Paralympic 2020: Tokyo - một năm trước giờ G

Tại thời điểm đúng 1 năm nữa sẽ diễn ra Đại hội thể thao dành cho người khuyết tật Paralympic 2020, ngày 25/8, thành phố Tokyo (Nhật Bản) đã tổ chức một số cuộc triển lãm thực hành dành cho trẻ em, với hy vọng có thể làm thay đổi sự nhận thức đối với người khuyết tật ở đất nước này.

Chú thích ảnh
Logo Olympic Tokyo 2020 và Paralympic Tokyo 2020 được treo trước cổng một tòa nhà ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Theo kế hoạch, Paralympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra từ 25/8 - 6/9. Đây cũng là lần thứ 2 Tokyo đăng cai tổ chức Paralympic sau kỳ đại hội đầu tiên vào năm 1964. So với quy mô kỳ đại hội thể thao dành cho người khuyết tật đầu tiên được tổ chức tại Tokyo cách đây 55 năm, Paralympic Tokyo 2020 dự kiến có quy mô gấp 10 lần, thu hút khoảng 4.400 vận động viên chuyên nghiệp thi đấu ở 21 bộ môn với tổng số huy chương lên tới hơn 500 chiếc. Paralympic Tokyo 1964 chỉ diễn ra trong 5 ngày với 378 vận động viên bán chuyên đến từ 21 nước tham gia 9 bộ môn thi đấu. 

Theo người đứng đầu của Ủy ban tổ chức Paralympic Nhật Bản, nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với người khuyết tật, hầu hết các màn thi đấu của sự kiện này sẽ được truyền hình trực tiếp với mức độ phủ sóng lớn nhất trong lịch sử Paralympic. 

Chủ tịch Ủy ban Paralympic quốc tế Andrew Parsons cũng đã dành nhiều lời khen ngợi Nhật Bản trong công tác chuẩn bị cho sự kiện thể thao này. Tuy nhiên, Thị trưởng Tokyo Yuriko Koibe khiêm tốn với tuyên bố chỉ có thể đánh giá Paralympic 2020 thành công khi sự kiện này diễn ra trôi chảy, bởi trên thực tế, Tokyo gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp chỗ ở cho các vận động viên khuyết tật do thiếu hệ thống khách sạn thân thiện với người khuyết tật.

Ở Nhật Bản, người khuyết tật thường có cuộc sống khép kín, ít xuất hiện trên đường phố. Theo nhận định của ông Parsons, mặc dù hệ thống giao thông được thiết kế thích ứng với người khuyết tật, song vì rào cản văn hóa, trên đường phố thủ đô Tokyo hiếm khi nhìn thấy người khuyết tật và việc thiếu khách sạn thân thiện với người khuyết tật là do có quan niệm nhóm đối tượng này chỉ nên ở nhà và hạn chế di chuyển.

Chính vì lí do này, nhiều người hy vọng việc Tokyo chuẩn bị cho Paralympic sẽ góp phần cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng của Nhật Bản theo hướng thân thiện hơn với người khuyết tật, để họ tự tin, hòa đồng với cuộc sống như những người bình thường.

Lan Phương (TTXVN)
Nhật Bản công chiếu phim tài liệu về Paralympics Tokyo 1964
Nhật Bản công chiếu phim tài liệu về Paralympics Tokyo 1964

Khi chỉ còn 1 năm nữa sẽ diễn ra Đại hội thể thao người khuyết tật Paralympics Tokyo 2020, Nhật Bản đã công chiếu 2 bộ phim tài liệu về Paralympics Tokyo 1964 vốn bị "phủ bụi" từ hơn 50 năm qua, nhằm giúp người xem hiểu hơn về bầu không khí thể thao thời bấy giờ cũng như chứng kiến nghị lực của thế hệ vận động viên "tàn mà không phế" đi trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN