất đũa trên địa bàn để thu mua nguyên liệu tre giá rẻ, chất lượng tốt lại giảm được rất nhiều chi phí. Xưởng sản xuất than hoạt tính của anh Giang sau khi trừ hết các chi phí, thu nhập bình quân hàng năm đạt hơn 250 triệu đồng, giải quyết việc làm cho hơn 9 lao động là đoàn viên thanh niên tại địa phương với mức lương bình quân hơn 3 triệu đồng/tháng. Ngoài xuất khẩu sang Nhật Bản, ở trong nước, mặt hàng than hoạt tính của cơ sở còn xuất sang các tỉnh lân cận như: Hà Giang, Hòa Bình, Thanh Hóa... Giờ đây, bên cạnh than hoạt tính, anh Giang còn đầu tư sản xuất thêm sản phẩm phụ là than củi để tăng thêm thu nhập cho xưởng sản xuất.

Mở rộng mô hình trang trại tổng hợp

Khác với cách làm kinh tế của anh Nguyễn Thanh Giang, đoàn viên Hà Trung Kiên, xã Thanh Hà, huyện Thanh Ba lại tìm cách làm giàu bằng mô hình kinh tế tổng hợp với thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.

Trung Kiên tâm sự: “Thấy diện tích đồng lầy trũng, mênh mông là nước và cỏ lác, nhà nào khéo làm may ra chỉ cấy được một vụ chiêm. Tiếc đất bỏ không, đầu năm 2008, tôi nảy ra ý tưởng làm trang trại, quyết tâm biến đất hoang thành thành của cải”.

Được bố đứng ra vay ngân hàng cho 40 triệu đồng, Kiên đầu tư múc đất đổ đầy sình trũng làm vườn trồng cỏ, trồng đậu. Khu vực múc đất được Kiên cải tạo làm ao thả cá. Nhiều bà con trong xã có đất gần đã chuyển đổi cho Kiên để làm trang trại. Với bàn tay, sức vóc và quyết tâm của đoàn viên trẻ, chẳng bao lâu trang trại của Kiên đã có diện tích thả cá với hơn 5.000 m2. Cuối năm 2009, Kiên đã thu hoạch hơn 3 tấn cá, thu khoảng 65 triệu đồng. Tiền bán đậu cũng giúp Kiên trang trải chi phí hàng ngày... Thu nhập đã có, Kiên tính trả nợ một phần, phần còn lại tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô trồng trọt và chăn nuôi lợn.

Từ số vốn ban đầu 40 triệu đồng, đến nay Hà Trung Kiên đã có trang trại ước đến cả tỷ đồng. Trong trang trại, khu chăn nuôi lợn khá quy mô, lúc nào cũng có khoảng 120 con lợn thịt, 5 lợn giống, hàng trăm con gà, vịt... Diện tích đất trống, Kiên cho trồng 200 gốc táo, 200 gốc chuối vừa tạo cảnh quan, bóng mát còn làm giảm sự ô nhiễm môi trường xung quanh. Theo tính toán của Kiên, mỗi năm trang trại thu lãi khoảng hơn 200 triệu đồng… Bên cạnh trang trại, Kiên đã đầu tư mua chiếc máy xúc trị giá trên 300 triệu đồng để phục vụ người dân.

Đó chỉ là 2 tấm gương tiêu biểu trong số hàng nghìn đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vươn lên làm kinh tế từ mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, kinh doanh, dịch vụ... với mức thu nhập từ 200 - 400 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Họ là những đoàn viên, thanh niên nông dân chân đất vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng bằng ý chí, nghị lực, dám nghĩ dám làm, đi đầu trên mặt trận chống đói nghèo ở Phú Thọ.


Tạ Văn Toàn