06:14 15/06/2014

Chuyện tình lá mùng năm

Tôi vẫn nhớ những ngày Tết đoan ngọ ở quê. Nguồn gốc về ngày Tết đoan ngọ, tôi nghe mẹ kể lại rằng, gắn liền với truyền thuyết về Khuất Nguyên, vốn là một thần y bên Trung Quốc.

Tôi vẫn nhớ những ngày Tết đoan ngọ ở quê. Nguồn gốc về ngày Tết đoan ngọ, tôi nghe mẹ kể lại rằng, gắn liền với truyền thuyết về Khuất Nguyên, vốn là một thần y bên Trung Quốc. Vì thế, tập tục hái lá vào ngày mùng năm vẫn tồn tại từ mấy đời ở thôn quê tôi. Những chiếc lá hái vào ngày mùng năm, được xem là “thần dược” ở chốn quê hẻo lánh này, để dùng nó vào những trái gió trở trời.

Một chiều tan trường, vô tình gặp mấy người đàn bà quê tảo tần với gánh lá trên vai, mắt tôi nhòa đi vì nhớ... Tôi vẫn nhớ những ngày cùng mẹ đi hái lá mùng năm trong rừng, nhớ cả cổ tay trắng như ngà của cô bạn cùng xóm, mỗi khi chúng tôi gánh lá về chung đường. Nhớ cả những nụ cười trong trẻo, giòn tan của mấy đứa bọn nấp sau vòm lá, chờ bóng tôi qua để chúng nhát ma. Rồi tha hồ cười khúc khích.

Như một tập tục có từ lâu đời, cứ vào ngày mùng năm, tháng năm âm lịch, tôi cùng các chị gái, cùng với mấy cậu bé trạc tuổi tôi, mon men theo con đường làng, để đi dọc theo các triền đê, dọc theo những lối mòn trong rừng hái lá mùng năm. Lá mùng năm là tên gọi chung của những loại cây dân dã, nhưng có tác dụng chữa bệnh như cây ngải cứu, cây dủ dẻ, mã đề, vú sữa, đinh lăng, hóc hương, rẽ quạt, đại tướng quân... Đi hái lá, vừa là niềm vui, vừa coi đó là cơ hội để chúng tôi kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình. Bởi ngày ấy cái nghèo gắn với chúng tôi như hình với bóng.

Mỗi năm chỉ có một lần, những ngày hái lá mồng năm của chúng tôi chứa chan biết bao kỉ niệm. Tôi nắm tay em đi dọc các triền đê, để tìm lá mùng năm. Hai cái bóng nhỏ xíu in hình qua từng vũng nước trong veo, in cả trong lòng tôi một nỗi nhớ dài đằng đẵng sau này. Lá mùng năm là những cây lá thơm mùi thuốc bắc. Thường, người ta chỉ đợi đến dịp mùng năm mới đi hái về. Và phơi đúng vào trưa nắng của dịp Tết đoan ngọ. Những chiếc lá có công dụng chữa bệnh, hoặc dùng để nấu nước dùng trong những gia đình ở nông thôn. Cứ đến mùng năm, trong những phiên chợ nghèo đều có mặt nó. Từng bó lá mùng năm nằm im lìm dưới ánh mặt trời, cạnh những người đàn bà khắc khổ, trong phiên chợ nghèo.

Và trên giàn bếp của mỗi gia đình, lá mùng năm như một “của để dành” được mang ra dùng, mỗi khi trong nhà có người đau ốm. Những bó lá mùng năm, một thời đã đi vào truyền thuyết, nhưng ai ngờ, nó đã gắn bó với cuộc đời bình dị của những người dân quê tôi.

Kỉ niệm hái là mùng năm như là một niềm vui, cũng là một “vết cứa” về mối tình đơn phương của tôi ngày ấy. Những chiếc lá mùng năm thơm phức, mỗi chiếc lá mỗi hình dáng khác nhau, đã gieo vào lòng tôi một nỗi khắc khoải. Vừa hái những chiếc lá bỏ vào bao, chúng tôi vừa vờn theo những cánh bướm xanh đỏ. Từng cánh bướm sặc sỡ đậu trên mái tóc dài của em. Ngỡ đâu em mãi thuộc về tôi, nhưng khi vừa mới chớm lời yêu trên môi, em đã đi về xứ người. Những cánh bướm dập dìu, những chiếc lá mùng năm mỏng manh, cùng những kỉ niệm ngày ấy không đủ sức để níu chân em.

Lại một mùng năm nữa lại đến, tôi thơ thẩn đi vòng các triền đê. Hình ảnh của em ngày nào đã nhạt nhòa trong kí ức. Từng chiếc lá mùng năm vẫn còn đây, chìa ra run run trong gió. Tôi nghẹn ngào không nói nên lời.

Về đâu, hỡi những chiếc lá mùng năm?

THÂN THỊ THANH TRÂM