Lương cầu thủ bóng đá Pháp: Vẫn là câu chuyện 'một trời - một vực'

Theo thông lệ hàng năm, cứ mỗi dịp đầu Xuân, báo l'Equipe lại công bố cập nhật mức lương của những cầu thủ chơi cho các câu lạc bộ (CLB) bóng đá của Pháp. Như thường lệ, gã nhà giàu PSG luôn có những ngôi sao nhận mức lương trên trời, trong khi đa số các cầu thủ trong làng bóng đã nữ chỉ nhận được chưa đến 2.000 euro mỗi tháng, thậm chí có người chỉ được thù lao 120 euro cho mỗi lần ra sân.

Mùa xuân là mùa chim én bay, hoa anh đào nở rộ và cũng là mùa mà theo truyền thống, báo l‘Equipe công bố bảng lương của các cầu thủ, huấn luyện viên (HLV) của các câu lạc bộ bóng đá Pháp. Cũng không khác mọi năm là mấy, nếu nhìn vào những con số nhảy múa trước mắt, người hâm mộ sẽ không khỏi choáng váng vì thu nhập của một số cầu thủ hàng đầu. Nhưng rồi bạn cũng sẽ cảm thấy chạnh lòng thay cho các nữ cầu thủ vốn chỉ nhận được những đồng lương tháng còm cõi ở đất nước hình lục lăng.

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ở thời điểm giữa mùa giải năm 2021, kênh truyền hình Mediapro của Tây Ban Nha đã nêu vắn tắt về giải Ligue 1: “Vĩnh biệt những bản hợp đồng béo bở và chào mừng chính sách thắt chặt ngân sách của bóng đá Pháp!”. Nhận định này hoàn toàn phù hợp với bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến doanh thu của CLB sụt giảm nghiêm trọng. Thế nhưng, trong mùa giải 2021-2022 hiện nay, bảng lương tại Ligue 1 vẫn tiếp tục tăng chóng mặt.

Theo l’Equipe, tổng tiền lương của giải đấu số một nước Pháp đã giảm từ mức 1,38 tỷ euro trong giai đoạn trước đại dịch (mùa giải 2018-2019) xuống còn 1,73 tỷ trong năm tài chính hiện tại. Nhưng không phải tất cả các CLB đều chòng chành trên cùng một con thuyền. Gã nhà giàu PSG chịu trách nhiệm chính cho tình trạng đội ngân sách, bởi tổng mức lương trả cho các cầu thủ của CLB đã tăng gần gấp đôi trong giai đoạn này.

Chú thích ảnh
Mbappe, Messi và Neymar. Ảnh: thethaovanhoa.vn

Thực ra câu chuyện chẳng làm cho ai ngạc nhiên, bởi Neymar, Messi và Mbappé của đội bóng thủ đô đương nhiên có ba mức lương cao nhất bóng đá Pháp. Chỉ tính lương ròng mỗi tháng (không tính tiền thưởng), cầu thủ người Brazil được trả hơn 4 triệu euro (tương đương với gần 50 triệu euro/năm), so với 3,4 triệu euro của tiền đạo người Argentina và 2,2 triệu euro của tiền đạo người Pháp. Tuy nhiên, “sự bá đạo” của PSG không dừng lại ở đó, bởi đơn giản 14 cầu thủ hưởng lương cao nhất Ligue 1 đều đến từ đội bóng của kinh đô ánh sáng.

PSG rõ ràng không nằm trong cùng sân chơi với các đối thủ. Chỉ riêng CLB này đã chiếm 37% tổng bảng lương của giải vô địch nước Pháp. Tính bình quân lương ròng, mỗi cầu thủ của PSG đã kiếm được 990.000 euro mỗi tháng… so với mức 67.000 euro của các CLB còn lại. Đứng sau đội bóng thủ đô, Olympique Marseille, AS Monaco, Nice và Lyon là những CLB hào phóng nhất, mặc dù số tiền chi ra còn lâu mới so sánh được với PSG.

Về AS Monaco, đáng chú ý nhất là trường hợp của tiền vệ Cesc Fabregas, cầu thủ hưởng lương cao thứ 18 tại Ligue 1 với 600.000 euro/tháng. Đây là mức đãi ngộ rất hậu hĩnh nếu biết rằng cầu thủ người Tây Ban Nha đã ở giai đoạn cuối của sự nghiệp và thường xuyên dính chấn thương, mới chỉ đặt chân lên sân cỏ nước Pháp vỏn vẹn 36 phút ở mùa giải năm nay. Tính ra, cựu cầu thủ Arsenal đã kiếm được 120.000 euro cho mỗi phút chơi! Thế giới bóng đá quả thật chưa có ai làm điều đó tốt hơn anh. Tất nhiên, không phải cầu thủ nào cũng rủng rỉnh như vậy. Theo thống kê, chỉ có một nửa số cầu thủ thuộc dạng ngôi sao của bóng đá Pháp được hưởng mức lương dưới 40.000 euro/tháng.

Tiền bạc và bóng đá, bóng đá và tiền bạc là những từ không thể tách rời trong trí tưởng tượng tập thể. Chắc chắn không thể tiến bộ ở Ligue 1 mà không có một ngân sách nhiều triệu euro. Thế nhưng, chỉ đơn thuần nhân các phiếu chi lên 6 con số cũng chưa chắc có được thành tích tốt. Strasbourg là một thí dụ hoàn hảo về cơ sự ít tiền nhưng vẫn thành công. Mặc dù tổng bảng lương đứng thứ 11 tại giải vô địch quốc gia Pháp, với mức lương tháng trung bình phải trả cho mỗi cầu thủ là 55.000 euro, CLB vùng Alsace hiện đứng ở vị trí thứ 5 Ligue 1. Những đội bóng nhà nghèo nhưng được quản lý tốt khác là Lens, có tổng bảng lương đứng thứ 14 nhưng giành vị trí thứ 8, hay Montpellier đứng thứ 17 nhưng giành vị trí thứ 11 trên bảng xếp hạng Ligue 1.

Ngược lại, mặc dù có ngân sách khấm khá hơn, song một số đội bóng vẫn gặp khó khăn. Đó là trường hợp của Bordeaux, hiện đứng ở vị trí “đội sổ” Ligue 1, có tổng bảng lương đứng thứ 13 nhưng rất chịu chi cho một số cầu thủ. Chẳng hạn, tiền vệ Josuha Guilavogui được trả 240.000 euro, hoặc thủ môn Benoît Costil 200.000 euro mỗi tháng. Tương tự là câu lạc bộ Saint-Etienne, đứng thứ 9 về tổng bảng lương nhưng chỉ giành được vị trí thứ 18 ở Ligue 1 và Lyon, đứng thứ 5 về lương nhưng chỉ đứng thứ 10 về thành tích.

Đối với các HLV, cũng không có gì ngạc nhiên khi Mauricio Pochettino của PSG được trả lương cao nhất ở giải vô địch quốc gia Pháp. Mỗi tháng, nhà cầm quân người Argentina bỏ túi đều đặn với mức lương ròng 1,1 triệu euro, cao gấp ba lần so với người đứng thứ hai là đồng hương Jorge Sampaoli hiện huấn luyện đội bóng thành phố cảng Marseille. Cũng nên biết rằng trợ lý thứ nhất của PSG, Jesus Perez, đang được trả 80.000 euro/tháng, cao hơn so với mức lương của 9 HLV trưởng khác tại Ligue 1.

Bức tranh bóng đá nữ tại Pháp không có nhiều màu sắc như vậy. Thoạt nhìn mức lương cao nhất của giải bóng đá nữ Division 1 (D1), nhiều người có thể cho rằng các nữ ngôi sao, tất nhiên không thể so với các đồng nghiệp nam, không có gì phải phàn nàn. Tất cả các nữ cầu thủ trong Top 20 đều kiếm được hơn 10.000 euro/tháng, giúp họ lọt vào tầng lớp 1% người Pháp có cuộc sống khá giả nhất. Trong số này phải kể đến tiền đạo Kadidiatou Diani của PSG và hậu vệ Wendie Renard của Olympique Lyonnais (OL), với cùng mức lương đỉnh mỗi tháng là 37.000 euro.

Nhưng buộc phải nói rằng 20 cầu thủ được trả lương cao nhất nói trên, đều đến từ Paris hoặc Lyon, là một ngoại lệ. Tuy rằng số tiền được nhận nhìn chung có tăng qua các năm, nhưng phần lớn các cầu thủ ngôi sao đều có mức lương dưới 2.000 euro. Tại D1, vẫn còn một số dạng hợp đồng và số còn lại, các cầu thủ phải chơi theo dạng bán chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư.

Thí dụ ở câu lạc bộ Issy-les-Moulineaux, chỉ có 11 cầu thủ là hoàn toàn chuyên nghiệp. Các chị em còn lại làm theo kiểu “chân trong chân ngoài” và chỉ được trả thù lao 120 euro cho mỗi lần ra sân. Sự chênh lệch về số tiền được trả cho các nữ câu thủ giải thích tại sao cứ mỗi lần ra sân là PSG và OL lại dễ dàng đè bẹp các đối thủ như một thói quen trong những năm gần đây.

Nguyễn Tuyên (TTXVN)
Hiệu ứng Lionel Messi đối với PSG và bóng đá Pháp
Hiệu ứng Lionel Messi đối với PSG và bóng đá Pháp

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, ngoài những phẩm chất không thể phủ nhận trên sân cỏ, siêu sao 34 tuổi người Argentina Lionel Messi được kỳ vọng sẽ là át chủ bài của PSG ở góc độ kinh tế và marketing, đồng thời cũng mang lại lợi ích cho toàn bộ nền bóng đá Pháp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN