'Phép màu' tuyệt vời từ những chú ngựa cho các vận động viên khuyết tật

Các vận động viên khuyết tật và những “người bạn đồng hành” là những chú ngựa của họ ở Paralympic Tokyo 2020 đang chứng minh một điều rằng tập luyện chuyên nghiệp từ sớm không phải là công thức duy nhất để gặt hái thành công trong thể thao.

Chú thích ảnh
Soshi Yoshigoe và chú ngựa Hashtag thi đấu tại Paralympic Tokyo trong Công viên Equestrian, ngày 26/8. Ảnh: Kyodo

Các VĐV khuyết tật ban đầu cưỡi ngựa nhằm mục đích trị liệu hoặc giải trí, nhưng nhờ khả năng chữa bệnh từ cưỡi ngựa, các VĐV đã cải thiện được thể trạng, tinh thần và cả kỹ năng để họ có thể tự tin tham gia tranh tài ở cấp độ Paralympic.

Liệu pháp chữa bệnh bằng cưỡi ngựa cung cấp các lợi ích về thể chất, nhận thức và tâm lý, giúp cải thiện khả năng cân bằng, khả năng phối hợp, vận động khớp, trương lực cơ, điều chỉnh tư thế, cũng như tăng khả năng giao tiếp và tương tác xã hội.

Lợi ích tiềm tàng của việc cưỡi ngựa đối với người khuyết tật lần đầu tiên được ghi nhận khi Lis Hartel, một vận động viên đua ngựa người Đan Mạch và là người sống sót sau bệnh bại liệt, đã giành được Huy chương Bạc ở nội dung biểu diễn ngựa cá nhân tại hai kỳ Olympic mùa Hè năm 1952 và 1956.

Paralympic Tokyo đánh dấu kỷ niệm 25 năm bộ môn cưỡi ngựa được đưa vào chương trình thi đấu Paralympic. Các VĐV cưỡi ngựa mô tả rằng phần thi cưỡi ngựa biểu diễn của họ giống như các cặp VĐV trượt băng nghệ thuật và những chú ngựa giống như đối tác của họ.

Soshi Yoshigoe là VĐV cưỡi ngựa người Nhật Bản. Ban đầu, anh đến với bộ môn này như một phần trong chương trình phục hồi chức năng của bản thân. Mãi đến khi học trung học cơ sở, Yoshigoe mới bắt đầu quan tâm đến môn thể thao cưỡi ngựa trong khuổn khổ thi đấu Paralympic, song anh đã nhanh chóng ghi dấu ấn của mình tại Nhật Bản. Chàng trai 21 tuổi bị bại não bẩm sinh và gặp khó khăn trong việc đi lại, nhưng việc cưỡi ngựa đã giúp giảm hiệu quả tình trạng cứng cơ mà anh phải trải qua.

Yoshigoe chuyển từ chơi thể thao Hạng I, dành cho những VĐV khuyết tật nặng nhất, lên Hạng II, trong số 5 hạng của Paralympic. Yoshigoe và chú ngựa Hashtag của anh đã thi đấu ở nội dung cưỡi ngựa biểu diễn cá nhân Hạng II tại Paralympic Tokyo hôm 26/8 vừa qua. Dù không nằm trong tốp 8 VĐV đạt thành tích tốt nhất để bước vào vòng trong, nhưng những nỗ lực của chàng trai trẻ góp mặt ở đấu trường quốc tế này vẫn rất đáng ngưỡng mộ. 

Một minh chứng khác về phương pháp trị liệu bằng cươi ngựa đó là ông Miyaji 63 tuổi, người từng làm việc với ngựa tại một trong hai chuồng ngựa thuộc sở hữu của Hiệp hội Đua ngựa Nhật Bản. Dù gặp vấn đề về khả năng nói sau khi bị đột quỵ vào năm 2005, nhưng tình yêu dành cho loài động vật này và niềm đam mê cưỡi ngựa đã giúp ông Miyaji phục hồi một số khả năng giao tiếp.

Hiệp hội Cưỡi ngựa dành cho Người khuyết tật của Nhật Bản tin tưởng rằng Paralympic Tokyo là cơ hội lớn để truyền cảm hứng tới nhiều người khuyết tật sử dụng cưỡi ngựa làm phương pháp trị liệu.

Bà Megumi Tsukamoto, người phát ngôn của Hiệp hội, nhấn mạnh rằng ngựa di chuyển theo một chuyển động nhịp nhàng bắt chước chuyển động của con người khi đi bộ và điều này được cho là tăng cường cơ bắp của cũng như cử động khớp của người cưỡi ngựa, đồng thời cải thiện khả năng cân bằng và phối hợp khi họ đi bộ. Bà Tsukamoto cho biết thêm hiện Hiệp hội của bà đang xúc tiến làm việc với các câu lạc bộ cưỡi ngựa và các chính quyền địa phương để lập kế hoạch dành cho các cộng đồng trị liệu bằng phương pháp cưỡi ngựa.

Minh Tâm (TTXVN)
Paralympic Tokyo 2020: Hai kình ngư Việt Nam đều dừng bước ở vòng loại cự ly 50m
Paralympic Tokyo 2020: Hai kình ngư Việt Nam đều dừng bước ở vòng loại cự ly 50m

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, sáng 30/8, các kình ngư Trịnh Thị Bích Như và Võ Thanh Tùng đều tranh tài ở cự ly 50m. Tuy nhiên, cả hai vận động viên này đều dừng bước ngay ở vòng loại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN